LTS: Đưa ra ý kiến về đề tham khảo môn Ngữ Văn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, nhà giáo Bùi Công Thuấn cho rằng đề thi vẫn chưa có sự phân hóa cao và đạt yêu cầu đánh giá chất lượng.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đề tham khảo môn Ngữ Văn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 (gọi tắt là đề tham khảo) có thể làm yên lòng thầy cô dạy môn Ngữ Văn lớp 12, bởi với đề như vậy, bài làm của học sinh học sinh dễ đạt điểm 5.
Những năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố rằng, đến năm nay 2019, đề thi sẽ có cả kiến thức lớp 10, 11 và 12. Vì thế việc ôn tập là rất vất vả với thầy cô và khối lượng kiến thức sẽ rất nặng đối với học sinh.
Đề tham khảo chỉ ra ở chương trình lớp 12, việc ôn tập sẽ nhẹ hơn nhiều. Thầy cô và học sinh 12 mừng lắm!
Tuy nhiên có nhiều vấn đề được đặt ra ở đề tham khảo này.
Phần đọc hiểu không có câu hỏi về ngữ pháp văn bản (tức là thiếu phần Ngôn ngữ). Học sinh muốn hiểu văn bản thì cần nắm được cách tạo lập văn bản, cấu trúc văn bản, phong cách ngôn ngữ, thể loại, bút pháp và các yếu tố ngôn ngữ khác mà tác giả sử dụng. Không nắm được những kiến thức này, học sinh sẽ chỉ “đọc mò”.
Đề thi cần có câu hỏi ngữ pháp văn bản dẫn học sinh đến hiểu nội dung. Cả 4 câu hỏi đều tập trung vào nội dung đoạn văn, tạo cho học sinh cảm giác nặng nề. Học sinh sẽ đoán chừng mà trả lời. Việc đánh giá và cho điểm sẽ không chính xác.
Đề tham khảo môn Ngữ văn của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia. |
Phần Làm văn, câu (1):
“Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về điều bản thân cần thay đổi để có thể thành công trong cuộc sống”.
Cách đặt vấn đề của đề văn này không sát với chủ đề của đoạn trích. Đoạn trích đặt vấn đề: “Nếu không thay đổi thì sẽ không bao giờ phát triển. Nếu không phát triển thì không phải là cuộc sống.” Đoạn trích nhấn mạnh đến ý tưởng “thay đổi để phát triển”.
Nhưng đề lại yêu cầu viết về: “điều bản thân cần thay đổi để có thể thành công trong cuộc sống”. Hai ý tưởng này hoàn toàn khác nhau: “thay đổi để có thể thành công” khác với “thay đổi để phát triển”. Điều này sẽ làm khó cho học sinh.
Một chân lý hiển nhiên là muốn thành công bao giờ cũng đòi hỏi sự kiên trì. Nếu cứ thay đổi, có khi càng thay đổi càng mất phương hướng (chuyện đổi mới thi cử từ 1980 đến nay là một thí dụ).
Với một nội dung đề như thế, học sinh lại sẽ chỉ “chém gió” cầu may lấy 1/2 điểm. Thế nghĩa là đề không thể đánh giá chính xác chất lượng giảng dạy ở phổ thông trung học.
Phần Làm văn, câu (2):
Đề: Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân hai lần miêu tả cung cách ăn uống của người vợ nhặt. Chiều hôm trước, khi được Tràng đồng ý đãi bánh đúc ở ngoài chợ:
“Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.” Và sáng hôm sau, khi nhận bát “chè khoán” từ mẹ chồng: “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng.”
(Kim Lân - Ngữ văn 12, Tập hai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.27 và tr.31)
Phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.
Đây là dạng đề ra về chi tiết trong tác phẩm. Tôi cho rằng đây là kiểu đề đánh đố học sinh. Thí dụ đề có thể hỏi: Trong truyện “Vợ Nhặt”, nhân vật bà cụ Tứ khóc mấy lần, nguyên nhân và ý nghĩa những lần khóc ấy? hoặc chi tiết, sau khi nghe bà cụ Tứ nói rằng bà “mừng lòng” việc Tràng có vợ, nhân vật Tràng “thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân”. Hành động của Tràng bộc lộ tính cách gì?
Một ví dụ khác: Đề: Trong truyện Chí Phèo, nhân vật Chí Phèo cười mấy lần, ý nghĩa tiếng cười ấy? Và, đã có lần đề thi ra về mùi cháo hành trong truyện Chí Phèo.
Đề ra như thế này, học sinh trung bình sẽ chỉ nói chung về nhân vật Vợ Nhặt. Và thông cảm cho học sinh có học bài, thầy cô giám khảo cũng chỉ cho điểm trung bình.
Đề không thể phân loại học sinh theo yêu cầu một kỳ thi có thể sử dụng hai mục đích, vừa đánh giá chất lượng dạy học ở phổng thông, vừa làm cơ sở cho tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
Ở phổ thông trung học, thầy cô chỉ có thể hướng dẫn học sinh đọc hiểu, phân tích chủ để, phân tích nhân vật, tình huống, phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Không có thời gian để đi sâu vào chi tiết.
Tác phẩm “Vợ Nhặt” chỉ được dạy trong 2 tiết thì không thể nào phân tích được hết các yếu tố và giá trị của tác phẩm.
Tôi cho rằng, đề Ngữ Văn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia nên có hai phần. Phần tốt nghiệp chỉ đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuẩn (đạt 3/5 điểm), và phần nâng cao dành cho học sinh giỏi đạt điểm 4/5 trở lên.
Thí dụ:
Đề: Anh/ chị hãy phân tích nhân vật người vợ trong truyện “Vợ Nhặt” của Kim Lân. Nhân vật này thể hiện chủ đề và giá trị gì của tác phẩm so với nhân vật bà cụ Tứ và Tràng?
Với đề này, học sinh trung bình làm được phần phân tích nhân vật người vợ, và học sinh khá sẽ làm phần so sánh các nhân vật.
Như vậy, cả ba phần của đề thi tham khảo 2019 môn Ngữ Văn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 đều không đạt yêu cầu đánh giá chất lượng giảng dạy ở Phổ thông trung học, bởi đề đã buộc học sinh phải đoán mò và viết cầu may, viết cho đầy trang giấy để thầy cô thương tình cho điểm trung bình mà tốt nghiệp.
Bộ Giáo dục cần có một đề đánh giá chính xác kỹ năng và năng lực của học sinh phổ thông trung học.
Với một đề Ngữ Văn, thì ngoài kiến thức cơ bản, đề cần khơi gợi những năng lực khác của học sinh như năng lực khám phá, sáng tạo khi đọc tác phẩm, năng lực thể hiện chính kiến về những vấn đề của thời đại, năng lực viết văn (tức là năng lực sử dụng tiếng Việt)…