ĐBQH đề nghị cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm

23/11/2023 11:35
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-ĐBQH đề nghị đưa GV mầm non vào danh mục làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của Bộ LĐ-TB&XH.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng ngày 23/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn bày tỏ tán thành đối với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội. Luật Bảo hiểm xã hội lần này được sửa đổi cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết 28 Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn. Đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quan tâm tới độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Đại biểu Nguyễn Thị Huế cho biết, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến đề xuất bổ sung luật cho phép tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung của Luật Lao động. Tức nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi sẽ được nghỉ hưu, với điều kiện giáo viên mầm non có ít nhất 15 năm công tác và đóng bảo hiểm xã hội theo đúng vị trí việc làm.

Theo nữ đại biểu, cử tri đề nghị như vậy là do giáo viên mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ 3-6 tuổi. Chăm sóc trẻ ở độ tuổi này đòi hỏi giáo viên mầm non tập trung cao trong suốt thời gian làm việc để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: quochoi.vn.

Do vậy, trong quá trình làm việc, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, gây ức chế tâm lý ảnh hưởng đến sức khoẻ, thể chất và tinh thần.

Thực tế, do tính chất công việc, giáo viên mầm non thường phải có mặt từ trường vào sáng sớm để đón trẻ, kết thúc làm việc muộn khi trẻ được gia đình đón hết. Trong suốt thời gian buổi học, giáo viên mầm non phải tổ chức thực hiện các hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa, hát, chăm sóc trẻ hiếu động. Điều này giáo viên phải đòi hỏi có sức khoẻ tốt, phản xạ nhanh.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế chỉ ra: “Giáo viên mầm non nếu tuổi cao thì không còn sức sáng tạo, kém linh hoạt, sức khoẻ suy giảm, không còn nhanh nhẹn để đảm bảo công tác chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho trẻ.

Do đó, quy định độ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non cần thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định chung là phù hợp.

Đồng quan điểm đó, Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tại điểm b khoản 1 Điều 64, có quy định trường hợp người lao động được nghỉ hưu thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định.

Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng đối với trường hợp làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021”.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: quochoi.vn.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Hà, giáo viên mầm non không thuộc các trường hợp đã nêu tại điểm này. Do đó, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thực hiện theo quy định của dự thảo luật (tức nữ 60 tuổi mới được nghỉ hưu).

“Quy định này chưa phù hợp, vì đặc thù của giáo viên mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em từ 2 đến 6 tuổi, đây là lứa tuổi khá hiếu động.

Trong suốt quá trình làm việc, giáo viên mầm non phải tổ chức nhiều hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa hát, thể dục, chăm sóc trẻ, do đó, giáo viên mầm non phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để chăm sóc, dạy dỗ, đảm bảo an toàn cho trẻ” - nữ đại biểu phân tích.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho biết, dự thảo luật có quy định giao Chính phủ quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt.

Do đó, Đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng xác định giáo viên mầm non là trường hợp đặc biệt. Chính phủ quy định đối với đối tượng này cho phù hợp với đặc thù vị trí nghề nghiệp, hoặc bổ sung giáo viên mầm non thuộc nhóm lao động nặng nhọc, độc hại để có thể áp dụng quy định trường hợp người lao động được nghỉ hưu thấp hơn tối đa 5 tuổi quy định.

“Đây là mong mỏi và cũng là nguyện vọng thiết tha của những cử tri là giáo viên mầm non” - nữ đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Ninh chia sẻ thêm.

Huệ Phương