Theo đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, hiện có rất nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau như: Xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ)...
Trong đó, phương thức xét tuyển học bạ được nhiều trường đại học đánh giá là “dễ” tuyển sinh nhưng khó đảm bảo tính công bằng. Nguyên nhân là học bạ trung học phổ thông có thể bị can thiệp để “làm đẹp” hơn phục vụ xét tuyển đại học.
Xét tuyển bằng học bạ khó đảm bảo tính công bằng
Để giải quyết tình trạng “làm đẹp học bạ”, đảm bảo tuyển sinh công bằng hơn nhiều trường đại học đã điều chỉnh các phương thức tuyển sinh, bỏ phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập trung học phổ thông, chuyển sang phương pháp đánh giá đa chiều hơn.
Theo phương án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà trường chỉ còn 2% chỉ tiêu xét tuyển thẳng, 18% chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 80% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh riêng.
Như vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã không còn phương thức tuyển sinh bằng học bạ trung học phổ thông. Không chỉ riêng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2024 Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng không xét tuyển bằng học bạ.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Nha Trang cho biết: Năm 2019, nhà trường lần đầu tiên đưa phương thức xét tuyển học bạ vào tuyển sinh. Tuy nhiên, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tuyển sinh bằng học bạ.
"Những năm sau đó Trường Đại học Nha Trang đã ngừng phương thức xét tuyển này bởi mức độ tin cậy không cao. Thực tế, từ kết quả học bạ bậc trung học phổ thông, nhất là kết quả lớp 12, có thể ở một thời điểm, một môn học thí sinh học chưa đều, bên cạnh đó, mỗi trường, mỗi giáo viên, từng vùng miền sẽ có cách đánh giá khác nhau. Việc ghi nhận kết quả học tập khác nhau nên nếu sử dụng kết quả học bạ xét tuyển đại học sẽ tạo ra sự không công bằng", thầy Phương nhấn mạnh.
Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Tuyển sinh đại học thông qua học bạ có thể giúp các trường dễ dàng tuyển sinh nhưng khó đảm bảo công bằng. Hiện nay, chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất và đánh giá của các cơ sở giáo dục khác nhau, có thể học sinh giỏi trường này nhưng so với trường kia lại chưa nổi trội.
Cũng theo thầy Đức, thực tế hiện nay, tỷ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ chiếm phần trăm khá cao. Chính vì thế, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh. Do đó, xét tuyển đại học theo học bạ sẽ có khả năng thiếu chính xác, khách quan và công bằng về học lực, đặc biệt với các ngành hot như: Công nghệ thông tin, Y dược, Kinh tế…
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường) |
Xét tuyển bằng học bạ khiến tỷ lệ ảo tăng cao
Chia sẻ về phương thức xét tuyển học bạ, Tiến sĩ Trần Bá Trình - Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay: Việc xét tuyển bằng học bạ có thể đánh giá một phần năng lực tình hình học tập của học sinh trung học phổ thông. Ngoài học lực 3 năm học (6 học kỳ), học bạ còn phản ánh hạnh kiểm của học sinh. Điều đó có thể đánh giá toàn diện hơn so với các bài thi chỉ tập trung vào kiến thức lớp 12.
Bên cạnh những ưu điểm, theo thầy Trình việc xét tuyển bằng học bạ cũng có một số bất cập gây bất lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh.
“Nhược điểm rõ nhất là tỉ lệ thí sinh ảo nhiều, đặc biệt những sinh viên đặt nguyện vọng cao, nhóm thí sinh xét tuyển học bạ gần như đều đáp ứng các điều kiện khác dẫn đến tỉ lệ thí sinh ảo nhiều. Điều đó khiến trường mất nhiều thời gian để xét duyệt hồ sơ online.
Tuy nhiên sau khi xét thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, nhà trường đợi thí sinh đặt nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thí sinh lại không đặt hoặc đặt thứ tự nguyện vọng thấp dẫn đến tỷ lệ ảo tăng, rất khó để tính toán chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác”, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thông tin.
