Dạy trực tuyến và những câu chuyện vui, buồn giờ mới kể

19/12/2021 06:56
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Rất cần sự thấu hiểu, cảm thông của người thầy để tha thứ, bao dung, ít dần đi sự trách móc, có thế những buổi học online mới không trở thành cực hình với với trẻ

Dù không ai muốn thì dạy học trực tuyến hiện vẫn đang được áp dụng thường xuyên, đại trà ở nhiều tỉnh thành phía Nam do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phúc tạp.

Tính đến thời điểm này, có nơi đã dạy trực tuyến được 5 tháng, học sinh đang trong giai đoạn kiểm tra giữa học kỳ. Để triển khai và duy trì việc dạy học trực tuyến như thế, là cả một sự cố gắng của ngành và của chính mỗi học sinh và gia đình các em.

(Ảnh minh họa: TTXVN)(Ảnh minh họa: TTXVN)

Thầy cô cũng trở thành học trò

Dạy học trực tuyến, nếu dạy ào ào cho hết tiết thì không khó nhưng dạy đạt hiệu quả, không phải giáo viên nào cũng có khả năng này. Bởi thế, khi các địa phương triển khai việc dạy học trực tuyến, trong mỗi trường học, không khí học tập (học tập huấn, học lẫn nhau) trở nên sôi nổi khác thường.

Ngoài việc nhờ sự hỗ trợ của những đồng nghiệp dạy tin học, thì giáo viên còn nhờ cả những học trò cũ rành về công nghệ thông tin giúp đỡ với mong muốn có được nhiều hơn những thao tác, những kỹ thuật để thiết kế bài dạy thêm hấp dẫn, thêm sinh động nhằm thu hút học sinh.

Có những em học sinh khi được thầy cô hỏi đã rất nhiệt tình chỉ dẫn một cách tỉ mỉ như quay clip từng thao tác và gửi về, đóng vai học trò ngồi học, gọi điện, nhắn tin hỏi han xem cô thầy đã thực hiện tốt chưa.

Có vô vàn thứ để học từ đơn giản đến phức tạp. Như việc sao không có âm thanh? Sao không có hình ảnh? Tắt âm thanh của học trò thế nào? Chia sẻ màn hình, gắn thẻ, chọn hình thức một cửa sổ hay toàn màn hình?

Rồi đổi phông nền sao cho đẹp, cách sử dụng bảng trắng ra sao?...đến việc thiết kế các slide sao cho đẹp, thiết kế trò chơi sao cho sinh động, cho hay để giờ học thêm hấp dẫn.

Không khí học tập ở các trường bỗng trở nên sôi nổi lạ thường. Ai cũng trở thành học trò để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Những thầy cô giáo trẻ có lợi thế hơn về công nghệ thông tin thường rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho những thầy cô giáo lớn tuổi.

Gần đến ngày vào dạy chính thức, từng tổ chuyên môn lại xoay vòng tập giảng. Một người là giáo viên, những người còn lại sẽ vào vai học sinh ngồi học để góp ý những ưu điểm và phản hồi những điều còn bất cập.

Các thầy cô giáo nhập cuộc rất nhanh và say mê học đôi khi quên cả giờ giấc. Có những buổi tập giảng kéo dài từ buổi sáng qua cả những giờ nghỉ trưa thông thường nhưng ai nấy vẫn chưa muốn kết thúc. Theo lời một giáo viên vì càng học càng thấy mình cần phải học.

Chưa hết, về đêm cha mẹ, con cái vợ (hoặc chồng) đôi khi lại vào vai học sinh ngồi nghe giảng, tương tác như những giám khảo để duyệt lại lần cuối bài dạy để ngày mai “lên sóng”. Khi bài giảng đã xong, là lúc các thầy cô giáo lo trang phục, đầu tóc. Những giáo viên nữ còn chuẩn bị thêm chút đồ trang điểm lên hình cho đẹp.

Thầy giáo Thanh, giáo viên một trường trung học cơ sở tại Bình Thuận cho biết: “Mình không chỉ xuất hiện trước vài chục em học sinh để giảng dạy mà có khi cũng có chừng ấy phụ huynh đang ngồi bên con để quan sát, theo dõi. Vì thế, xuất hiện trước học sinh bao giờ cũng phải chỉnh chu và hoàn hảo như khi đi dạy trực tiếp ở trường”.

Cô giáo Mai cũng nói rằng: “Dạy trực tuyến mà chỉ ngồi đọc bài giảng thì học sinh chán lắm. Muốn thu hút sự chú ý của các em, giáo viên phải soạn thêm bài giảng điện tử, tổ chức thêm trò chơi để tạo sự hấp dẫn. Bởi thế, việc đầu tư cho từng bài giảng là vô cùng cần thiết nên học bao nhiêu vẫn chưa đủ”.

Tổ chức giảng dạy trực tuyến cho học sinh vừa giúp các em học tập trong mùa dịch mà cũng chính là dịp để các thầy cô giáo trau dồi thêm kỹ năng công nghệ thông tin của bản thân mình.

Giáo viên chuẩn bị chu toàn nhưng bài giảng có thành công lại phụ thuộc rất lớn vào phụ huynh và học sinh.

