Tính bình quân lương giáo viên mầm non được khoảng từ 5-6 triệu đồng/tháng

07/11/2023 15:56
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp khi xây dựng bảng lương mới cho nhà giáo nói chung, GVMN nói riêng, căn cứ trên nguyên tắc Nghị quyết 27.

Chiều ngày 07/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn lĩnh vực nội chính và tư pháp. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời các chất vấn từ phiên họp buổi sáng.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp khi xây dựng bảng lương mới cho giáo viên

Phát biểu tại phiên chất vấn sáng ngày 07/11, Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề cập đến trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về chính sách tiền lương đối với nhà giáo ở mức cao nhất, tương đương trong thang bảng lương hành chính.

“Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri về tiền lương, thu nhập và giờ làm việc của giáo viên; đối với giáo viên bậc trung học có cơ cấu theo tiết, theo giờ, còn đối với giáo viên mầm non và giáo viên bậc tiểu học thì xuyên suốt.

Đặc biệt là với giáo viên mầm non phải làm việc xuyên suốt từ sáng cho đến tối muộn, cường độ làm việc không phải theo cơ chế nặng nhọc nhưng rất vất vả đối với giáo viên mầm non, tiền lương và thu nhập chưa tương xứng với công sức, thời gian làm việc của giáo viên mầm non trong sự nghiệp nuôi dạy trẻ” - Đại biểu Huỳnh Thị Phúc bày tỏ.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời nội dung này, chiều ngày 07/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: “Việc xếp lương của giáo viên mầm non được thực hiện theo Nghị định 204, và phụ cấp ưu đãi nghề theo Quyết định 244/2005. Trong quá trình thực hiện phụ cấp ưu đãi nghề, cũng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chính vì vậy, có thể nói là, lương của giáo viên nói chung và lương của giáo viên mầm non cũng được quan tâm hơn so với các đối tượng viên chức khác. Nhưng nhìn tổng thể, phải nói là lương giáo viên mầm non còn rất thấp mà lại có tính chất nghề nghiệp rất đặc thù. Chúng tôi tính bình quân lương giáo viên mầm non được khoảng từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn chiều ngày 07/11. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn chiều ngày 07/11. Ảnh: quochoi.vn.

Vậy, để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ xin báo cáo mấy nội dung như sau: Chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ khi xây dựng bảng lương mới cho nhà giáo nói chung, cũng như cho giáo viên mầm non nói riêng, chúng ta căn cứ trên cơ sở vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức trên nguyên tắc Nghị quyết 27, cùng mức độ phức tạp của công việc, mức lương cơ bản trong bảng lương là như nhau, trong điều kiện lao động cao hơn bình thường, nặng nhọc, độc hại hoặc khó khăn, hoặc chúng ta sẽ thực hiện ưu đãi nghề.

Ví dụ, như đối với giáo dục và y tế, chúng ta sẽ có thêm ưu đãi nghề. Thực hiện theo chế độ phụ cấp nghề. Nhưng quan trọng đối với giáo viên mầm non nói riêng, cũng như với viên chức giáo dục nói chung, là trên cơ sở tinh thần Nghị quyết 29, cũng sẽ đảm bảo tiền lương cơ bản cộng với phụ cấp, sẽ cao hơn trong hệ thống bảng lương hành chính sự nghiệp.

Với sự phối hợp chặt chẽ của hai Bộ, Bộ Nội vụ cũng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền khi xây dựng bảng lương của giáo viên nói chung cũng như bảng lương giáo viên mầm non, xin ý kiến khi chúng ta tổ chức thực hiện”.

Tự chủ có làm khó cho người học và phụ huynh?

Phát biểu tranh luận, Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Một trong những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ đặt ra đó là sớm điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thực tiễn. Một ý Bộ trưởng có trả lời đó là chúng ta giảm biên chế, tức là giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để chuyển sang hưởng lương từ tự chủ. Tôi hiểu ý này tức là nguồn để trả lương cho giáo viên chính là thu từ người học.

Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: quochoi.vn.

Như vậy, chúng ta đang đẩy cái khó cho người học, cho phụ huynh và cho gia đình. Trong khi đó thu nhập của số đông người dân và đặc biệt là thu nhập của công nhân, người lao động không tăng, thậm chí là sụt giảm. Tôi đặt ra những vấn đề như thế này rất mong Bộ trưởng có giải pháp để đảm bảo được số lượng con em chúng ta đến trường học và giảm áp lực cho nhà trường cũng như cho giáo viên”.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Thứ nhất, tự chủ là một xu thế chung, là yêu cầu khách quan của xã hội và hội nhập quốc tế. Là một chủ trương lớn đã được thể hiện rất rõ từ nghị quyết Đại hội X đến nay, nhất là Nghị quyết 19 Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới chất lượng hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập. Và kết luận mới đây nhất là Kết luận 62 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19, thời gian qua, chúng ta thực hiện tự chủ cũng đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn, dù mục tiêu đặt ra là đến năm 2021, cả nước phấn đấu có khoảng 10% đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước phấn đấu đến năm 2025 chúng ta sẽ có 20% đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về tài chính và tiếp tục có giảm 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Từ một chủ trương lớn của Đảng, chúng ta cũng cần cố gắng tập trung để thực hiện.

Tuy nhiên, phía trước cũng còn rất nhiều khó khăn và vướng mắc, về thể chế, cũng còn đang phải tiếp tục hoàn thiện, về nhận thức và tư duy về tự chủ còn những mặt hạn chế, về phương thức tổ chức đối với đơn vị sự nghiệp tự chủ cũng còn vướng mắc, về điều kiện về đời sống của người dân để cùng chung tay trong vấn đề xã hội hóa cũng như tự chủ sự nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công nói chung cũng như sự nghiệp giáo dục nói riêng còn khó khăn.

Từ đó, vấn đề đặt ra, thực hiện tự chủ phải gắn chặt chẽ với chính sách xã hội, với an sinh xã hội với phúc lợi xã hội. Đây là một quan điểm rất rõ của Đảng. Chúng ta giải quyết tốt các mối quan hệ lớn giữa đổi mới, ổn định, phát triển, giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt, trên cơ sở xác định, các dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và điều kiện, khả năng, mức độ tự chủ của từng đơn vị để chúng ta xây dựng một lộ trình đẩy mạnh tự chủ, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, từng địa bàn, từng lĩnh vực ngành.

Đặc biệt, đối với dịch vụ công cơ bản và thiết yếu, thực hiện tự chủ phải đảm bảo theo lộ trình, gắn rất chặt chẽ với tiến bộ và công bằng xã hội, gắn rất chặt chẽ với việc vừa đảm bảo cho xã hội cùng chăm lo cho phát triển về nhân tố con người, vừa đảm bảo Nhà nước chăm lo và hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, đối tượng chính sách, vừa hướng tới một mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Huệ Phương