Thủ tướng: Tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm, đảm bảo nguồn chi lương cho NLĐ

08/11/2023 13:20
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thủ tướng cho biết, sắp tới, Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho NLĐ.

Sáng ngày 08/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri quan tâm và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, qua báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, thảo luận tại tổ, tại Hội trường và các phiên chất vấn của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, với kinh nghiệm của mình, đã có nhiều ý kiến đánh giá, phân tích, chia sẻ, đóng góp sâu sắc trí tuệ, tâm huyết, thực tiễn với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao về tình hình kinh tế xã hội của nước ta và việc thực hiện các Nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri quan tâm và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri quan tâm và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, hầu hết các ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và các kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, bối cảnh tình hình thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, góp phần củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với việc khẳng định kết quả đạt được là cơ bản, nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng hành với Chính phủ, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đóng góp gợi mở cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những định hướng, giải pháp quan trọng, khả thi, sát thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực.

Về đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp

Đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến phát triển nhanh và bền vững, được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu và đã đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, bất cập, như các vị đại biểu Quốc hội băn khoăn, trăn trở; trong đó cơ cấu, trình độ nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mới; thị trường khoa học công nghệ còn bất cập; chưa có nhiều sản phẩm thành công; các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp chưa nhiều…

Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan có nội dung còn chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp cho đào tạo nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ còn dàn trải, kém hiệu quả; chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhất là về thuế, tín dụng, nhân lực, hạ tầng; công tác quản lý nhà nước còn bất cập…

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp:

(1) Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, lao động trình độ cao cả trong và ngoài nước;

(2) Ưu tiên bố trí nguồn lực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi (như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng sạch, hydrogen...);

(3) Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và khoa học công nghệ;

(4) Xây dựng cơ chế đặc thù chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ phát triển khoa học công nghệ;

(5) Phát triển mạnh thị trường khoa học công nghệ hiệu quả, hội nhập và bền vững; khẩn trương hình thành các sàn giao dịch công nghệ; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ;

(6) Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát huy hiệu quả Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)…

Các chỉ tiêu dự kiến khó đạt kế hoạch

Trong báo cáo, Thủ tướng cho biết, như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, dự kiến có 5 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); GDP bình quân đầu người; Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội .

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tốc độ tăng GDP dự kiến không đạt kế hoạch đề ra là do tác động, ảnh hưởng nặng nề từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ bên trong, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu là một yếu tố quan trọng dẫn đến các chỉ tiêu khác như GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cũng không đạt được mục tiêu đề ra. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường quốc tế , tính chung 10 tháng chỉ đạt 0,5%, dẫn đến chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP thấp hơn mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, áp lực cắt giảm việc làm do sản xuất kinh doanh khó khăn tạo ra sự chuyển dịch lao động sang khu vực nông nghiệp, dẫn đến tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động có việc làm khoảng 26,9%, khó đạt mục tiêu đặt ra (26,2%).

"Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng xuất khẩu; Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là mở rộng thị trường, kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành, lĩnh vực mới nổi và công nghiệp hỗ trợ; Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp; Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò của 6 vùng kinh tế - xã hội, tạo các động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Giải pháp đột phá để đưa Việt Nam phát triển trong bối cảnh kỷ nguyên số

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh có 02 câu hỏi gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính. Câu thứ nhất, phát triển kinh tế số và xã hội số là xu hướng mà thế giới và Việt Nam cần có giải pháp dài hạn, đột phá, đi tắt đón đầu, sáng tạo để cạnh tranh và phát triển. Thủ tướng có những giải pháp mang tính đột phá nào để đưa Việt Nam phát triển trong bối cảnh kỷ nguyên số và cơ hội, lợi thế thách thức đan xen như hiện nay?

Câu thứ hai, Chính phủ đã trình Quốc hội về việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết việc bố trí ngân sách và xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan sẽ được Chính phủ triển khai như thế nào?

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: quochoi.vn.

Với câu hỏi trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tiền lương là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, vừa là công cụ tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Vừa qua, do đại dịch Covid-19, nguồn lực có hạn, dẫn đến việc thực hiện cải cách tiền lương còn khó khăn. Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560 ngàn tỷ chi cho cải cách tiền lương.

"Đồng thời, song song với cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp. Sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động" - Thủ tướng thông tin thêm.

Giải pháp để đưa lực lượng lao động có việc làm phi chính thức vào phát triển kinh tế xã hội

Đặt câu hỏi tới Thủ tướng Chính phủ, Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề cập, theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và số liệu thống kê hiện nay, tỉ lệ lực lượng lao động có việc làm phi chính thức của cả nước chiếm trên 65% và lên đến trên 30 triệu lao động. Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phải có giải pháp cho thực trạng này.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ đã có giải pháp hiệu quả nào để đưa nguồn lực này vào phát triển và phục hồi kinh tế xã hội cũng như giúp cho người lao động tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội của đất nước?

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cũng đặt vấn đề: "Nghị quyết 27 của Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có giao Chính phủ chỉ đạo kịp thời để thể chế hóa và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, sau gần 15 năm, đến nay vẫn chưa thể chế hóa cái nội dung này. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết đến khi nào sẽ thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết giao?

Bên cạnh đó, Nghị định 42 năm 2017 quy định cho phép uỷ quyền cho địa phương để thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng đối với một số dự án nhóm A. Tuy nhiên, Nghị quyết 15 năm 2021 không còn uỷ quyền nữa. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết việc uỷ quyền một số dự án như trên có phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hay không? Đồng thời đề nghị rà soát các trường hợp tương tự để phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa?".

Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Ảnh: quochoi.vn.

Đối với nội dung chất vấn liên quan đến Nghị quyết 57, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thừa nhận trách nhiệm sau gần 5 năm được giao nhiệm vụ nhưng chưa hoàn thành. Trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các Bộ, các ngành, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách vào cuộc để phân cấp, phân quyền, nâng cao khả năng thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ khi gặp khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, đại dịch Covid-19 vừa rồi đã gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng công nghiệp. Chúng ta mất đơn hàng, doanh nghiệp rơi vào khó khăn…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn sáng ngày 08/11. Ảnh: quochoi.vn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn sáng ngày 08/11. Ảnh: quochoi.vn.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cần phải tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân trên cơ sở thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu ngành công nghiệp, góp phần nâng cao cái năng suất lao động. Bên cạnh đó, làm tốt công tác an sinh xã hội…

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các đột phá chiến lược, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong 3 đột phá là thể chế, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng, không chọn ưu tiên nào trong 3 đột phá này mà cần đảm bảo hài hòa, hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn.

Về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định có tình trạng thủ tục hành chính còn rườm rà, cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm, vì vậy giải pháp trong thời gian tới là đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức và tăng cường giáo dục, truyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính.

Các Bộ, ngành tiếp tục rà soát cắt giảm thủ tục còn rườm rà, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vừa thúc đẩy, vừa giám sát, vừa động viên. Trong đó, giải pháp căn cơ vẫn là tinh thần trách nhiệm, năng lực của cán bộ, tăng chế tài xử lý; đồng thời, cần cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Huệ Phương