Để tránh cho giáo viên khỏi bị trù dập bằng lá phiếu không hoàn thành nhiệm vụ

16/01/2022 06:44
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghe bỏ phiếu kín có vẻ quang minh chính đại, minh bạch lắm nhưng ai biết được những lá phiếu tưởng “kín” kia đã bị “gài bẫy”.

Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 và Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 nêu rõ: Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc đối với công chức có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ”.

Đây là quy định để mọi người phải cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng cũng là “công cụ” để một số ít lãnh đạo nhà trường xuống tay loại bỏ những giáo viên, nhân viên nào chống tiêu cực hoặc lãnh đạo "không ưa".

Giáo viên bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm sẽ bị buộc thôi việc (Ảnh mang tính chất minh họa: TTXVN).

Giáo viên bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm sẽ bị buộc thôi việc (Ảnh mang tính chất minh họa: TTXVN).

Có nhiều lý do để đánh giá giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ

Cô Huệ (công tác tại một trường tiểu học vùng ven thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp tin tưởng và học sinh quý mến.

Không chỉ có vậy, cô Huệ cùng học trò còn tham gia các phong trào và đạt giải như: “Văn hay chữ tốt”, “Thi đua dạy tốt, học tốt” nên nhiều lần được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường.

Thế nhưng, trong buổi họp cuối năm học 2013 – 2014, mọi người bất ngờ khi Phó Hiệu trưởng công bố cô Huệ và 2 đồng nghiệp khác có thâm niên gần 30 năm kinh nghiệm giảng dạy “Không hoàn thành nhiệm vụ” do có vài em học sinh phải thi lại. [1]

Giáo viên sinh con thứ ba, cả hai vợ chồng đều bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ. [2]

Cô giáo Nguyễn Thị Xuyến cho biết, năm học 2019 – 2020 bị xếp loại đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong khi chất lượng giảng dạy của cô đạt hơn 95 % [3].

Có giáo viên lớp chủ nhiệm lớp cuối năm có 2 học sinh bỏ học, nhà trường cũng xếp mức Không hoàn thành nhiệm vụ. [4]

Hay như chuyện cô giáo Hoàn ở Thái Nguyên chống tiêu cực bị nhà trường xếp loại Không hoàn thành nhiệm vụ. Không đồng ý với kết quả trên, cô giáo Hoàn đã khi gửi đơn kiến nghị lên các cấp như huyện, tỉnh và Bộ Giáo dục.

Cho đến khi Bộ Giáo dục vào cuộc yêu cầu làm rõ, cô Hoàn được xếp lại là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Rồi cô giáo Tuất ở Hà Nội cũng đã bị xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ”, không cho đứng lớp cho đến khi câu chuyện được báo chí vào cuộc.

Khi nào giáo viên bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ?

Điều 15 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng thay thế cho Nghị định 56 năm 2015 và các văn bản sửa đổi, bổ sung với những tiêu chí cụ thể như sau:

Với viên chức không phải quản lý, lãnh đạo:

- Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;

- Tiêu chí chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đạt trên 50%;

- Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.

Thế nhưng, ở nhiều trường học hiện nay việc đánh giá xếp loại giáo viên không dựa vào tiêu chí tiến độ, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao…

Giáo viên được xếp loại gì vẫn phụ thuộc hiệu trưởng. Nói là quyết định của ban liên tịch, Hội đồng thi đua của nhà trường nhưng tất cả vẫn là nhìn sắc mặt của người đứng đầu.

Thực tế có trường xếp loại giáo viên dựa vào việc bỏ phiếu hơn là căn cứ các quy định

Rõ ràng, giáo viên phải vi phạm những điều đã quy định ở Nghị định số 90/2020/NĐ-CP mới phải xếp Không hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng vẫn có trường "đẻ" ra đủ quy định và dùng hình thức bỏ phiếu kín để xếp loại giáo viên.

Mục đích của việc bỏ phiếu kín để không vị nể mà đề cao sự khách quan, công tâm trong từng lá phiếu.

Nghe bỏ phiếu kín có vẻ quang minh chính đại, minh bạch lắm nhưng không phải không có trường hợp những lá phiếu tưởng “kín” kia đã bị “gài bẫy”.

Chưa nói đến việc lá phiếu mang nhiều cảm tính đó là sự yêu (sẽ bỏ phiếu thuận) nếu ghét (sẽ gạch tên cho biết) mà bất chấp người đó xứng đáng đến thế nào.

Có nơi, quyền lực, cái uy của hiệu trưởng đang chi phối nhiều đến những lá phiếu kín của người bỏ.

Trước khi tiến hành bỏ phiếu, chỉ cần lượm ý người đứng đầu là biết ngay sẽ bỏ cho ai và gạch tên ai. Để kiểm soát giáo viên khi bỏ phiếu kín, có trường người ta không in tên sẵn trên lá phiếu mà để giáo viên tự ghi (để dễ nhận mặt chữ).

Vì thế, dù có muốn ủng hộ ai đó cũng phải đắn đo vì sợ làm phật lòng người đứng đầu thì tai bay vạ gió sẽ tới lượt mình.

Hiểu rõ điều này, một số hiệu trưởng dùng lá phiếu để thanh lọc giáo viên nên mới có chuyện hội đồng liên tịch bỏ phiếu xếp giáo viên Không hoàn thành nhiệm vụ nhưng khi thanh tra về, cô giáo ấy xứng đáng xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Điển hình như sự việc cô giáo Xuyến ở Thanh Hóa, người đã tố cáo việc nhà trường sửa điểm hàng loạt học sinh.

Sau khi thực hiện bỏ phiếu kín cho hình thức kỷ luật, cô giáo nhận được hơn 2/3 số phiếu buộc thôi việc của hội đồng.

Cô giáo Hoàn ở Thái Nguyên cũng vậy, cô Hoàn cho biết có giáo viên là học trò cũ, có đồng nghiệp là chỗ thân thích nhưng vì cuộc sống, vì chỗ đứng của mình cũng không thể đúng ra bảo vệ cô giáo.

Khi đã bị xếp "Không hoàn thành nhiệm vụ" thì chỉ 2 năm là giáo viên đã bị buộc thôi việc. Đây là kết quả mà chẳng nhiều nhà giáo dám phiêu lưu.

Để tránh việc nhà trường muốn đánh giá giáo viên thế nào cũng được, tránh việc nhà giáo bị xếp loại oan, nhất là những giáo viên luôn biết nói thẳng nói thật, người viết cho rằng, Bộ Giáo dục cũng cần có thêm những quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong việc đánh giá xếp loại giáo viên cuối năm tránh được kiểu xếp loại cảm tính tạo cơ hội cho một số lãnh đạo quản lý trù dập giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://baophapluat.vn/lan-lon-binh-xet-giao-vien-bi-xep-loai-khong-hoan-thanh-nhiem-vu-post189100.html

[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-sinh-con-thu-3-thi-xep-loai-vien-chuc-o-muc-nao-post217994.gd

[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cho-rang-bi-hieu-truong-tru-dap-vi-to-tieu-cuc-1-giao-vien-thanh-hoa-keu-cuu-post218792.gd

[4]https://kienthucluatphap.com/hoc-sinh-bo-hoc-thi-giao-vien-co-bi-xep-loai-khong-hoan-thanh-nhiem-vu-khong.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết