ĐH Kinh tế (Huế): Đề án tuyển sinh không kê chỉ tiêu, số nhập học 2 năm gần nhất

01/07/2024 06:24
Trâm Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hạng mục 1.12 Thông tin cơ sở đào tạo thực hiện các cam kết đối với thí sinh không có trong Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế.

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế là trường đại học đào tạo khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh tại miền Trung Việt Nam, trực thuộc Đại học Huế, được xếp vào nhóm đại học trọng điểm của quốc gia Việt Nam.

Theo thông tin đăng tải trên website, sứ mệnh của trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao; thực hiện nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung ứng dịch vụ về lĩnh vực kinh tế và quản lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2045, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế sẽ là cơ sở giáo dục định hướng ứng dụng, hướng đến đại học đổi mới sáng tạo hàng đầu Việt Nam trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung ứng dịch vụ về lĩnh vực kinh tế và quản lý.

Hiện nay, Tiến sĩ Phan Khoa Cương là Chủ tịch Hội đồng trường; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Tấn Quân giữ chức Hiệu trưởng.

768x512_hoc-phi-dai-hoc-kinh-te-dai-hoc-hue-11.jpg
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế có địa chỉ tại số 99 Hồ Đắc Di, phường An Cựu, thành phố Huế. Ảnh: website trường

Hiện Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế đã công bố Đề án tuyển sinh năm 2024 (ký ngày 29/1/2024) trên trang thông tin điện tử của trường. Theo đó, nhà trường dự kiến tuyển sinh 2480 chỉ tiêu cho 21 ngành cùng 4 chương trình đào tạo bao gồm Chương trình đào tạo chuẩn; Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh (cử nhân tài năng); Chương trình tiên tiến; Chương trình liên kết.

Năm nay, trường áp dụng 4 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông; Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét kết quả thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Xét tuyển thẳng theo quy định của trường.

Thông tin công khai về điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất không được thống kê chi tiết

Qua tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các nội dung công khai tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế nhìn chung đã thực hiện theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, trong đề án vẫn còn một số thông tin chưa được công khai theo quy định của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Cụ thể, tại mục 8.2 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có quy định mẫu về bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất. Trong đó có các đầu mục như Lĩnh vực/Ngành/Nhóm ngành/tổ hợp xét tuyển; Phương thức xét tuyển; thống kê về chỉ tiêu, số nhập học, điểm trúng tuyển trong 2 năm gần nhất.

Tuy nhiên, tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế, nhà trường không thể hiện nội dung này như quy định mà thay vào đó chỉ trích dẫn 02 đường link có nội dung là Điểm trúng tuyển năm 2023 và Điểm trúng tuyển năm 2022.

điểm trúng tuyển.png
Mục 8.2 trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế. Ảnh chụp màn hình

Về quy mô đào tạo hình thức chính quy, hiện nay, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế có 8836 người học ở trình độ đại học. Trong đó, 8634 người học hệ đại học chính quy và 89 người theo hệ đào tạo đại học vừa học vừa làm.

Ở trình độ tiến sĩ, hiện trường đang đào tạo 07 nghiên cứu sinh, tương ứng ngành Quản trị kinh doanh (6 người học) và Kinh tế nông nghiệp (1 người học). Trình độ thạc sĩ có quy mô lớn hơn là 294, bao gồm các ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ tài chính, Kinh tế chính trị, Quản lý kinh tế.

Tại mục 10.2 về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, trường thống kê tổng diện tích đất hiện nay của trường là 70.200m2; số chỗ ở ký túc xá sinh viên được sử dụng chung với ký túc xá của Đại học Huế. Tuy nhiên, số liệu ở phần diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy thì trường lại bỏ trống.

diện tích.png
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế chưa cập nhật số liệu Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo tính trên một sinh viên chính quy. Ảnh chụp màn hình

Tương tự trong phần công khai điều kiện đội ngũ giảng viên, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế đã công khai danh sách giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng. Theo đó, hầu hết các thông tin về họ và tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, chuyên môn được đào tạo, ngành tham gia giảng dạy ở phần danh sách giảng viên toàn thời gian, giảng viên thỉnh giảng đều được kê khai đầy đủ theo Thông tư 08.

