Phát biểu thảo luận tại tổ ngày 24/5 về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, đại biểu Đặng Thuần Phong – đoàn Bến Tre bày tỏ băn khoăn về đề xuất bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức.
Đại biểu Đặng Thuần Phong. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu phân tích: “Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức so với Bộ Luật Lao động là luật gốc đang thấy có vấn đề.
Theo phương án này, tôi nhận thấy nó không thống nhất với Bộ Luật Lao động hiện hành. Bộ Luật Lao động quy định là không được ký hợp đồng xác định thời hạn quá hai lần.
Quy định như dự thảo Luật dễ tạo tâm lý không yên tâm cho đội ngũ viên chức mới tuyển dụng”.
Theo đại biểu, ở đây đang có sự mâu thuẫn. Dự thảo Luật có nhấn mạnh đến việc thu hút người tài nhưng quy định này chúng ta lại siết dẫn đến tâm lý bất an.
Đặc biệt là với đội ngũ giáo viên và thầy thuốc chiếm số đông hiện nay chủ yếu là viên chức.
“Họ chọn làm giáo viên. Họ ký hợp đồng lần đầu có thời hạn. Giáo viên làm tốt ký hợp đồng lần hai có thời hạn.
Sau đó, nếu theo Bộ Luật lao động thì sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Họ sẽ an tâm cống hiến cho nghề giáo suốt đời.
Đặc biệt đối với miền núi, vùng sâu vùng xa sẽ khuyến khích họ bám nghề. Nếu chúng ta bỏ quy định này, vài năm lại xét lại thì rất có thể đẻ ra hệ lụy, thậm chí tiêu cực khác.
Chỉ cần Hiệu trưởng, Giám đốc bệnh viện không thích giáo viên này, bác sĩ kia mà có thể loại ra. Nó có thể làm nảy sinh nhiều hệ lụy. Vì thế, chúng ta cần cần cân nhắc kỹ”, đại biểu Phong nói.
Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới trong báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày trước Quốc hội cho biết, tờ trình Chính phủ đề xuất hai phương án.
Phương án 1: tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2).
Dự thảo Luật Chính phủ trình đang thể hiện theo phương án này.
Phương án 2: viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Qua thảo luận, trong Ủy ban Pháp luật có hai loại ý kiến.
Đa số ý kiến tán thành Phương án 1. Phương án này bảo đảm bám sát yêu cầu và thể chế hóa được nội dung của nghị quyết Trung ương, tạo sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm;
Đồng thời phương án này bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng ký hợp đồng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, theo phương án này sẽ tạo ra sự không thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành là không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần; dễ tạo tâm lý không yên tâm cho số viên chức được tuyển dụng mới.
Các ý kiến tán thành phương án này cũng đề nghị làm rõ quy định đối với số viên chức cũ đã tuyển dụng (ký hợp đồng) thì áp dụng như Bộ luật Lao động hiện hành, giữ nguyên hợp đồng dài hạn đã ký.
"Chúng tôi mong lãnh đạo ở Thủ đô nói là làm, đừng hứa suông!" |
Một số ý kiến tán thành Phương án 2.
Phương án này tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ viên chức, bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong quản lý viên chức;
Đồng thời có thay đổi một phần, tạo cơ chế sàng lọc bước đầu, đáp ứng một phần yêu cầu của nghị quyết Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành.
Theo phương án này cần có quy định để đề cao vai trò của người lãnh đạo trong việc lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí công việc; đồng thời, bảo đảm viên chức có thể chấm dứt hợp đồng khi các quyền, lợi ích hợp pháp của mình không được bảo đảm.