Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 4/12 cho thấy, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019 có một số thay đổi như: Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho hay ông hoàn toàn đồng ý với một số điều chỉnh chính sách và kỹ thuật tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia 2019.
Tiến sĩ Vinh hy vọng những thay đổi này sẽ hạn chế tiêu cực trong kỳ thi này.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng việc đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ là một bước tiến để có thể theo dõi, hy vọng sẽ góp phần ngăn chặn sự can thiệp của con người lên bài thi của thí sinh.
Nhiều giáo viên mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo nên công bố giới hạn các nội dung sẽ thi của lớp 10, 11, nếu không thì thầy trò sẽ ngập trong kiến thức 3 năm, tăng áp lực thi cử và các nhà trường sẽ phải học đối phó.(Ảnh minh họa: VTV) |
Về công bố kết quả thi và phương thức sử dụng kết quả thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định mới là tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông gồm 70% điểm trung bình các bài thi trung học phổ thông quốc gia dùng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Trước thay đổi này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, việc tăng tỷ lệ 70%-30% giữa điểm bài thi và điểm học bạ cũng là biện pháp kỹ thuật thúc đẩy quá trình học tập của các em, chuẩn bị ôn tập từ sớm.
Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ về phương án thi thì nội dung kiến thức trong đề thi là điều khiến nhiều giáo viên còn đặt câu hỏi.
Thầy Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Toán, trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội bày tỏ, theo lộ trình công bố, năm 2019, nội dung kiến thức đề thi nằm cả trong chương trình lớp 10, 11 và 12.
Tuy nhiên đến nay, Bộ lại công bố nội dung thi “chủ yếu là chương trình lớp 12”, một thuật ngữ rất mơ hồ.
Bộ nên công bố giới hạn các nội dung sẽ thi của lớp 10, 11, nếu không thì thầy trò sẽ ngập trong kiến thức 3 năm, tăng áp lực thi cử và các nhà trường sẽ phải học đối phó.
Thầy Tùng cũng đề xuất học kỳ I của năm học 2018-2019 đã gần kết thúc, Bộ cũng nên sớm công bố thời điểm có đề minh họa để học sinh và giáo viên chủ động, có cơ sở đánh giá sức học, mức độ đề, từ đó có kế hoạch chuẩn bị ôn tập tốt hơn.
Mặc dù hiện nay trường trung học phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội) đã cho học sinh học 2 buổi/ ngày tuy nhiên thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng nhà trường cũng mong muốn Bộ sớm công bố đề thi minh họa để phân bổ thời gian ôn tập cho các em.