Theo thống kê cho thấy, trường hiện có 182 giảng viên toàn thời gian, trong đó có 16 giảng viên có chức danh phó giáo sư, còn lại là giảng viên trình độ tiến sĩ và thạc sĩ. Bên cạnh đó, còn có 44 giảng viên của Đại học Huế và 25 giảng viên thỉnh giảng tham gia công tác giảng dạy của trường.

Tuy nhiên, nội dung kê khai về giảng viên vẫn còn một số điểm chưa đúng theo quy định. Cụ thể, tại phần kê khai danh sách giảng viên thỉnh giảng, nhà trường không đề cập đến cơ quan công tác như mẫu tại Thông tư 08.

giảng viên.png
Mẫu yêu cầu kê khai thông tin giảng viên thỉnh giảng tại Thông tư 08
đề án giảng viên.png
Danh sách giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế chưa có thông tin về cơ quan công tác của giảng viên thỉnh giảng. Ảnh chụp màn hình

Thông tin cơ sở đào tạo thực hiện các cam kết đối với thí sinh không có trong đề án

Tại mục 1.12 việc cơ sở đào tạo thực hiện các cam kết đối với thí sinh giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro, trường không cập nhật nội dung cam kết cụ thể nào, thay vào đó là mục "Các nội dung khác" (trong Thông tư 08 nội dung này ở mục 1.15)

unnamed (1).png
Mục 1.12 trong Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế không đúng quy định tại Thông tư 08. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, mục 1.13. Thông tin tuyển sinh các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng được nhà trường liệt kê đầu mục nhưng không có nội dung cụ thể như thế nào.

unnamed (2).png
Trường chỉ kê khai đầu mục mà không có nội dung chi tiết. Ảnh chụp màn hình

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ:

"Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;...

Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường là 135.000.000.000 đồng (Một trăm ba mươi lăm tỷ đồng) bao gồm ngân sách cấp và nguồn thu học phí, lệ phí.

Theo đó, tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm liền trước năm tuyển sinh là 22.000.000 đồng/năm.

Học phí dự kiến năm học 2024 - 2025 của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế cũng có sự khác biệt ở mỗi ngành/chương trình đào tạo.

Với các ngành như Kinh tế; Kinh tế nông nghiệp; Kiểm toán; Hệ thống thông tin quản lý; Thống kê kinh tế, học phí tính theo tín chỉ là 535.000 đồng/tín, tương đương 16.600.000 đồng/năm.

Các ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Kinh tế quốc tế; Kinh doanh thương mại; Thương mại điện tử; Quản trị nhân lực; Tài chính - Ngân hàng; Kinh tế số có học phí dự kiến là 620.000 đồng/tín chỉ, tương đương 19.100.000 đồng/năm.

Các ngành học còn lại bao gồm ngành Kế toán; Quản trị kinh doanh; Marketing, mức học phí thu theo tín chỉ là 705.000 đồng/tín chỉ, học phí dự kiến cả năm là 21.700.000 đồng/năm.

Đối với các ngành học theo Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh (Cử nhân tài năng) có học phí dự kiến là 30.000.000 triệu đồng/năm (965.000 đồng/tín chỉ)

Chương trình tiên tiến (song ngành Kinh tế - Tài chính) học phí dự kiến là 25.500.000 đồng/năm, tương ứng 680.000 đồng/tín chỉ.

Cuối cùng là Chương trình có yếu tố nước ngoài, học phí dự kiến là 30.000.000 đồng/năm học (920.000 đồng/tín chỉ).

Ngoài ra, đối với ngành Kinh tế chính trị, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế không áp dụng thu học phí.

Theo đó, lộ trình tăng học phí không quá 15% hàng năm và không quá trần theo Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.

Trâm Anh