Ngày 5/3/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kì thi học sinh giỏi lớp 12 cấp Thành phố, gồm 12 môn thi.
Trong đó, đề thi môn Ngữ văn được nhiều giáo viên đánh giá cao vì câu nghị luận xã hội gắn với thực tiễn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, khơi gợi nhiều cảm xúc cho các em khi làm bài. Câu nghị luận văn học không nặng về kiến thức lí luận nhưng vẫn có tính phân hóa cao.
Theo đó, đề thi gồm 2 câu - nghị luận xã hội và nghị luận văn học, có nội dung như sau:
Nhiều giáo viên Ngữ văn khen đề thi hay, độc đáo
Chia sẻ với người viết về đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn 12 của Thành phố Hồ Chí Minh năm nay, nhiều giáo viên (dạy môn Văn) đã dùng những cụm từ ngắn gọn đánh giá như: đề "hay", "sáng tạo", "mang hơi thở cuộc sống", "thú vị", "học sinh tha hồ thể hiện quan điểm cá nhân".
Thầy giáo Nguyễn Hiền ở Thành phố Hồ Chí Minh trải lòng: "Mỗi lần có một đề Ngữ văn hay và khó, giáo viên văn nào cũng thấy quý và yêu hơn một chút cái nghề mình đã chọn. Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 12 (không chuyên) của Thành phố là một đề thi như thế.
Rất trân trọng, nâng niu các suy ngẫm và tầm nhìn, tình cảm thẩm mỹ văn học của người ra đề! Vốn đọc khá rộng (đồng nghiệp khó đoán ra... có bao nhiêu dạng ngữ liệu), vốn lý luận văn học khá vững (rất khó phản biện là chưa hay ở điểm nào). Tôi hãnh diện và tự hào vì đề Ngữ văn ở địa phương mình công tác đều độc đáo, thú vị và đúng, trúng".
Cùng góc nhìn, cô giáo Hoàng Bạch Diệp ở Quảng Trị nói rằng, đề thi hay và bất ngờ ở câu nghị luận xã hội, giúp học sinh có góc nhìn đa chiều. Còn câu nghị luận văn học thì có độ mở cao, tạo điều kiện cho người viết trình bày suy nghĩ cá nhân và cách cảm nhận riêng.
Nhìn chung, đề văn mở rộng sát với thực tế, đánh trúng tâm lý người viết và đọc, phù hợp với khả năng của học sinh giỏi".
Còn cô Lê Thị Hoa ở Thanh Hóa nhận xét: "Đề hay, sáng tạo, không đi theo lối mòn của kiểu ra đề an toàn (một ngữ liệu có thể đặt ra cả 2 vấn đề thuộc dạng văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học mà vẫn không bị khiên cưỡng).
Câu nghị luận xã hội, học sinh được phép lựa chọn góc nhìn và có cách lập luận riêng của mình. Câu nghị luận văn học không phải dùng đến một nhận định hay ý kiến bàn về văn học nhưng vẫn khơi gợi được vấn đề.
Với dạng đề này, học sinh sẽ được thỏa sức sáng tạo. Tuy nhiên, với dạng đề này thì người chấm phải chắc tay và công tâm".
Tuy vậy, thầy giáo Trầm Thanh Tuấn ở Trà Vinh vẫn còn đôi chút băn khoăn về đề thi Ngữ văn này, đó là:
Thứ nhất, câu nghị luận xã hội, John do không tuân thủ quy định của nhà trường nên bị thầy hiệu trưởng cho thôi học. Đây là quan điểm của phương Tây - trọng lí hơn trọng tình, còn ở Việt Nam chúng ta thì ngược lại. Học sinh có biết điều này để bàn luận không?
Thứ hai, câu nghị luận xã hội bàn về một vấn đề trong cuộc sống: cùng một sự việc nhưng ở những góc nhìn khác nhau, con người sẽ có những cách đánh giá và ứng xử khác nhau.
Nhưng đem điều này gán cho câu nghị luận văn học: cùng một tác phẩm nhưng ở những góc nhìn khác nhau, cảm thụ và đánh giá của độc giả cũng rất khác nhau - liệu có gượng?
Ngoài ra, một số giáo viên cũng góp ý, câu lệnh câu nghị luận xã hội còn dài và nên tăng thời gian làm bài cho thí sinh lên 150 phút (thay vì 120 phút).
Liên quan đến câu nghị luận xã hội - John do không tuân thủ quy định của nhà trường nên bị thầy hiệu trưởng cho thôi học - có ý kiến trên một diễn đàn nêu quan điểm cá nhân rất đáng suy ngẫm:
"Sống ở đâu và đam mê chính đáng ra sao thì đều cần tuân thủ đúng quy định. Thầy hiệu trưởng đã cảm ơn vì John giữ lại được "chút ít di sản quý giá" cho nhà trường. Thầy chắc cũng đau lòng vì buộc phải ra quyết định đuổi học.
Nhưng với tư cách người đứng đầu thầy đành phải làm đúng quy định, giống như một đất nước để tồn tại, ổn định, phát triển phải có luật pháp. Bản thân mỗi cá nhân muốn phát triển đam mê của mình khi sống cùng xã hội thì bắt buộc phải tuân thủ quy định cộng đồng".
Nhìn chung, nhiều giáo viên nhìn nhận, cách ra đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn như ở Thành phố Hồ Chí Minh buộc thầy cô giáo, học sinh phải thay đổi cách dạy, cách học, không thể học tủ hay đoán các dạng đề.
Những đề thi học sinh giỏi như thế này phù hợp với năng lực học sinh, giúp chọn được những em giỏi văn, có năng khiếu văn chương thực sự.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.