Vừa qua, học sinh khối 12 ở Thành phố Đà Nẵng kiểm tra học kì môn Ngữ văn theo đề chung của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, đề kiểm tra có nội dung như sau:
“I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Tôi được gia đình và trường học gieo vào đầu mình ý niệm về sự cố gắng theo đuổi, chinh phục, nhiều đến mức tôi tin rằng từ bỏ, hoặc dừng lại, là một điều gì đó rất tệ. Tôi nghĩ mình PHẢI luôn cố gắng, PHẢI luôn nỗ lực; PHẢI luôn gồng mình và nếu tôi không đạt được một điều gì đó thì hẳn là tại tôi. Do tôi đã chưa cố gắng đủ nhiều. Với niềm tin đó, tôi đã cố gắng hết sức mình để giành lấy vị trí cao nhất trong trường học, trong những cuộc thi thố gần xa. Những năm tháng xuôi chèo mát mái trên ghế nhà trường càng khiến tôi ngày càng tin rằng, chỉ cần bạn có một kế hoạch, chỉ cần bạn cố gắng, chẳng có việc gì là không thể.
Nhưng tôi sớm vỡ mộng khi bước ra khỏi môi trường học thuật. Mấy bận bị dồn ép, phải đối mặt với cả những tình huống quá sức chịu đựng, tôi nhận ra buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn so với sự theo đuổi, nhất là khi bạn phải buông bỏ những thứ mà xã hội cho rằng bạn cần níu giữ. Một cái ghế được nhiều người trọng vọng? Một lối sống nghiêm túc chừng mực? Một gia đình nề nếp con cái có đủ mẹ, đủ cha? Tôi ước gì cha mẹ đã dạy tôi rằng “Từ bỏ cũng là một lựa chọn”?.
(Cúc T., Sống như bạn đang ở sân bay, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)
Câu 1: Khi “được gia đình và trường học gieo vào đầu mình ý niệm về sự cố gắng theo đuổi, chinh phục”, “tôi” đã có những suy nghĩ gì? (1 điểm)
Câu 2: Nêu tác dụng của những câu hỏi được sử dụng trong văn bản? (1 điểm)
Câu 3: Anh/chị có đồng tình với quan điểm “buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn so với sự theo đuổi” ? Vì sao? (1 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7 điểm)
Từ nội dung văn bản ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ về ý kiến “Từ bỏ cũng là một lựa chọn”.”
Đề kiểm tra học kì môn Ngữ văn 12 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Cao Nguyên) |
Sau khi kết thúc kiểm tra môn Ngữ văn, đề này gây tranh cãi về câu hỏi ở phần Làm văn khi yêu cầu học sinh nhận định “Từ bỏ cũng là một lựa chọn”.
Nhiều người (giáo viên, học sinh và phụ huynh) cho rằng, câu hỏi này khiến học sinh dễ dàng buông xuôi khi đứng trước những khó khăn, bất trắc.
Hơn nữa, ở độ tuổi 17, 18 mà đề hỏi thế này cũng dẫn đến các em có những suy nghĩ tiêu cực, thiếu ý chí nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.
Tuy nhiên, sau khi đọc kĩ đề Ngữ văn, chúng tôi nhận thấy dư luận tranh cãi là chưa thỏa đáng.
Chúng tôi phân tích, bình luận đề kiểm tra Ngữ văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đà Nẵng để bạn đọc có thêm một kênh tham khảo.
Đề Ngữ văn này có những ưu, khuyết như sau:
Về ưu điểm:
Nhiều giáo viên, học sinh vẫn ngán đề kiểm tra học kỳ của Sở |
Ngữ liệu phần Đọc hiểu mới, nội dung văn bản phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh nên khơi gợi được sự hứng thú cho các em trong khi làm bài.
Phần Làm văn yêu cầu học sinh viết một bài văn trình bày suy nghĩ về ý kiến “Từ bỏ cũng là một lựa chọn” là một câu hỏi mở.
Câu lệnh yêu cầu “trình bày suy nghĩ về ý kiến “Từ bỏ cũng là một lựa chọn” giúp học sinh có thể bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau về một vấn đề.
Các em có thể bày tỏ suy nghĩ đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần về ý kiến kiến “Từ bỏ cũng là một lựa chọn”.
Và cho dù thể hiện quan điểm thế nào thì học sinh cũng phải lập luận chặt chẽ bằng cách đưa ra những dẫn chứng, lí lẽ phù hợp.
Như thế, đề Ngữ văn này giúp các em nâng cao khả năng phản biện chứ không hề gò bó, trói buộc hay áp đặt.
Hơn nữa, học sinh lớp 12 – độ tuổi 17, 18 tuổi sẽ có nhận thức đúng đắn về ý kiến “Từ bỏ cũng là một lựa chọn”.
Chúng tôi khẳng định, các em không dễ dàng buông xuôi hay có suy nghĩ tiêu cực khi tiếp cận một ý kiến (cá nhân) được nói đến trong văn bản như nhiều người suy nghĩ.
Về hạn chế:
Tuy vậy, đề Ngữ văn này không phải không có một số hạn chế nhất định.
Trước hết, cấu trúc đề chưa cân đối khi thiếu vắng câu nghị luận văn học – nội dung trọng tâm của chương trình Ngữ văn 12. Cấu trúc đề thế này, học sinh sẽ không cần học các tác phẩm văn học, là điều rất đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, biểu điểm của Câu 1 (1 điểm) chưa cân đối với Câu 2, Câu 3 và phần Làm văn (7 điểm).
Câu 1 chỉ ở mức nhận biết, nên để 0,5 điểm (thay vì 1 điểm) thì mới tương xứng với biểu điểm chung của toàn bài.
Ngoài ra, Câu 3 và phần Làm văn hỏi trùng lắp một phần nội dung là thừa và (có thể) gây nhàm chán cho học sinh.
Như vậy, đề kiểm tra Ngữ văn Thành phố Đà Nẵng không đáng tranh cãi, nhất là ở phần Làm văn – như đã phân tích.