Tại kỳ họp thứ X, nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng diễn ra ngày 13/12/2022, ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội (Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng) đã nêu lên một thực trạng đáng báo động của ngành giáo dục thành phố là thời gian qua có một số lượng lớn giáo viên xin nghỉ việc.
Công việc áp lực cùng mức lương thấp khiến nhiều giáo viên ở Đà Nẵng xin nghỉ việc. (Trong ảnh: các giáo viên Trường mầm non Tuổi Hoa, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng di chuyển đồ dùng học tập để tránh bão Noru). |
“Trong khi công tác tuyển dụng giáo viên không đủ số lượng theo yêu cầu đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Bên cạnh đó, một tình trạng đáng báo động xuất hiện là các cán bộ, giáo viên nghỉ việc, thôi việc gây khó khăn cho hoạt động dạy và học”.
Để dẫn chứng cho điều này, ông Vân dẫn báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho thấy, từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2022, Đà Nẵng có đến 232 cán bộ, giáo viên nghỉ việc, thôi việc. Con số này còn nhiều hơn cả số lượng y, bác sĩ ở thành phố xin nghỉ việc trong thời gian qua.
Sau khi con số hơn 232 giáo viên ở Đà Nẵng xin nghỉ việc trong ba năm qua được công bố đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Bởi Đà Nẵng là thành phố phát triển năng động của miền Trung, chế độ đãi ngộ cũng như các chính sách về tiền lương, sinh hoạt dành cho giáo viên khá tốt.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/1, về vấn đề này, ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, thực ra tình trạng giáo viên nghỉ việc ở Đà Nẵng cũng không có gì nghiêm trọng.
Bởi sau đợt dịch Covid-19 thì có nhiều trường mầm non tư thục, nhóm trẻ ở địa phương này… phải tạm dừng hoạt động hoặc điều chỉnh mức lương khiến cho nhiều giáo viên đang công tác tại những cơ sở này nghỉ việc.
“Nếu tính ra thì tỷ lệ giáo viên nghỉ việc ở Đà Nẵng cũng khá thấp. Trong đó chủ yếu là những giáo viên đã có tuổi thì xin nghỉ vì lý do sức khỏe yếu.
Hoặc có trường hợp xin nghỉ để về quê đoàn tụ gia đình… Hầu hết số giáo viên xin nghỉ đều vì lý do cá nhân chứ không phải vì chuyện bất cập chính sách hay là gì cả”, ông Linh nói.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, khác với những tỉnh, thành khác trong vùng như: Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Kon Tum, Gia Lai… việc tuyển dụng giáo viên những năm qua trên địa bàn thành phố có nhiều thuận lợi hơn. Bởi đây là khu vực trung tâm, nguồn nhân lực khá dồi dào.
“Thành phố còn là nơi đóng chân của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cái nôi đào tạo giáo viên của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Do đó, chúng tôi rất dồi dào nguồn tuyển còn việc thiếu giáo viên chỉ xảy ra cục bộ ở một số thời điểm và một số bộ môn.
Cụ thể như bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật của bậc phổ thông. Vấn đề này thì cả nước thiếu chứ không riêng gì Đà Nẵng. Sở sẽ tiến hành bồi dưỡng, tuyển dụng kịp thời”, ông Linh nói.
Lý giải về việc thiếu giáo viên ở một số thời điểm trong năm học, ông Linh cho rằng, vào các kỳ thi tuyển thì có nhiều người chọn thi ở 2-3 quận/huyện khác nhau. Họ có thể đỗ 2-3 nơi nhưng chỉ chọn một trường trung tâm để công tác cho thuận lợi.
Như vậy, ở những nơi khác họ sẽ không thể đến nhận công tác. Trong khi để tổ chức một kỳ thi tuyển dụng giáo viên thì có rất nhiều thủ tục liên quan, dẫn đến thiếu giáo viên cục bộ (dù đã thi tuyển).
Nói về những giải pháp nào để ngăn chặn làn sóng nghỉ việc của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thời gian qua ở các địa phương cũng như Đà Nẵng, ông Linh nói:
“Để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến cho ngành giáo dục thì trước hết phải đảm bảo chất lượng cuộc sống cho họ. Do đó, nhà nước cần có những điều chỉnh hợp lý về các chính sách về tiền lương, trợ cấp cho giáo viên.
Đó là mong mỏi của đội ngũ giáo viên, những cán bộ quản lý giáo dục là như vậy. Còn được giải quyết hay không còn tùy thuộc vào Quốc hội, Chính phủ, về nguồn ngân sách… Bởi còn có nhiều đối tượng cũng cần ưu tiên, giải quyết nữa”, ông Linh cho hay.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ,cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do Covid-19.
Sự hỗ trợ này đã phần nào giúp đỡ các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Trước đó, ngày 8/11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 5886/BGDĐT-NGCBQLGD gửi các tỉnh thành về báo cáo thực trạng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghỉ việc. Trong đó yêu cầu các địa phương thống kê đầy đủ về thực trạng này nhằm đề xuất những giải pháp hạn chế tình trạng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nghỉ việc.