Cần cơ chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đào tạo
Ngày 24/10, tham gia đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận tổ về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, nhu cầu thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo ở nước ta là rất lớn, nhằm mở rộng, bổ sung các cơ sở giáo dục có chuẩn chất lượng quốc tế của người Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam, nhất là ở những đô thị lớn; đồng thời, nhu cầu mở rộng việc thực hiện các chương trình liên kết ở các trường công lập để học sinh có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ giáo dục mới mà nhà nước chưa có điều kiện để đầu tư và cung cấp tốt bằng khối tư nhân, như là liên kết giảng dạy các môn học nghệ thuật, thể thao, ngoại ngữ…
Vừa qua, kết quả thực hiện chuyên đề giám sát về giáo dục phổ thông đã chỉ ra sự thiếu hụt rất lớn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học và nguồn kinh phí để có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục.
Về cơ sở vật chất, tổng số phòng học bộ môn còn thiếu của các cấp học là 63.920 phòng, trong đó thiếu 3.031 phòng học tin học và 5.517 phòng học ngoại ngữ; thiếu 2.086 thư viện. Tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn. |
Về kinh phí, mặc dù, được ưu tiên và xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục là có hạn, trong cả giai đoạn 2014-2022, tổng kinh phí bố trí thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông chỉ chiếm 1,46% tổng chi ngân sách nhà nước.
Hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cho giáo dục, nhất là những nơi chưa cân đối được ngân sách. Trong bối cảnh đó, nguồn kinh phí từ xã hội hoá giáo dục thu hút được là 6.420,22 tỷ đồng (chiếm 3% tổng kinh phí cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông); 09 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục phổ thông với tổng số vốn đăng ký là 33,71 triệu USD. Đây là nguồn lực hỗ trợ rất quan trọng để phát triển giáo dục và đào tạo.
Do đó, đòi hỏi cấp thiết nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, chính sách hiện hành về khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 2013, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và được cụ thể hóa trong các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, tập trung nhất là nghị định 69 và Nghị quyết 35.
Theo đó, các chính sách ưu đãi cụ thể bao gồm ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng; khuyến khích hoạt động đầu tư, hợp tác của khối tư nhân với các cơ sở giáo dục công lập thông qua các hình thức liên kết, hợp tác kinh doanh, đối tác công – tư; khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập hợp tác, liên doanh, liên kết với các cơ sở ngoài công lập; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập sang ngoài công lập ở những nơi có điều kiện phù hợp….
Tuy nhiên, qua giám sát thực tiễn, đại biểu cho rằng, thực trạng thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Các thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; điều kiện tiếp cận quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập; chính sách thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giáo dục; chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư… chưa bảo đảm dễ dàng thực hiện; việc triển khai thực hiện chủ trương chuyển một số trường công lập sang ngoài công lập ở những nơi có điều kiện chưa được triển khai có hiệu quả ở các địa phương; còn có quy định pháp luật chưa đồng bộ trong lĩnh vực này, ví dụ Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định đối tượng thụ hưởng chính sách về đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo không bao gồm lĩnh vực giáo dục đại học nên không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học, của Nghị quyết 35 về xã hội hoá giáo dục...
Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
5 giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục
Để tiếp tục thúc đẩy việc triển khai hiệu quả chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu đưa ra một số giải pháp, kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách xã hội hóa giáo dục trong các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương và các tầng lớp nhân dân, nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục. Thực hiện nghiêm túc quy định coi xã hội hóa giáo dục và đào tạo là một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để triển khai thực hiện và đánh giá hàng năm.
Tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội cụ thể, cơ quan quản lý giáo dục của địa phương tham mưu xác định các chỉ tiêu xã hội hóa cần đạt được cho địa phương mình, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Thứ hai, sớm tổng kết thực tiễn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; rà soát để kịp thời phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu, đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp; đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách để tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Trong giai đoạn 2014-2022, tổng kinh phí bố trí thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông chỉ chiếm 1,46% tổng chi ngân sách nhà nước. Ảnh minh họa: Mộc Trà. |
Trong đó, cần chú trọng quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bảo đảm công bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.
Thứ ba, cần thực hiện các hình thức khen thưởng, tôn vinh những tấm gương điển hình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục; đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các thủ tục thu hút và quản lý các nguồn lực huy động để phát triển giáo dục.
Khắc phục tình trạng lúng túng trong thực hiện công tác xã hội hóa, nên thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án trong lĩnh vực này chưa được tinh giản để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư ở nhiều địa phương và cơ sở giáo dục, dẫn đến việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục còn khó khăn.
Thứ tư, mở rộng thực hiện các dự án hợp tác công - tư, các chương trình liên kết trong giáo dục, đào tạo. Hiện nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đang quy định lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực cho phép hình thức đầu tư này, tuy vậy, một dự án đáp ứng được yêu cầu phải có tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng.
Tại Nghị quyết thí điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tổng mức đầu tư trên địa bàn thành phố.
Trong dự thảo Luật Thủ đô trình Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ cũng đề xuất quy định tương tự cho Hà Nội.
Đại biểu cho rằng, khi sửa Luật PPP, cần nghiên cứu để sửa quy định về tổng mức đầu tư dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục, phân cấp cho các địa phương quyết định để thực hiện thống nhất trong cả nước.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để thực hiện thí điểm mô hình liên kết đào tạo các môn học chuyên biệt (Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật), đây là những môn học được thiết kế trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng ở nhiều địa phương do thiếu giáo viên và cơ sở vật chất nhưng chưa thực hiện được hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các môn học Mỹ thuật, Âm nhạc ở cấp trung học phổ thông, cần thí điểm việc liên kết đào tạo trong chương trình chính khoá để bảo đảm học sinh được giáo dục, phát triển toàn diện.
Thứ năm, tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò chủ đạo của nhà nước trong việc phát triển giáo dục và điều hướng phát triển xã hội hoá giáo dục, quản lý chặt chẽ về chất lượng giáo dục và giá cả dịch vụ giáo dục được xã hội hoá.
Trên thực tế, tuy tỉ trọng đầu tư ở khu vực ngoài công lập ngày càng gia tăng nhưng vai trò của Nhà nước trong phát triển giáo dục được khẳng định ở mọi bậc học, cấp học, từ giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học.
Đối với giáo dục phổ thông, cần tiếp tục thể hiện rõ vai trò của nhà nước trong phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông; quản lý nội dung giáo dục phổ thông, được thể hiện qua nội dung, chất lượng sách giáo khoa; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa; việc biên soạn, cung cấp sách giáo khoa cho học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Có tình trạng thương mại hóa giáo dục
Tham gia thảo luận tại tổ 10, liên quan đến lĩnh vực giáo dục, Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn Ninh Thuận cho rằng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 còn nhiều bất cập, điều này đã được báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chỉ ra. Ngoài ra, có tình trạng thương mại hóa giáo dục, chưa có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất còn hạn chế. Nhấn mạnh đến chính sách giáo dục cần phải được nhà nước quan tâm, đại biểu đề nghị cần có giải pháp để khắc phục sớm những bất cập trong lĩnh vực giáo dục.
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng, cần chú trọng đầu tư phát triển văn hóa và đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, đồng thời, cần đặc biệt quan tâm đến việc ngăn chặn suy thoái về đạo đức lối sống, chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Cùng với đó, Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị tiếp tục hoàn thiện những cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn, theo đó, phải tính các cơ cấu vốn và đầu tư phù hợp cho các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, có ấn định đúng mức, thỏa đáng đối với những lĩnh vực này.