Tiến sĩ Trần Bá Trình - Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường) |
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giảm 7% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông so với năm 2023.
Công tác tuyển sinh các năm cho thấy, nhóm thí sinh trường chuyên có học lực rất giỏi và hầu hết đáp ứng các điều kiện khác như: có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực… Để tránh hiện tượng thí sinh ảo, nhà trường không tuyển theo điểm học bạ để vừa giảm tỷ lệ ảo vừa không gây ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh.
Thực tế, thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường khác nhau theo hình thức xét tuyển sớm. Điều này cũng có thể dẫn đến tỷ lệ ảo cao cho các trường. Vì vậy, nếu không làm tốt công tác dự báo, đơn vị có thể tuyển sinh thiếu hoặc thừa chỉ tiêu.
Nhiều trường bỏ xét tuyển học bạ, tăng xét tuyển theo kỳ thi riêng
Việc tăng chỉ tiêu xét tuyển đại học căn cứ kết quả kỳ thi riêng và giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ là xu hướng tất yếu để tăng chất lượng đầu vào, giảm tình trạng xét tuyển học bạ tràn lan.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Bá Trình cho biết, các bài thi giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đều được tổ chức một cách minh bạch, công tâm. Bên cạnh đó, nhà trường chỉ xét học bạ với ngành có tỉ lệ cạnh tranh thấp, còn những ngành có tỷ lệ sinh viên đăng kí cao như: Sư phạm Toán, Sư phạm Anh, Sư phạm Văn sẽ không xét tuyển bằng học bạ.
Còn tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Vũ Đình Lê, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm tư vấn tuyển sinh cho biết: Để đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như công tác tuyển sinh, nhà trường chỉ dùng kết quả học bạ làm tiêu chí phụ trong điều kiện xét tuyển chứ không xét tuyển học bạ theo một phương thức riêng.
Thầy Lê cũng cho biết thêm, năm 2023, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh không xét tuyển bằng phương thức học bạ. Nhà trường chỉ sử dụng 2 phương thức xét tuyển là xét tuyển thẳng và xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Xét học bạ là một trong các tiêu chí xét tuyển của đối tượng 2 (thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tiếng Anh/ hoặc tiếng Pháp/ hoặc tiếng Nhật) và đối tượng 3 (thí sinh học tại các trường trung học phổ thông chuyên, năng khiếu và các trường trung học phổ thông có điểm trung bình trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất theo danh sách các trường trung học phổ thông thuộc diện được ưu tiên xét tuyển sớm năm 2024 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Do đó, thí sinh cần phải thuộc một trong hai hoặc cả hai đối tượng 2 và 3 mới có thể nộp học bạ để xét tuyển vào đại học tại trường. Trong đợt tuyển sinh năm 2024, nhà trường cũng áp dụng các phương thức này và hạn chế xét tuyển học bạ.
Thạc sĩ Vũ Đình Lê, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường) |
Chia sẻ về giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào khi tuyển sinh đại học, Tiến sĩ Trần Bá Trình bày tỏ: Nhà trường cần công bố chỉ tiêu cũng như các phương thức xét tuyển trước khi bắt đầu tuyển sinh. Bên cạnh công bố những chỉ tiêu chung trường cần công bố sớm chỉ tiêu cho từng khu vực xét tuyển. Từ đó, người học có thể đánh giá được cơ hội vào các ngành để lựa chọn.
Cũng theo thầy Trình, các trường top đầu có thể đưa ra đề án tuyển sinh riêng với một số quy định nghiêm ngặt hơn để lọc thí sinh như: Tăng chỉ tiêu cho các phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông…
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức cho rằng về lâu dài rất cần các trường đại học chủ động đổi mới tuyển sinh đầu vào đại học một cách căn bản toàn diện, đáp ứng được yêu cầu để người học có thể theo học tốt ở bậc đại học.