Để xảy ra lạm thu, xử lý hiệu trưởng

14/09/2012 06:41
Hàng năm, cứ vào đầu năm học, nhiều phụ huynh lại thể hiện sự bức xúc đối với tình trạng lạm thu. Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 29 quy định về tài trợ các cơ sở giáo dục nhằm góp phần minh bạch hóa các khoản tài trợ giáo dục. Tuy nhiên, không ít ý kiến lại hoài nghi thông tư này là cách để “hợp thức hóa” các khoản thu vốn được coi là lạm thu lâu nay.

Ngày 13-9, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT đã trao đổi để làm rõ hoài nghi này.

- Phóng viên: Thưa ông, tại sao Bộ GD-ĐT lại ban hành thông tư này ngay khi năm học mới bắt đầu?


Ông Bùi Hồng Quang: Từ trước đến nay, để quản lý tốt vấn đề thu - chi trong trường học, Bộ GD-ĐT đã ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của ban đại diện, các phụ huynh. Bộ cũng quy định rõ những khoản nhà trường, ban đại diện được phép thu và không được thu. Theo đó, những khoản không liên quan đến hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh thì không được thu. Với nhà trường, ngoài học phí và những khoản thu có trong danh mục thì không được thu các khoản khác. Tuy đã có quy định như vậy, nhưng thực tế vẫn có những khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho nhà trường, vì vậy bộ ban hành Thông tư 29 về tài trợ cho các cơ sở giáo dục công lập nhằm giải quyết vấn đề này.

- Thông tư có nội dung cụ thể như thế nào?

Ông Bùi Hồng Quang: Lâu nay các khoản đóng góp tự nguyện bị phản ánh là lạm thu chủ yếu diễn ra ở bậc mầm non, phổ thông tại các thành phố lớn. Vì vậy, thông tư này áp dụng cho tất cả các bậc học từ mầm non đến đại học. Theo đó, tài trợ giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục; các cơ sở giáo dục không coi huy động tài trợ là điều kiện cung cấp dịch vụ giáo dục và không quy định mức tài trợ cụ thể đối với các nhà tài trợ; nhà tài trợ không gắn điều kiện ràng buộc việc tài trợ với việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ các khoản tài trợ cơ sở giáo dục; việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch theo quy định của nhà nước.

- Bộ GD-ĐT nghĩ gì về tình trạng nhiều khoản thu “núp bóng” đóng góp tự nguyện nhưng thực chất là ép buộc, gây bức xúc người dân?

Ông Bùi Hồng Quang: Nguyên tắc chung, khoản thu mang tính chất đóng góp phải tự nguyện. Vì vậy, các địa phương phải chỉ đạo để giám sát, kịp thời chấn chỉnh nếu có vi phạm. Cách làm hiện nay của nhiều nơi lên danh sách các khoản thu, chuyền tay nhau cho phụ huynh ký tên và nộp tiền là không đúng. Bộ GD-ĐT cũng rất trăn trở trước thực tế lạm thu hiện nay, nhưng chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Bộ đang nỗ lực chấn chỉnh lạm thu và mong cả xã hội cùng giám sát.

- Vậy theo ông, thông tư này ra đời có giải quyết được tình trạng lạm thu?

Ông Bùi Hồng Quang: Để giải quyết được phải có nhiều giải pháp. Tuy nhiên, nếu thực hiện triệt để các hướng dẫn bộ đã ban hành sẽ có chuyển biến tốt. Các quy định về thu-chi trong trường học cần được quán triệt đầy đủ đến các trường, các ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh. Phụ huynh phải nắm được điều lệ của ban đại diện, có quyền từ chối các khoản thu không hợp lý, không phải cứ ban đại diện bảo đóng là đóng. Theo tôi, quan trọng nhất là khâu phối hợp kiểm tra của các địa phương.

Vừa qua, bộ đã phối hợp với các tỉnh thành tổ chức các đoàn kiểm tra về lạm thu, nhiều nơi đã phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm, tổ chức trả lại tiền cho học sinh. Bộ đã phân cấp rất rõ cho địa phương trong việc giải quyết vấn đề lạm thu. Sắp tới, Thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra về tình hình lạm thu ở trường học, nhất là ở các địa chỉ mà báo chí đã phản ánh. Việc kiểm tra không chỉ dựa trên báo cáo của trường mà sẽ điều tra ở học sinh, phụ huynh để rõ vấn đề.