Đề án tuyển sinh 2024 nhưng ĐH Hạ Long không công bố học phí năm học 2024-2025?

18/07/2024 09:16
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh) có một số lĩnh vực tuyển sinh vượt chỉ tiêu 2 năm liên tiếp như: Kinh doanh và quản lý; Máy tính và công nghệ thông tin…

Trường Đại học Hạ Long (Ha Long University) là trường công lập, trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Trường được thành lập theo Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Hạ Long trên cơ sở sáp nhập 2 trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long.

Theo thông tin đăng tải trên website, sứ mạng của trường là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Tầm nhìn đến năm 2030, Trường Đại học Hạ Long trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng có uy tín, thương hiệu quốc tế, có vị thế hàng đầu trong nước về đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực du lịch, nghệ thuật và ngôn ngữ.

Hiện, Tiến sĩ Đặng Hoàng Thông là Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Hạ Long; Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp là Hiệu trưởng nhà trường.

Trường Đại học Hạ Long đã công bố đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 (ban hành theo Quyết định số 595/QĐ-ĐHHL ngày 20/5/2024) trên trang thông tin điện tử của trường.

Ảnh 1.jpg
Trường Đại học Hạ Long có trụ sở chính ở số 258, Đường Bạch Đằng, phường Nam Khê, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: website nhà trường)

Nhiều lĩnh vực tuyển sinh vượt chỉ tiêu 2 năm liên tiếp

Căn cứ vào bảng thống kê điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất (2022 và 2023) trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Hạ Long có thể thấy, một số lĩnh vực nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 2 năm liền.

Cụ thể, lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên năm 2023 chỉ tiêu của trường là 230 nhưng có tới 267 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 37 chỉ tiêu, tương đương 16,1%).

Lĩnh vực kinh doanh và quản lý, năm 2022 chỉ tiêu của trường là 75 nhưng có tới 92 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 17 chỉ tiêu, tương đương 22,7%). Năm 2023, nhà trường tiếp tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở lĩnh vực này. Trong khi chỉ tiêu của trường là 125 nhưng có tới 163 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 38 chỉ tiêu, tương đương 30,4%).

Lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, năm 2022 chỉ tiêu của trường là 100 nhưng có tới 118 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 18 chỉ tiêu, tương đương 18%). Năm 2023, nhà trường tiếp tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở lĩnh vực này. Trong khi chỉ tiêu của trường là 190 nhưng có tới 216 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 26 chỉ tiêu, tương đương 13,7%).

Lĩnh vực Môi trường và bảo vệ môi trường cả năm 2022 và 2023 chỉ tiêu của trường đều là 30 nhưng nhà trường có 31 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 3,3% chỉ tiêu).

Ảnh 2.jpg
Một số lĩnh vực Trường Đại học Hạ Long tuyển sinh vượt chỉ tiêu 2 năm liên tiếp. (Ảnh chụp màn hình)

Một số lĩnh vực khác nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở năm 2022 như:

Lĩnh vực Nghệ thuật, năm 2022 chỉ tiêu của trường là 75 nhưng có tới 95 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 20 chỉ tiêu, tương đương vượt 26,7%).

Lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân, năm 2022 chỉ tiêu của trường là 490 nhưng có tới 567 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 77 chỉ tiêu, tương đương vượt 15,7%).

Lĩnh vực Nhân văn, năm 2022 chỉ tiêu của trường là 600 nhưng có tới 631 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 31 chỉ tiêu, tương đương 5,2%).

Bên cạnh các lĩnh vực tuyển sinh vượt chỉ tiêu, lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản (ngành Nuôi trồng thủy sản), Trường Đại học Hạ Long tuyển được rất ít sinh viên. Theo đó, năm 2022 chỉ tiêu lĩnh vực này là 30 nhưng chỉ có 7 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 23,3%). Năm 2023, tình hình tuyển sinh lĩnh vực này khả quan hơn. Nhà trường tuyển được 27 sinh viên/30 chỉ tiêu (đạt 90% chỉ tiêu).

Một số nội dung không kê khai đầy đủ theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT

Căn cứ Điều 11, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/7/2022), Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cơ sở đào tạo xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh để thực hiện trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội.

Đối chiếu với mẫu kê khai Đề án tuyển sinh tại Phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non cho thấy, đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Hạ Long có một số mục kê khai không đầy đủ theo quy định.

Cụ thể, tại phần II về Tuyển sinh đại học chính quy, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu kê khai mục 1.10. Học phí dự kiến với sinh viên chính quy; lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm (nếu có).

Đối chiếu với Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Hạ Long, mục 1.10 nhà trường chỉ kê khai học phí của năm học 2023-2024. Theo đó, mức thu học phí năm học 2023-2024 của Trường Đại học Hạ Long dao động từ 780.000 - 1.155.000 đồng/tháng tùy từng ngành đào tạo.

Tuy nhiên, năm học tuyển sinh sắp tới là năm học 2024-2025, nhà trường lại không công bố mức học phí dự kiến của năm học này. Ngoài ra, lộ trình tăng học phí của từng năm như thế nào cũng không được Trường Đại học Hạ Long công bố.

Bên cạnh đó, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu kê khai mục 1.12. Việc cơ sở đào tạo thực hiện các cam kết đối với thí sinh giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro. Tuy nhiên nhà trường không kê khai mục này.

Ảnh 3.jpg
Mẫu kê khai của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. (Ảnh chụp màn hình)
Ảnh 4.jpg
Trường Đại học Hạ Long chỉ kê khai học phí của năm học 2023-2024. (Ảnh chụp màn hình)
Ảnh 5.jpg
Mục 1.12 của Trường Đại học Hạ Long kê khai không giống với yêu cầu của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. (Ảnh chụp màn hình)

Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024, năm nay Trường Đại học Hạ Long dự kiến tuyển 2.540 chỉ tiêu hệ đại học chính quy với 22 ngành đào tạo và 20 chỉ tiêu cao đẳng giáo dục mầm non.

Nhà trường xét tuyển theo 6 phương thức bao gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Xét kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ); Tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Hạ Long; Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển kết hợp kết quả học tập trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế; Phương thức khác (kết hợp kết quả học tập cấp trung học phổ thông với kết quả học sinh giỏi cấp tỉnh/ học sinh giỏi 3 năm liền ở bậc trung học phổ thông).

Theo mẫu kê khai các điều kiện đảm bảo chất lượng trong Đề án tuyển sinh năm 2024, quy mô đào tạo hiện tại của trường là 42 thạc sĩ; 5614 sinh viên hệ đại học chính quy; 314 sinh viên đại học hệ vừa làm vừa học; 109 sinh viên cao đẳng chính quy; 76 sinh viên cao đẳng vừa làm vừa học.

Nhà trường hiện có 271 giảng viên toàn thời gian, 69 giảng viên thỉnh giảng.

Tổng nguồn thu năm 2023 của trường là: 168.531.745.161 đồng. Chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên năm 2023 là 29.360.931 đồng.

Sau khi bài viết được đăng tải, Trường Đại học Hạ Long đã có thông tin phản hồi đến Tạp chí cho biết, nhà trường đã kiểm tra lại đề án và phát hiện trong đề án tuyển sinh của Nhà trường có sai sót về chính tả khi trình bày nhầm năm học 2024-2025 thành năm 2023-2024 trong tiêu đề bảng mức học phí.

Như vậy, mức học phí đã công bố trong đề án là áp dụng cho năm học 2024-2025 chứ không phải của năm học 2023-2024.

LÃ TIẾN