Đề thi Ngữ văn vừa sức, nhiều thí sinh phấn khởi vì ôn kỹ, làm bài tốt

27/06/2024 13:19
Minh Châu - Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhiều thí sinh phấn khởi ra khỏi phòng thi sau khi kết thúc bài thi Ngữ văn - môn thi đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Thí sinh phấn khởi vì ôn kỹ

Theo chia sẻ của thí sinh Nguyễn Minh Quyên, học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Phú (Hà Nội), đề thi năm nay vào bài "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

“Em làm được hết đề thi, không bỏ sót ý nào. Phần nghị luận văn học vào bài thơ mà em ôn khá kỹ. Nên em cảm thấy rất vui và nhẹ nhõm, hơn mong đợi của em”, Minh Quyên hào hứng chia sẻ và dự đoán mình được khoảng 8,5 điểm môn Ngữ văn.

57dd5f8c-323b-484e-ad3b-ad192007cbac.jpg
Đề thi môn Ngữ văn - kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Còn thí sinh Phạm Minh Khoa (học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Phú, Hà Nội) cho biết: “Em cảm thấy khá vui vì đã hoàn thành bài thi môn đầu tiên. Với em, bài thơ "Đất nước" là một trong những bài thơ hay để phân tích, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, người trẻ càng nên học và hiểu để thêm yêu quê hương, đất nước”.

Nam sinh này tự tin mình được 9 điểm môn Ngữ Văn, vì em hoàn thành hết tất cả các câu trong đề. Tuy vẫn còn các môn thi trong chiều nay và ngày mai, nhưng Minh Khoa cho biết em không cảm thấy quá lo lắng, giữ một tâm trạng bình tĩnh khi bước vào phòng thi, vì em đã có một quá trình ôn luyện kỹ càng.

5ce63df82045831bda54.jpg
Điểm thi Trường Trung học phổ thông Trần Phú (Hà Nội). Ảnh: Khánh Sơn

Dự đoán phổ điểm bài thi Ngữ văn đạt bình quân trên 7 điểm

Nhận xét về đề thi Ngữ văn năm nay, cô Nguyễn Thị Kiên Chung, giáo viên môn Ngữ văn (Trường Trung học phổ thông Đức Hợp - Hưng Yên) đánh giá đề thi có độ phân hóa, tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình làm bài. Trong đó, phần đọc hiểu câu hỏi rõ, tường minh với các cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

Đánh giá vấn đề nghị luận xã hội trong đề thi là một nội dung hay, vấn đề gần gũi với các em học sinh, cô Chung cho rằng học sinh có thể huy động trải nghiệm của bản thân để viết bài.

“Với phần nghị luận văn học, đề thi vào bài thơ “Đất nước” khiến học sinh khá hào hứng. Tuy nhiên, phần ngữ liệu dài nên đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng, bố cục khoa học để đảm bảo thời gian. Đây cũng là một đoạn thơ rất hay, học sinh có thể phát huy năng lực viết”, cô Chung nhận xét, và cho rằng phổ điểm bài thi Ngữ văn năm nay sẽ tập trung nhiều ở khoảng điểm 6,7,8.

8ea13a8ffc5626087f47.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Kiên Chung, giáo viên môn Ngữ văn - Trường Trung học phổ thông Đức Hợp - Hưng Yên. Ảnh: NVCC

Còn thầy Nguyễn Văn Lự (giáo viên Ngữ văn, tỉnh Vĩnh Phúc) nhận định, đề thi ổn định cả 2 phần đọc hiểu (I) và phần làm văn (II). Trong đó, phần I và II có sự liên kết chủ đề cá nhân và lịch sử của gia đình, cá nhân, dân tộc và đất nước.

“Đề thi có sự đổi mới rõ nhất là ở phần đọc hiểu, với cả 4 câu hỏi này yêu cầu thí sinh phải hiểu mới trả lời đúng”, thầy Lự nhấn mạnh.

Theo đó, thầy Lự cho rằng số thí sinh lấy được điểm tối đa (3 điểm) ở phần I này sẽ không nhiều.

Ở Phần II, câu 1 yêu cầu học sinh viết đoạn văn bàn về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Cá tính là bản ngã, năng lực riêng sẽ tạo nên giá trị của cuộc sống của cá nhân và cộng đồng. Tôn trọng cá tính sẽ giúp thí sinh biết khám phá bản thân, hiểu bản thân và biết được thế mạnh của cá nhân để sử dụng và phát huy trong cuộc sống và học tập.

