Thời gian qua, có nhiều ý kiến tranh luận việc dạy học trực tuyến không tạo được hiệu quả, đặc biệt là đối với học sinh bậc tiểu học.
Do đó, có nhiều đề xuất nên dừng triển khai dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1, lớp 2.
Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, người đưa mô hình trường học Kiến tạo về Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường ICS (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ:
“Chúng ta không nên vội vã kết luận dạy học trực tuyến không hiệu quả, thay vào đó, cần đặt ra câu hỏi điều gì khiến dạy học trực tuyến không hiệu quả và điều gì sẽ giúp dạy học trực tuyến phát huy hiệu quả”.
Trong hơn một năm qua, ở nhiều quốc gia trên thế giới, các trường học phải đóng cửa, học sinh từ mầm non đến phổ thông đều học trực tuyến, nếu nói phương thức này không hiệu quả thì một năm vừa rồi học sinh trên thế giới học những gì”?
4 yếu tố quyết định hiệu quả dạy học trực tuyến
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương cho biết, có 4 yếu tố quyết định đến tính hiệu quả của dạy học trực tuyến.
Thứ nhất là nền tảng hạ tầng công nghệ, liên quan đến phần mềm dạy học trực tuyến, máy móc, trang thiết bị của nhà trường và của học sinh.
Theo cô Uyên Phương, hầu hết các trường học đang sử dụng những công cụ ứng dụng trong họp trực tuyến chứ không phải dạy học trực tuyến. Những ứng dụng như Zoom, Google Meeting,... chỉ hỗ trợ họp trực tuyến nên các tính năng phục vụ dạy học đang bị giới hạn.
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng, nhiều trường học sử dụng phần mềm họp online nên dạy học chưa hiệu quả (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Ngoài ra, máy móc thiết bị của giáo viên, đường truyền wifi hay trang thiết bị của học sinh cũng ảnh hưởng tới quá trình dạy học trực tuyến. Hiện nay, trên thế giới và tại Việt Nam đã phát triển nhiều phần mềm dạy học trực tuyến với tính năng hỗ trợ tương tác hai chiều, hỗ trợ tối đa quá trình dạy và học với mức phí hợp lý. Các trường học có thể lựa chọn những nền tảng ứng dụng công nghệ phù hợp với định hướng của trường.
“Với những địa phương vùng sâu vùng xa, điều kiện khó khăn thì cần tìm những cách liên kết khác như giáo dục trên truyền hình.
Ngoài ra, có nhiều đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng, bằng lòng hỗ trợ cho các trường học như cộng đồng giáo dục Microsoft, hay Viettel cũng có gói hỗ trợ internet trong trường học. Tuy nhiên, những thông tin đó chưa đến được với nhiều người và mọi người cũng chưa chủ động tìm kiếm nguồn hỗ trợ”, cô Uyên Phương chia sẻ.
Yếu tố thứ hai là kỹ năng dạy học trực tuyến của giáo viên. Kỹ thuật dạy học trực tuyến có tính đặc thù đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo hơn trong thiết kế bài giảng, thúc đẩy hoạt động tương tác và thu hút sự chú ý của người học.
Giáo viên cũng cần chú ý hơn đến ngôn ngữ hình thể, game hóa kiến thức bài học, kiểm tra đánh giá,...
Giáo viên cần chủ động học tập, tìm kiếm và vận dụng những kỹ năng dạy học trực tuyến (Ảnh: Trường ICS ) |
Theo cô Uyên Phương, có rất nhiều cách để giáo viên học được những phương pháp, kỹ năng mới. Ví dụ như cộng đồng giáo dục Microsoft Việt Nam tổ chức nhiều khóa đào tạo miễn phí, chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến cho giáo viên. Tuy nhiên, số lượng giáo viên biết đến và tham gia cộng đồng giáo dục này chưa thực sự nhiều so với số lượng giáo viên cả nước.
Thứ ba là sự hỗ trợ từ gia đình, việc xây dựng nề nếp và tinh thần chủ động học tập của gia đình học sinh.
Sự chuẩn bị này bao gồm không gian, thời gian học tập, nề nếp sinh hoạt cũng như sự chuẩn bị về tâm lý, tinh thần cho các em.
Thứ tư là sự hỗ trợ vận hành dạy học trực tuyến của trường học. Dạy học trực tuyến không phải là nhiệm vụ riêng của mỗi thầy cô giáo mà còn cần sự tham gia của các bộ phận hỗ trợ khác trong nhà trường.
Cô Uyên Phương cho biết: “Đó có thể là những công việc như hướng dẫn cho phụ huynh cài đặt, sử dụng thành thạo phần mềm công nghệ. Trong buổi học đầu tiên, nếu học sinh nào chưa hoàn thiện việc cài đặt thì cần được nhà trường hỗ trợ kịp thời.
