Đề xuất bỏ chế độ viên chức suốt đời, giáo viên sẽ khó yên tâm theo nghề

30/05/2019 06:46
Đỗ Thơm
(GDVN) - “Chúng ta muốn thu hút người giỏi theo nghề giáo thì cũng phải xem xét, thảo luận rất kỹ trước khi thông qua đề xuất như vậy", đại biểu Mùa A Vảng nói.

Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức có đề xuất, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2).

Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, phương án này bảo đảm bám sát yêu cầu và thể chế hóa được nội dung của nghị quyết Trung ương, tạo sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm;

Đại biểu Mùa A Vảng. Ảnh: Đỗ Thơm
Đại biểu Mùa A Vảng. Ảnh: Đỗ Thơm

Đồng thời phương án này bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng ký hợp đồng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.

Đề xuất này đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, đặc biệt là giáo viên, những người đa số đang là viên chức.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Mùa A Vảng – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nhận định:

“Đúng là với đề xuất này của dự thảo Luật, giáo viên hoặc người có ý định vào nghề giáo sẽ không yên tâm”.

Đại biểu Mùa A Vảng thông tin thêm, đây là một trong 2 phương án đang được cơ quan soạn thảo trình để Quốc hội cho ý kiến.

“Quốc hội thông qua thế nào thì phải chờ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri góp ý trong quá trình xây dựng hoàn thiện dự án Luật.

Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta sửa đổi và đang chuẩn bị để thông qua dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Trong đó có vấn đề về học phí với sinh viên sư phạm.

Trước đây, sinh viên sư phạm được miễn học phí bây giờ thì hỗ trợ qua gói tín dụng cho người học.

Đó cũng là một vấn đề gây tâm lý cho các bạn có nguyện vọng đi học các trường sư phạm”, đại biểu nêu quan điểm.

Theo đại biểu, tới đây, nếu dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức mà thông qua theo phương án là viên chức chỉ còn chế độ hợp đồng có thời hạn, ông lo ngại khi đó công việc của họ không có gì đảm bảo chắc chắn.

“Chúng ta muốn thu hút người giỏi, tài năng theo nghề giáo thì cũng phải xem xét, thảo luận rất kỹ trước khi thông qua đề xuất như vậy.

Theo tôi, muốn người thực sự giỏi, có tài năng vào công tác ở cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, y tế nếu không có chế độ đãi ngộ xứng đáng, chính sách giúp họ yên tâm gắn bó thì khó thu hút người tài vào.

Người ta giỏi, có năng lực thì sẽ chọn nơi nào có thu nhập, chế độ chính sách tốt nhất”, đại biểu nói.

Đỗ Thơm