Để lãng phí trong lĩnh vực công phải truy trách nhiệm người đứng đầu

28/04/2022 06:48
Hoài Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, để đẩy mạnh công cuộc phòng, phòng chống lãng phí trong lĩnh vực giáo dục, cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân.

Vừa qua, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã công bố những số liệu về lãng phí trong lĩnh vực công giai đoạn 2016-2021.

Trong 6 năm, có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, sai chế độ đã được phát hiện với số tiền 883,2 tỷ đồng. Số dự án thực hiện chậm tiến độ rất lớn (8.580 dự án trong giai đoạn 2016-2020). (1)

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ nỗi lo lắng ở lĩnh vực giáo dục cũng đang có những sự lãng phí được nhìn thấy rất rõ. Đó là dự án trường đại học hàng trăm tỷ đồng "đắp chiếu", nhiều địa phương vẫn “thừa trường thiếu trò” hay một số kỳ thi được tổ chức rầm rộ nhưng thiếu tính thực tế...

Về vấn đề này, Phó Giáo sư Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu Quốc hội khóa XV Nguyễn Thị Sửu (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có một số chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Phó Giáo sư Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Phó Giáo sư Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: "Lãng phí gây hại không kém gì so với tham nhũng.

Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách được Quốc hội và Chính phủ duy trì. Thế nhưng, giáo dục ở nhiều vùng, địa phương vẫn còn rất khó khăn.

Nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa không có kinh phí tu sửa lớp học chỉ “chắp vá” tạm thời, hỏng đâu sửa đấy, thiếu thốn cả phòng học lẫn trang thiết bị dạy học... học sinh thì vẫn phải đi bộ một quãng đường xa mới có thể đến trường.

Nhưng hiện tại, cũng còn không ít các dự án xây dựng trường học đang đắp chiếu, bỏ hoang, các cơ sở giáo dục mở ra nhưng tuyển sinh èo uột, tồn tại ngắc ngoải, bộ máy biên chế lên tới cả ngàn người vẫn tiếp tục bám vào nguồn ngân sách của nhà nước. Nơi thiếu cứ thiếu, nơi lãng phí vẫn tiếp tục lãng phí.

Chúng ta cứ mải chạy theo chủ nghĩa hình thức để rồi lãng phí từ năm này qua năm khác. Vấn đề sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu hậu quả của sự lãng phí này gây nên bất bình đẳng trong giáo dục".

Cùng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng, lãng phí ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần phải phê phán, đấu tranh để ngăn chặn, đặc biệt là trong giáo dục.

Nữ đại biểu nhận định, lãng phí sinh ra do năng lực quản lý của các nhà quản lý giáo dục cấp cơ sở còn yếu, kém. Ngoài ra, cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý còn chưa nghiêm, chưa triệt để. Không ít lãnh đạo còn "nản tay, chùn bước".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế). (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế). (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

"Thực tế nếu người đứng đầu có tài, có đức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực tốt thì khó mà thất thoát hoặc xảy ra tình trạng lãng phí ngân sách. Tiêu cực trong giáo dục chúng ta đã nhắc đến nhiều nhưng nếu giáo dục trượt dốc thì hậu quả các ngành, lĩnh vực khác phải gánh chịu là rất lớn. Vì thế, mọi lĩnh vực trong giáo dục cần được giám sát kỹ", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu nêu quan điểm.

Theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian tới, những chính sách đầu tư cho giáo dục cần phải được đánh giá cụ thể, toàn diện. Những hạn chế, tồn tại của chính sách phải được báo cáo, giải trình cụ thể trước Quốc hội và nhân dân để xử lý kịp thời, tránh xảy ra sai phạm đáng tiếc.

Tương tự, Phó Giáo sư Bùi Thị An cho biết: "Như dự án xây trường đại học hơn 10 năm vẫn bỏ hoang ở Ninh Bình, cần chỉ rõ trách nhiệm của từng người, nghiêm túc xử lý, đặc biệt là phải kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phê duyệt dự án này. Đất đai bị đắp chiếu bỏ hoang ngần ấy năm. Đó là sự lãng phí khủng khiếp".

Phó Giáo sư Bùi Thị An cho hay, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: Thực hành và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân và vai trò chủ thể của nhân dân, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Chính vì vậy, để đẩy mạnh công cuộc phòng, phòng chống lãng phí trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra tại các cơ sở giáo dục cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân, tiếp tục xây dựng cơ chế để người dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, tạo sự an tâm đối với người cung cấp các nguồn tin tố giác hành vi tiêu cực gây lãng phí làm thất thoát ngân sách.

Ngoài giám sát, phản ánh trực tiếp, người dân có thể tham gia phòng chống lãng phí thông qua các tổ chức đại diện, bao gồm Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội khác...

Tài liệu tham khảo:

(1) https://vov.vn/chinh-tri/con-so-biet-noi-ve-lang-phi-qua-giam-sat-toi-cao-cua-quoc-hoi-post932754.vov

Hoài Ân