Cũng sẽ có những học sinh với thể trạng đặc biệt không thể tham gia học trực tuyến thì nhà trường cần có những hỗ trợ chuyên sâu”.
Để có bài giảng trực tuyến ấn tượng, giáo viên phải mất nhiều thời gian và kỳ công hơn so với dạy trực tiếp. Sự hỗ trợ vận hành còn là hỗ trợ về nguồn học liệu giúp giáo viên dạy học hiệu quả trên không gian mạng.
Cần sự nhập cuộc và hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Nếu vẫn xem dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế thì giáo dục của chúng ta sẽ mãi mãi chỉ gắn với phương pháp truyền thống và bị đóng khung trong 4 bức tường.
Rõ ràng, dạy học trực tuyến không phải là giải pháp tình thế tạm thời mà là xu hướng tương lai, nếu trẻ có kỹ năng tự học và học trực tuyến tốt thì tương lai, các con sẽ tự mình khám phá bầu trời tri thức rộng lớn.
Tương lai, các em sẽ không còn phải trực tiếp đi du học tại nước ngoài mà vẫn tiếp cận được với nền giáo dục của những trường học hàng đầu thế giới.
Hiện nay, việc chia sẻ tri thức không có biên giới. Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương nhấn mạnh đến tầm nhìn, vai trò của của những người lãnh đạo, quản lý giáo dục, những người làm công tác giáo dục.
Hiện nay, nhiều trường học, giáo viên đang loay hoay với việc dạy học trực tuyến. Điều này là dễ hiểu bởi lẽ giáo viên chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết cho quá trình vận hành, triển khai.
Trường học cần được hỗ trợ về phần mềm dạy học cũng như kho học liệu trong dạy học trực tuyến (Ảnh: Trường ICS) |
Cô Uyên Phương phân tích: “Trong khi hệ thống các trường ngoài công lập đã có nhiều đổi mới sáng tạo, đảm bảo dạy học trực tuyến hiệu quả, chất lượng thì đa số các trường công lập và những khu vực điều kiện kinh tế còn khó khăn, dạy học trực tuyến vẫn là một thách thức lớn.
Nếu những khó khăn, vướng mắc này không được tháo gỡ, hỗ trợ thì khoảng cách tri thức giữa các thành phố lớn và vùng quê, giữa những gia đình có điều kiện và những gia đình có mức sống trung bình/thấp ngày càng lớn.
Đã có sự bất bình đẳng trong giáo dục khi cơ hội tiếp nhận tri thức giữa các nhóm học sinh có sự chênh lệch, khác biệt”.
Cũng chính vì vậy, triển khai dạy học trực tuyến rất cần những chủ trương, chính sách hỗ trợ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trải qua một năm với diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh, đã đến lúc ngành giáo dục cần có hướng đi cụ thể, rõ ràng, chủ động về dạy học trực tuyến.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, muốn dạy học trực tuyến hiệu quả trên diện rộng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần triển khai ba vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những trợ giúp công nghệ cho các trường học.
Để có đảm bảo dạy học hiệu quả, đường truyền tốt, các trường cần được sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, những phần mềm, ứng dụng tốt nhất.
“Phải chấm dứt tình trạng các trường chỉ có thể sử dụng những công cụ họp trực tuyến, thiếu tính năng tương tác, đường truyền kém chất lượng. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể làm việc với những công ty công nghệ lớn để họ hỗ trợ cho các trường về phần mềm, ứng dụng dạy học chất lượng”, cô Uyên Phương nhấn mạnh.
Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng được những kho học liệu để các trường, các thầy cô có thể sử dụng, khai thác phục vụ dạy học trực tuyến.
Trên thế giới, nguồn học liệu như các bài giảng, video, bài hát, trò chơi liên quan đến kiến thức các môn học rất phong phú, đa dạng nhưng ở Việt Nam lại cực ít.
Chính vì vậy, nếu có kho học liệu như trên, giáo viên sẽ được hỗ trợ và có bài giảng trực tuyến chất lượng, hiệu quả.
Thứ ba là vấn đề đào tạo giáo viên những kỹ năng dạy học trực tuyến. Để giáo viên có thể tiếp cận công nghệ thông tin, vận dụng có hiệu quả những công cụ, phần mềm công nghệ và dạy học trực tuyến thành công thì những khóa đào tạo là việc làm cần thiết.
Nếu thực hiện đồng bộ cả ba giải pháp trên, những khó khăn, vướng mắc trong dạy học trực tuyến sẽ được tháo gỡ, dạy học trực tuyến sẽ được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả trên phạm vi rộng.
Những nhà quản lý, nhà giáo dục không thể thụ động, xem nhẹ dạy học trực tuyến mà cần phải thay đổi tư duy, chủ động tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, hữu ích để phát triển giáo dục.