Kiến nghị học sinh DTTS có học lực Khá trở lên cũng được khen thưởng

15/07/2023 06:36
Vân Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số mục trong dự thảo vẫn cần bổ sung, điều chỉnh do sai sót thông tin và chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (gọi tắt là dự thảo).

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên.

Bản dự thảo được đánh giá là kịp thời để đảm bảo cuộc sống cho trẻ em, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) - thầy Nguyễn Văn Trường bày tỏ: "Những thay đổi, bổ sung trong dự thảo là phù hợp, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần quan trọng đạt mục tiêu trước mắt và lâu dài phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, ven biển và hải đảo".

Bên cạnh đó, thầy Trường cũng chỉ ra một số mục trong dự thảo vẫn cần bổ sung, điều chỉnh do sai sót thông tin hoặc chưa sát với tình hình thực tế.

Thứ nhất trong dự thảo tại điểm d, khoản 2, Điều 6 về mức hưởng chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên có nêu: "Học sinh, học viên năm cuối cấp trung học phổ thông được hưởng chính sách quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều này ...". Thông tin này là chưa chính xác vì khoản 1, Điều 6 không có các điểm a, b, c.

Điều này cần được chỉnh sửa lại là "Học sinh, học viên năm cuối cấp trung học phổ thông được hưởng chính sách quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều này ..."

Thứ hai về nội dung khen thưởng trong dự thảo quy định học sinh đạt danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" được thưởng 800.000 đồng/học sinh; học sinh đạt danh hiệu "Học sinh Giỏi" được thưởng 600.000 đồng/học sinh.

Vị Hiệu trưởng kiến nghị bổ sung thêm đối tượng học sinh không đạt "Học sinh Xuất sắc"/"Học sinh Giỏi" nếu đạt kết quả học tập và rèn luyện từ Khá trở lên thì được thưởng 200.000 đồng/học sinh. Nếu được, việc này sẽ khuyến khích, tạo động lực cho các em cố gắng học tập, rèn luyện.

Thứ ba nên chuyển hỗ trợ thành 80% mức lương cơ sở thay vì ghi cố định một con số cụ thể ở các mục hỗ trợ cho học sinh liên quan đến chăn, màn, các đồ dùng cá nhân và ở nội dung liên quan đến quần áo đồng phục, học phẩm. Hiện tại cả hai mục đều có kinh phí dự kiến là 1.080.000 đồng/học sinh.

Thứ tư điều chỉnh bổ sung phù hợp thực tiễn hơn ở mục hỗ trợ chi phí tàu xe. Cụ thể, học sinh được cấp tiền tàu xe 2 lần mỗi năm học vào dịp Tết nguyên đán và dịp nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về) theo giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng.

Trong trường hợp không có phương tiện giao thông công cộng thì tiền tàu xe được tính theo quãng đường và giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh. Hoặc nhà trường hợp đồng thuê xe, phân công giáo viên đưa học sinh về các địa phương theo dự toán hàng năm.

Thứ năm cấp kinh phí để tổ chức khám sức khỏe hằng năm cho học sinh, lập tủ thuốc dùng chung cho khu nội trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu ban đầu với mức là 270.000 đồng/học sinh/năm học; mua bảo hiểm y tế cho học sinh với mức kinh phí bằng 4,5% mức lương cơ sở/01 học sinh/01 tháng; được hưởng 12 tháng/năm.

Thứ sáu bổ sung thêm khoản hỗ trợ tiền vệ sinh môi trường và men vi sinh xử lý các bể tự hoại, đường ống thoát nước thải, phun thuốc diệt ruồi muỗi, phòng chống dịch bệnh với mức 250.000 đồng/01 học sinh/năm học.

Thứ bảy thay đổi mức hỗ trợ gạo bằng kinh phí tương đương để các trường tự chủ động mua gạo theo giá cả thị trường.

Theo thầy Trường, quy định về việc cơ sở giáo dục trực tiếp tiếp nhận gạo hỗ trợ có trách nhiệm bảo quản an toàn về số lượng, chất lượng đối với số gạo được tiếp nhận; chịu mọi trách nhiệm trong việc quản lý, bảo quản không an toàn dẫn đến gạo bị hư hỏng, giảm chất lượng, không đảm bảo đủ số lượng gạo đã tiếp nhận là không phù hợp với thực tiễn, không khả đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Bởi lẽ, các trường không có kho chuyên dụng đủ lớn, thiết bị đảm bảo bảo quản gạo an toàn và chất lượng trong điều kiện môi trường nhiệt đới nóng ẩm.

Giả sử 01 trường phổ thông dân tộc nội trú có 500 học sinh, mỗi em được hỗ trợ 15kg gạo/tháng. Số lượng gạo sẽ là 7.500 kg/1 tháng và 33.750 kg/1 kỳ học. Nếu chia ra 02 lần thì mỗi lần trường học tiếp nhận 16.875 kg.

Với số lượng gạo như vậy, ước tính cần có 01 nhà kho xây dựng kiên cố với diện tích tối thiểu 35 m2 và đầy đủ thiết bị bảo quản, khi đó gạo mới đạt tiêu chuẩn, chất lượng.

Cùng chung lo ngại về chất lượng gạo, Phó hiệu trưởng phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bắc Yên (tỉnh Sơn La), thầy Bạc Văn Ân cho biết:

"Việc dự kiến bổ sung thêm học sinh nội trú được hưởng gạo 15kg/tháng vào Nghị định là chính sách đúng đắn của Nhà nước, nhằm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, đa số các em được phát gạo nhưng không sử dụng đến", thầy thông tin.

Ngoài ra, thầy Ân cũng cho hay học bổng của học sinh nội trú hiện tại được hưởng theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP.

Theo Nghị định 84, học bổng chính sách được cấp đủ 12 tháng/năm, số năm học được hưởng chính sách không được vượt quá số năm hoặc số học kỳ tối đa để hoàn thành chương trình đào tạo tương ứng với các ngành học theo quy định. Riêng đối với năm học cuối được hưởng theo số tháng thực học.

Học sinh khối 12 đến tháng 5 hàng năm đều hoàn thành chương trình học nhưng các em vẫn phải ở lại trường ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, vị Hiệu trưởng mong muốn bổ sung riêng đối tượng các em học sinh lớp 12 được hưởng học bổng đến khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp.

Theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP, các học bổng khuyến khích học tập gồm:

Học bổng loại khá: Mức học bổng bằng hoặc cao hơn mức trần học phí hiện hành của ngành, chuyên ngành, nghề mà học sinh, sinh viên đó phải đóng tại trường do hiệu trưởng hoặc giám đốc quy định (sau đây gọi chung là hiệu trưởng) đối với học sinh, sinh viên có điểm trung bình chung học tập và điểm rèn luyện đều đạt loại khá trở lên. Đối với các trường tư thục mức học bổng tối thiểu do hiệu trưởng quy định.

Đối với những ngành nghề đào tạo không thu học phí thì áp dụng theo đơn giá được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cho nhóm ngành đào tạo của trường;

Học bổng loại giỏi: Mức học bổng cao hơn loại khá do hiệu trưởng quy định đối với học sinh, sinh viên có điểm trung bình chung học tập đạt loại giỏi trở lên và điểm rèn luyện đạt loại tốt trở lên;

Học bổng loại xuất sắc: Mức học bổng cao hơn loại giỏi do hiệu trưởng quy định đối với học sinh, sinh viên có điểm trung bình chung học tập và điểm rèn luyện đều đạt loại xuất sắc;

Điểm trung bình chung học tập và điểm rèn luyện quy định tại các mức học bổng loại khá, loại giỏi, loại xuất sắc được xác định theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trong đó điểm trung bình chung học tập để xét học bổng theo quy định tại Nghị định này được tính từ điểm thi, kiểm tra hết môn học lần thứ nhất.

Vân Ánh