Đề xuất mức hỗ trợ kinh phí nấu ăn được quy định theo mức lương tối thiểu vùng

23/07/2023 06:46
Trịnh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo đó, cô Hiền đề xuất người đứng đầu cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm về kết quả xét duyệt học sinh DTTS được hưởng hỗ trợ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (gọi tắt là Dự thảo).

So với Nghị định 116/2016/NĐ-CP, Dự thảo này có nhiều thay đổi, bổ sung hỗ trợ trẻ em, học sinh, học viên và các cơ sở giáo dục ở địa phương đặc biệt khó khăn.

Hội đồng xét duyệt nên được giao về cơ sở giáo dục

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Đọc Dự thảo, tôi thấy có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là thêm đối tượng hỗ trợ trẻ em nhà trẻ bán trú. Điều này thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với trẻ em dân tộc thiểu số.

Đối với học sinh, tại điều 4 của Dự thảo đã thêm đối tượng được hưởng hỗ trợ là học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn đang học tại trường phổ thông thuộc xã khu vực I.

Bởi có những xã trước đây thuộc khu vực II, khu vực III, sau khi xây dựng nông thôn mới đã trở thành xã khu vực I, nhưng trong các xã này vẫn còn những thôn đặc biệt khó khăn”.

Chương trình hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam dành cho học sinh tại huyện Bắc Quang, Hà Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chương trình hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam dành cho học sinh tại huyện Bắc Quang, Hà Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Điều 6 của Dự thảo quy định, mỗi trẻ nhà trẻ được hỗ trợ tiền ăn bữa chính, bữa phụ là 360.000 đồng/tháng.

Theo cô Hiền, với 22 ngày học mỗi tháng, mỗi trẻ nhận được hỗ trợ hơn 16.000 đồng/ngày học. Đây được xem là mức hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Mục trên cũng quy định cụ thể mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng tiền ăn là 900.000 đồng và tiền nhà ở là 360.000 đồng. Đây là điểm mới, bởi Nghị định 116 năm 2016 quy định mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng tiền ăn bằng 40% và tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở.

Với một số ý kiến cho rằng nên tiếp tục áp dụng mức hỗ trợ tính theo mức lương cơ sở, cô Hiền bày tỏ quan điểm: “Nếu áp dụng mức hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà ở tính theo % mức lương cơ sở, thì mức hỗ trợ tiền ăn bằng 50% mức lương cơ sở, tiền nhà ở bằng 20% mức lương cơ sở sẽ phù hợp hơn.

Vì khi mức lương cơ sở tăng thì các chi phí khác cũng đều tăng, nếu vẫn giữ ở mức hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở theo Nghị định 116 thì hơi thấp so với nhu cầu thực tế hiện nay”.

Ngoài ra, vị Trưởng phòng cũng có góp ý về Hội đồng xét duyệt hưởng chính sách được quy định tại điều 3 khoản 8 của Dự thảo.

Theo đó, đối với cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, Hội đồng xét duyệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập.

Đối với trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, Hội đồng xét duyệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập.

Cô Hiền nêu suy nghĩ: “Tôi nghĩ việc thành lập Hội đồng xét duyệt nên được giao về các cơ sở giáo dục. Mỗi cơ sở giáo dục thành lập một Hội đồng xét duyệt.

Người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả xét duyệt và danh sách học sinh được hưởng hỗ trợ.

Như vậy, sẽ tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị trường học trong quá trình xét duyệt và thực hiện chi trả chế độ chính sách cho học sinh”.

Hoạt động ngoại khóa của học sinh tiểu học tại huyện Bắc Quang, Hà Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoạt động ngoại khóa của học sinh tiểu học tại huyện Bắc Quang, Hà Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Hiền mong muốn Dự thảo sẽ được sớm được hoàn thiện, triển khai trên thực tế và khắc phục những vướng mắc của quy định hiện hành.

Với đối tượng được hưởng, điều kiện được hưởng và mức hưởng có nhiều điểm tiến bộ, đây sẽ là điều kiện tốt cho học sinh dân tộc thiểu số các cấp được tham gia học tập mà không bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng xã, huyện nông thôn mới.

Mức hỗ trợ kinh phí nấu ăn vẫn còn thấp

Cũng bày tỏ ý kiến về Dự thảo, thầy Châu Ngọc Vĩnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Là người công tác lâu năm ở miền núi, hiểu được hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh dân tộc thiểu số nên khi nhận được Dự thảo mới tôi rất ủng hộ.

Đặc biệt là nội dung trong Dự thảo bổ sung đối tượng được hưởng chính sách là trẻ nhà trẻ. Khi có thêm hỗ trợ từ Chính phủ, việc học tập của các em sẽ ổn định và bền vững hơn”.

Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Nam Giang, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam

Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Nam Giang, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam

Theo thầy Vĩnh, hiện trẻ em mầm non là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Giang được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định 105 ngày 8/9/2020 của Chính phủ và theo Quyết định số 2223/QĐ-UBND ngày 6/8/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam với số tiền được hỗ trợ mỗi trẻ là 160.000 đồng/tháng/9 tháng.

Với định mức trên cho 22 ngày học/tháng, mỗi em chỉ được hưởng hơn 7.000 đồng/ngày nên các trường khó khăn trong việc cân đối chi tiêu để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho các em.

Huyện miền núi biên giới Nam Giang có 11 xã và 1 thị trấn. Trong đó 11 xã đặc biệt khó khăn, dân cư chủ yếu là người đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng.

Điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên các trường không nhận được đóng góp từ phụ huynh mà dựa hoàn toàn vào hỗ trợ ngân sách nhà nước.

Nếu được hưởng thêm mức hỗ trợ như trong Dự thảo là 360.000 đồng/tháng, thầy Vĩnh hy vọng chất lượng bữa ăn của các em sẽ được nâng lên, giúp cải thiện thể trạng, chiều cao, cân nặng cho các em.

Hiện nay tại địa phương, các học sinh vẫn còn nhiều thiệt thòi so với nông thôn và thành thị, nhiều em bị thấp còi, suy dinh dưỡng.

Vị Trưởng phòng cũng có ý kiến về khoản 2, điều 7 trong Dự thảo. Theo đó, trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú theo định mức là 2.700.000 đồng/tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức.

Trường hợp cơ sở giáo dục có số lượng dưới 30 học sinh thì được tính bằng một định mức.

Theo thầy Vĩnh, đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh, lao động nấu ăn tại trường phải vất vả chuẩn bị 3 bữa ăn trong ngày từ sáng sớm tới tối muộn.

Do đó, mức hỗ trợ như trên là thấp. Thầy đề xuất mức hỗ trợ kinh phí nấu ăn nên được quy định theo mức lương tối thiểu vùng để nhân viên nấu ăn an tâm công tác, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương.

Trịnh Trang