Câu 2 là phần nghị luận văn học (5 điểm) là nội dung nằm trong trọng tâm ôn tập và luyện đề, do vậy thầy Lự nhận định sẽ không có gì khó khăn với thí sinh. Phần mở rộng nhận xét cảm xúc trữ tình và suy tư của nhà thơ cũng là câu hỏi quen thuộc với học sinh.

“Tôi có trò chuyện với các thí sinh vừa bước ra khỏi các điểm thi ở Vĩnh Phúc. Nhiều em vui vì đều viết được từ 8 trang trở lên, nhiều em làm 4 tờ giấy thi. Nhìn chung đề Ngữ văn năm nay vừa sức và đúng cấu trúc đề, chính xác, tạo động lực tốt cho thí sinh thi buổi thứ 2 vào chiều nay.

Đây là năm cuối cùng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024 đã kết thúc một dạng thức dạy và học nhớ nhiều thuộc lắm Ngữ văn. Tôi đánh giá sự thay đổi của phần đọc hiểu phần nào đã giúp thí sinh và giáo viên Ngữ văn định hình, tiệm cận được cấu trúc đọc và hiểu của đề thi Ngữ văn của chương trình giáo dục phổ thông 2018", thầy Nguyễn Văn Lự đánh giá.

b7eba008c3b460ea39a5.jpg
6c27c4cded704e2e1761.jpg
Thí sinh Vĩnh Phúc phấn khởi rời khỏi điểm thi sau khi kết thúc bài thi đầu tiên. Hình ảnh tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Văn Lự

Cô Lê Trần Diệu Thu (giáo viên dạy Ngữ văn tại Hà Nội) cũng cho rằng đề thi Ngữ văn năm nay không quá khó. Với đề thi này, thí sinh nắm chắc kiến thức có thể đạt được được 7,5 - 8 điểm.

"Trước hết, phần nghị luận xã hội, ở câu 1, câu 2 gần như là những câu nhận biết, các bạn dễ dàng nhận được trọn vẹn điểm ở phần này.

Còn câu 3, câu 4, chỉ cần các bạn dựa vào dữ liệu đề thi, và suy luận một chút là có thể ra được đáp án của câu hỏi", vị giáo viên đánh giá.

Theo cô Thu, phần nghị luận xã hội cũng là phần mà cô thấy ấn tượng nhất của đề. Câu nghị luận xã hội có nội dung dựa trên một chủ đề tích cực - “tôn trọng cá tính”. Đây là một đề thi mở, thí sinh hoàn toàn có thể đưa ra suy nghĩ của mình để đạt được kết quả tốt nhất.

Với phần nghị luận văn học, đề thi rơi vào những câu đầu của bài thơ “Đất nước” nên thí sinh có thể phân tích dễ dàng hơn. Chỉ đánh đố một chút ở vế phụ của đề thi, nhưng đây cũng không phải đề thi quá khó với thí sinh.

Buổi thi đầu tiên có 7 thí sinh bị đình chỉ thi

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (cập nhật đến 9 giờ 50 phút ngày 27/6), trong tổng số 1.054.601 thí sinh đăng ký dự thi môn Ngữ văn, có 1.050.622 thí sinh đến dự thi, đạt tỷ lệ 99,62%.

Trong buổi thi môn Ngữ văn, có 7 thí sinh bị đình chỉ thi (gồm 3 thí sinh mang tài liệu và 4 thí sinh sử dụng điện thoại di động).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, buổi thi Ngữ Văn diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng Quy chế. Số lượng thí sinh vi phạm quy chế thi giảm so với năm 2023 (năm 2023 buổi thi môn Ngữ Văn có 12 thí sinh vi phạm quy chế thi).

14 giờ 30 phút chiều nay, thí sinh tiếp tục dự thi môn Toán, thời gian 90 phút.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27 và 28/6. Trong đó, 27 và 28/6 là ngày thi chính thức; 29/6 là ngày thi dự phòng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm nay toàn quốc có 2.323 điểm thi và 45.149 phòng thi. Dự kiến, công tác chấm thi sẽ được hoàn thành chậm nhất vào 17h ngày 14/7/2024, kết quả thi được công bố vào 8h00 ngày 17/7/2024.

Minh Châu - Doãn Nhàn