Đôi điều băn khoăn về đề minh hoạ tốt nghiệp từ năm 2025 môn Ngữ văn

09/02/2024 06:58
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Đề minh hoạ tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 môn Ngữ văn cho 2 ngữ liệu có độ dài không quá 1300 chữ là một thử thách rất lớn với thí sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề minh hoạ tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 môn Ngữ văn để giáo viên, học sinh có thời gian làm quen với cấu trúc mới.

Người viết - là giáo viên bậc trung học phổ thông - đã dành nhiều thời gian đọc và nghiên cứu đề minh hoạ này, xin có đôi điều cùng trao đổi.

Đôi điều băn khoăn về đề minh hoạ tốt nghiệp từ năm 2025 môn Ngữ văn  ảnh 1

Cấu trúc đề quen thuộc

Có thể nhận thấy, đề minh hoạ môn Ngữ văn đã kế thừa cấu trúc của đề thi của Chương trình 2006. Theo đó, cấu trúc đề gồm 2 phần: Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm). Phần viết có câu nghị luận văn học (2 điểm) và nghị luận xã hội (4 điểm). Thời gian làm bài 120 phút.

Phần Đọc hiểu cho ngữ liệu là văn bản văn học ngoài sách giáo khoa. Thí sinh trả lời 5 câu hỏi được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

Phần Viết, câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn khoảng 200 chữ làm rõ một nội dung/khía cạnh trong ngữ liệu là văn bản văn học ngoài sách giáo khoa.

Đề có thể yêu cầu phân tích và đánh giá một văn bản, so sánh hai văn bản, phân tích làm rõ một đặc điểm của thể loại qua văn bản…

Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết một bài văn khoảng 600 chữ bày tỏ ý kiến về những khó khăn thử thách đối với tuổi trẻ. Vấn đề nghị luận này có liên quan đến ngữ liệu ở câu nghị luận văn học.

Tuy vậy, vấn đề nghị luận không nhất thiết liên quan tới ngữ liệu đọc hiểu; có thể bàn luận một vấn đề của tuổi trẻ, viết thư trao đổi công việc hoặc một vấn đề đáng quan tâm...

Đáng chú ý, nếu ngữ liệu đọc hiểu là văn bản nghị luận xã hội hoặc văn bản thông tin thì phần nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn, nghị luận văn học viết bài văn.

Nếu ngữ liệu đọc hiểu là văn bản văn học hoặc văn bản nghị luận văn học thì phần nghị luận xã hội yêu cầu viết bài văn, nghị luận văn học viết đoạn văn. Tổng độ dài của các ngữ liệu trong đề thi chính thức không quá 1300 chữ.

Ưu điểm của đề minh hoạ

Ngữ liệu phần Đọc hiểu và phần Viết ra ngoài sách giáo khoa sẽ triệt tiêu được việc học văn mẫu, học tủ, học vẹt - điều này đã tồn tại từ hàng chục năm qua.

Cùng với đó, việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khiến học sinh phải chăm đọc sách để nâng cao vốn từ, khả năng diễn đạt, tìm ý tưởng mới...

Khi làm bài, thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm cá nhân, sự trải nghiệm của bản thân vào bài làm, giúp đánh giá chính xác năng lực của từng em rất rõ ràng.

Phần Đọc hiểu, với hệ thống câu hỏi quen thuộc, thí sinh dễ dàng lấy từ 4-6 điểm (tổng 6 điểm) thay vì tối đa 3 điểm như đề thi Chương trình cũ.

Theo đề minh hoạ, câu nghị luận xã hội chiếm số điểm nhiều hơn câu nghị luận văn học là một thay đổi mang tính đột phá.

Cá nhân tôi thấy rằng, đa số học sinh sẽ làm tốt câu nghị luận xã hội chứ không phải nghị luận văn học. Bởi vì, nghị luận xã hội là những vấn đề gần gũi, thiết thực với học sinh.

Còn nghị luận văn học, không phải học sinh nào cũng có khả năng làm bài tốt, vì phụ thuộc vào sở thích, năng khiếu văn chương, khả năng giải mã ngôn từ.

Ngoài ra, đáp án đề minh hoạ cũng tường minh, chi tiết, ngắn gọn, giúp giáo viên có thêm một kênh tham khảo khi ra đề kiểm tra thường xuyên, định kì, đề luyện tập.

Đôi điều băn khoăn cần trao đổi

Tuy vậy, tôi thấy ngữ liệu đề minh hoạ cho 2 văn bản là dài, học sinh mất nhiều thời gian đọc, lập dàn ý, các em khó có thể hoàn thành tốt bài thi trong 120 phút.

Thí sinh trả lời 5 câu hỏi ở phần Đọc hiểu (thay vì 4 câu như đề thi Chương trình cũ), 1 câu nghị luận văn học và 1 câu nghị luận xã hội trong quỹ thời gian này là có phần quá tải.

Hơn nữa, đề minh hoạ gồm 2 trang, nhìn đâu cũng thấy chữ là rất rối mắt. Về hình thức đề thi cần thiết kế sao cho ngắn gọn, chỉ nên 1 trang là hợp lí.

Riêng phần đọc hiểu, câu 3, liên quan đến kiến thức tiếng Việt có thể gây khó khăn cho học sinh vì câu hỏi tiểu tiết, có phần hàn lâm (chỉ ra sự khác nhau của biện pháp tu từ so sánh).

Điều băn khoăn, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu ngữ liệu đọc hiểu là văn bản nghị luận xã hội hoặc văn bản thông tin thì phần nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn, nghị luận văn học viết bài văn.

Phần nghị luận văn học yêu cầu thí sinh viết bài văn từ một ngữ liệu mới ngoài sách giáo khoa, theo tôi là chưa khả thi.

Nhiều giáo viên dạy Ngữ văn chia sẻ với tôi rằng, có thể nhiều thí sinh sẽ bỏ luôn câu này vì chỉ cần làm Đọc hiểu và câu nghị luận xã hội là các em có thể lấy điểm trung bình.

Một vài kiến nghị, đề xuất

Tôi xin đề xuất cấu trúc đề thi Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như sau:

Phần Đọc hiểu (5 điểm), cho ngữ liệu dưới 500 chữ liên quan đến văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin.

Từ đó, thiết lập ma trận đề gồm 4 câu: 1 câu nhận biết (0,75 điểm); 1 câu thông hiểu (0,75 điểm); 1 câu vận dụng thấp (1,5 điểm); 1 câu vận dụng cao (2 điểm).

Phần viết (5 điểm), thí sinh được chọn 1 trong 2 đề nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học. Yêu cầu viết bài văn tối thiểu 500 chữ liên quan đến các kiểu bài thí sinh đã được học trong chương trình (chủ yếu lớp 12).

Tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cho thử nghiệm và lấy ý kiến rộng rãi từ các thầy cô giáo đứng lớp, chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện cấu trúc đề minh họa thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 môn Ngữ văn.

Điều này tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên