ĐB Lê Thanh Vân: Cần mạnh dạn thực hiện “khoán” biên chế theo công việc

03/07/2023 08:42
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế đã đạt được một số kết quả bước đầu, thời gian tới, cần quyết liệt triển khai hơn nữa.

Những con số tích cực trong sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế

Theo tài liệu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Nội vụ, việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp đã ghi nhận một số kết quả bước đầu.

Theo đó, về lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế, trong năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 08 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ (điển hình là các Bộ: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế).

Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện (các tỉnh có kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tốt nhất là: Ninh Thuận, Bình Phước, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Kiên Giang, Sơn La, Quảng Nam, Long An). Tính đến tháng 12/2022, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Thực hiện quy định của Chính phủ về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phê duyệt Đề án và tổ chức triển khai quyết liệt nhằm bảo đảm mục tiêu giảm ít nhất 10% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của mình tự chủ về tài chính. Trong đó, các Bộ tiêu biểu: Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; Nội vụ; Y tế; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư.

Tính đến tháng 12/2022, cả nước giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016.

Một số chuyển biến theo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nguồn dữ liệu: Bộ Nội vụ.

Một số chuyển biến theo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nguồn dữ liệu: Bộ Nội vụ.

Riêng năm 2022, các Bộ, ngành đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập. Điển hình trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập là các địa phương: Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu, Quảng Trị, Cao Bằng, Vĩnh Long, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thái Bình.

Các tổ chức bên trong của Bộ, ngành và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bước đầu cũng đã được sắp xếp thu gọn, góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ quản lý nhà nước. Theo đó, các Bộ, ngành có điều kiện tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đối với ngành.

Về tinh giản biên chế, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP) ở các Bộ, ngành, địa phương là 79.057 người (chiếm tỉ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021). Trong đó, các Bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người...

Mới đây, Bộ Nội vụ cũng vừa ban hành Báo cáo số 2976/BC-BNV về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, liên quan đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính, trong 6 tháng qua, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính được Bộ tổ chức thực hiện đạt được một số kết quả như sau: Đến nay, đã có 26 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành, cơ quan được ban hành.

Về sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, đến nay đã có 18/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Tiếp tục thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Bộ Nội vụ cho biết, đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục đẩy mạnh triển khai sắp xếp, tổ chức lại và thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập.

Về thực hiện chính sách tinh giản biên chế, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ tiếp tục kiểm tra kết quả thực hiện tinh giản biên chế. Tổng số đối tượng tinh giản biên chế từ năm 2015 đến ngày 21/4/2023 là 79.178 người, trong đó: ở Trung ương là 5.511 người, ở địa phương là 73.667 người...

Trong 6 tháng đầu năm, trên cơ sở Nghị định số 63/2022/NĐ-CP ngày 12/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, Bộ cũng đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ các cơ quan đơn vị thuộc trực thuộc Bộ, đến nay, 20/20 đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ đã có văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.

Kết quả về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đã giảm 03 đơn vị thuộc Bộ và tổ chức lại 02 cơ quan tương đương tổng cục thuộc Bộ; trong đó giảm 02 vụ thuộc Bộ (do sáp nhập tổ chức hành chính), giảm 01 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ (do sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập) và tổ chức lại 02 cơ quan tương đương tổng cục thành 02 cơ quan tương đương cục thuộc Bộ.

Bộ Nội vụ đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn các đơn vị thuộc 02 ban, tổ chức lại các vụ và tương đương thuộc ban thành các phòng và tương đương thuộc ban; đồng thời tiến hành sắp xếp, giảm số lượng đầu mối các đơn vị thuộc ban, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Bộ Nội vụ đã tích cực tham mưu cho Chính phủ

Trao đổi về vấn đề tinh giản biên chế, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá: “Bên cạnh việc nỗ lực tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy của Bộ, Bộ Nội vụ cũng đã tích cực tham mưu cho Chính phủ trong việc sắp xếp lại bộ máy của các Bộ, ngành khác cũng như bộ máy hành chính tại các địa phương... Tính đến nay, cũng đã có rất nhiều Bộ đã giảm được các tổng cục, cục, vụ/ban... đây cũng là một kết quả đáng mừng.

Ở giai đoạn trước, tinh giản biên chế cũng đạt mục tiêu về mặt số lượng nhưng về chất lượng vẫn chưa đạt được. Chính vì vậy, đặt ra vấn đề phải tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trong thời gian tới.

Về cách làm của tinh giản biên chế phải chú ý làm sao đảm bảo cả số lượng và chất lượng. Chú ý các đối tượng cần tinh giản, chẳng hạn dôi dư do không sắp xếp, hay do không đạt được trình độ của vị trí việc làm... chứ nếu chỉ tinh giản với đối tượng chuẩn bị nghỉ hưu, hay những người có nguyện vọng nghỉ... thì lại không đạt được mục tiêu”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng: “Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cũng đã tích cực trong việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế. Điều đó cho thấy, sự chuyển biến ban đầu rất quan trọng, tuy nhiên, kết quả hiện nay vẫn còn cần phải nỗ lực nhiều hơn. So với yêu cầu cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy và tinh gọn biên chế, còn cần phải cố gắng và quyết liệt hơn nữa”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. Ảnh: quochoi.vn.

Vị đại biểu cũng chỉ ra nguyên nhân khiến việc thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn chưa đạt mục tiêu: “Thứ nhất, do vai trò của cấp ủy, người đứng đầu của các cấp thực sự vẫn chưa phát huy hết vai trò tích cực, đôn đốc của mình... Thứ hai, sự trì trệ trong bộ máy vẫn còn, nhất là ở bộ phận giúp việc cho cấp ủy, người đứng đầu. Thứ ba, tâm lý vẫn còn “bám víu” chức vụ, giữ lấy các đầu mối để giữ chức vụ, tâm lý vào nhà nước để hưởng lương trọn đời...”.

“Về phương hướng, trước hết phải coi sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, người đứng đầu phải coi là một “thang điểm” khi đánh giá cán bộ.

Thứ hai, phải đẩy mạnh rà soát chức năng, nhiệm vụ, để phân loại, loại bỏ bớt những công việc chồng chéo, để phân công lại chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan nhà nước.

Thứ ba, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhiệm vụ, quyền hạn nào phù hợp với cấp dưới mà có thể phát huy được lợi thế thì cấp trên nên mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho cấp dưới, nhằm tăng cường năng lực cho mỗi chủ thể, phát huy được vai trò, trách nhiệm và lợi thế của mỗi cấp ngành, địa phương...

Thứ tư, phải xác định tinh giản biên chế là một công việc rất quan trọng, ảnh hưởng chất lượng hoạt động và sử dụng ngân sách nhà nước, nên cần mạnh dạn thực hiện “khoán” biên chế theo công việc, do người đứng đầu phân cấp. Từ đó, có thể thuê khoán và định lượng được số lượng nhân sự theo công việc, như vậy mới có thể tuyển chọn, thu hút được người tài vào bộ máy, và chỉ có người tài mới có thể làm thay đổi được chất lượng công việc, khiến số lượng biên chế giảm, có căn cứ để cải cách tiền lương” - Đại biểu Lê Thanh Vân phân tích.

Ngân Chi