Muôn vàn lý do để học sinh trốn học và trốn tương tác

Mỗi buổi học, giáo viên đều thực hiện việc điểm danh, có những học sinh vắng học nhắn tin báo với cô rằng nhà em cúp điện, nhà em mạng bị hư hoặc mạng yếu nên đăng nhập không được.

Sự việc chỉ bị lộ khi một học sinh nào đó ở cùng khu phố tố rằng: “Hôm qua khu phố nhà mình có cúp điện đâu? Thầy ơi! Bạn ấy chơi game á, chiều con đi ngang qua nhà vẫn thấy bạn ý chơi mà”.

Có hôm, giáo viên vui mừng vì lớp học rất đông đủ nhưng khi gọi trả bài thì 10 em mới một em lên tiếng. Thầy cô yêu cầu bật camera thì đủ lý do nào là camera nhà em hư rồi. Khi được thầy hỏi dồn, học sinh bật camera lên thì thấy đang cởi trần bên tô mì ăn dở.

Đôi khi gọi trả lời đợi hoài mới nghe tiếng “con vừa đi vệ sinh nên không nghe gì ạ”.

Có phụ huynh thật thà gọi cho thầy, nó dậy sớm mở máy điểm danh xong đi ngủ lại rồi. Có em cô đang giảng bài thì liên tục xin có ý kiến. Tưởng bé thắc mắc gì, cô dừng lại thì nghe: "Cô ơi! Phi Nhung chưa chết!". Cả lớp nhốn nháo "Ai chưa chết? Ai bảo thế..."... phải cả lúc sau cô mới ổn định được trật tự.

Một đồng nghiệp kể rằng, có em nhắn tin: “Cô ơi! Em không nghe cô nói gì hết á nhưng bỗng nhiên cô lại nghe rất rõ tiếng một người vọng vào: sao cô mày giảng bài to vậy?

Rồi hàng chục lý do khác được đưa ra như, mạng yếu nên em không nghe câu hỏi của cô. Máy nhà em hết pin rồi, em nghỉ sớm nha cô. Cô ơi! Nhà hàng xóm hát karaoke nên cô đừng gọi em nha cô. Em gãi tai chớ không giơ tay cô ơi. Chữ nhỏ quá cô ơi! Sao chữ mờ vậy cô? Cô chiếu nhanh quá vậy cô … Các em khác thấy rõ không? - Dạ rõ cô ạ!

Những chuyện trăn trở

Có những gia đình nơi ngồi học của con cũng chính là phòng sinh hoạt chung của cả nhà nên nếu người lớn bất cẩn, nhiều hình ảnh tế nhị cứ lọt vào lớp học. Khi thì ba cởi trần mặc quần đùi, mẹ mặc áo 2 dây cứ vô tư lượn qua lại trước lớp.

Khi thì ba, mẹ nằm trên nệm nói chuyện khá lớn, có khi lại vọng vào cả tiếng gáy thật to. Học sinh nhao nhao “Cô ơi! Tiếng gì ồn quá!”, “Nhà bạn Hùng đó cô! Ô, ô, bố bạn Hùng đang ngủ”…kèm sau những câu nói ấy là tiếng cười vang vọng của cả lớp.

Lớp đang học, lại nghe tiếng hát karaoke, tiếng chúc tụng nhau trong tiệc nhậu“Dô! Dô! Trăm phần trăm nhé!”, rồi giọng một bé rụt rè: “Nhà con ồn lắm cô ạ”.

Phụ huynh can thiệp sâu vào quá trình học tập của con

Trẻ học trực tuyến không có phụ huynh bên cạnh cũng lo vì một số em tính tự giác học tập yếu nên dễ lơ là việc học mà lậm sâu vào các trò chơi trên mạng.

Tuy nhiên can thiệp quá sâu vào việc học của con cũng gây áp lực cho không ít giáo viên.

Một đứa trẻ ngồi học đôi khi có đến 2 tài khoản (nick name), hỏi ra mới biết mẹ con đi làm nhưng vẫn mở ra để theo dõi con học, hoặc trong một khung hình có tới vài người ngồi bên để hỗ trợ. Thầy cô đặt câu hỏi, trò chưa kịp trả lời đã nghe tiếng nhắc bài và tiếng chì chiết “Dốt thế? Có vậy mà cũng không trả lời được”.

Có em câu trả lời nào cũng đúng, cũng nhanh nhưng cô hỏi giải thích vì sao con chọn đáp án ấy, lại ú ớ và cho biết là mẹ con bày đó.

Suốt cả thời gian dài, trẻ không được đến trường, không được giao lưu với bạn bè mà suốt ngày phải ngồi học online đôi khi bên cái màn hình bé tý cũng vô cùng bức bối.

Về phía phụ huynh, nhiều gia đình phải bỏ công ăn việc làm để theo con từng buổi trong điều kiện kinh tế khó khăn. Bởi thế, đôi khi cũng khó tránh khỏi những uẩn ức, sự kìm nén mà trút giận lên các em.

Từ những thực trạng trên, cũng rất cần sự thấu hiểu, cảm thông của những người thầy để tha thứ, bao dung mà ít dần đi sự trách móc, có thế những buổi học online mới không trở thành cực hình đối với trẻ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.

Phan Tuyết