Mới đây, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội đã ban hành Công văn số 1609/XHNV-ĐT về việc thực hiện tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ trong tổ chức đào tạo đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo đó, Nhà trường cho rằng ban hành công văn này là dựa vào công văn 4116 của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Công văn số 1609/XHNV-ĐT của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn |
Công văn số 4116/ĐHQGHN-ĐT của Đại học Quốc gia Hà Nội |
Theo quy định trước đây của trường, sinh viên muốn tốt nghiệp phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ từ 6.5 trở lên nhưng theo quy định mới, nếu sinh viên không phải năm cuối dù đã đạt 6.5 vẫn phải thi thêm chứng chỉ chuẩn đầu ra.
Xung quanh vấn đề này, phản ánh tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội tỏ ra rất bất ngờ trước sự thay đổi của nhà trường.
Bạn Hoàng Q. (sinh viên năm 3) cho biết: "Em cảm thấy lo lắng với quyết định thay đổi chuẩn đầu ra ngoại ngữ của trường. Đầu năm nhất, do kì thi khảo sát ngoại ngữ đầu vào em không đạt nên em phải học tiếng Anh tăng cường sau đó học lên Ngoại ngữ khoa học xã hội và nhân văn 1, Ngoại ngữ khoa học xã hội và nhân văn 2, rồi Ngoại ngữ khoa học xã hội và nhân văn 3 (B1).
Em đã hoàn thành cả 3 học phần đó và thi đạt 6.5, xét theo quy chế cũ em đã đủ điểm để xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ nhưng theo quyết định mới em phải học và thi thêm chứng chỉ mới đủ điều kiện ra trường”.
Cùng tâm trạng này, sinh viên Trần Ngọc H. (sinh viên năm 3) chia sẻ: “Khi đạt 6.5 em học xong cứ chắc chắn rằng đã đạt yêu cầu chuẩn đầu ra, giờ nhà trường mới thông báo áp dụng thông tư, quy định mới.
Mục đích của em đăng kí học ngoại ngữ tại trường để thuận lợi hơn trong công tác xét chuẩn đầu ra nhưng giờ phải đăng kí thi thêm một lần nữa. Học hệ chất lượng cao mất 17.290.000 đồng/ 19 tín chỉ và mất thời gian 3 kỳ tới trường học tiếng Anh nhưng bây giờ lại yêu cầu thêm chứng chỉ".
"Nếu trường thông tin rõ ràng ngay từ đầu thì em đã đi học ở bên ngoài để lấy chứng chỉ về phủ điểm cho cả môn tiếng Anh B1 và đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra. Giờ em lại phải mất thêm tiền, thời gian, để học thêm", H. cho biết.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, sinh viên cần hiểu rằng thông báo điều chỉnh của nhà trường là theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội, căn cứ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cô Hương cho hay, theo quy định mới, minh chứng cho chuẩn đầu ra phải được chuẩn hóa bằng chứng chỉ chứ không phải là chứng nhận xét tương đương theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
“Muốn có chứng chỉ, buộc các em phải thi để lấy. Các sinh viên vượt qua học phần ngoại ngữ trong chương trình học của trường không có nghĩa đã đảm bảo năng lực đạt B1, mà phải trải qua một kỳ thi nữa. Việc này áp dụng với sinh viên toàn quốc, chứ không phải chỉ riêng sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, hay sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn”, Phó Giáo sư Hương bày tỏ.
Theo đó, cô Hương cũng nhìn nhận phần lỗi của nhà trường trong công tác truyền thông khi gửi công văn qua email cho sinh viên mà không giải thích thấu đáo cho sinh viên hiểu.
“Nhà trường đã gửi thông tin qua hệ thống email cho sinh viên từ tháng 1/2022, tất cả sinh viên đều đã nhận được thông tin. Thế nhưng do nhà trường gửi nguyên công văn đính kèm nên có thể sinh viên không mở công văn ra hoặc đọc công văn mà không hiểu”.
Về ý kiến có thiệt thòi cho sinh viên đang học tại trường hay không khi theo quy định cũ sinh viên học xong và thi trên 6.5 là đạt chuẩn đầu ra nhưng theo quy định mới thì phải thi thêm một lần nữa để lấy chứng chỉ thì cô Hương cho rằng, các học phần ngoại ngữ nằm trong khung chương trình đào tạo và là quy chế đã được công bố ngay từ đầu và có học ở đâu thì cũng phải chi trả học phí và lệ phí để thi lấy chứng chỉ. Sinh viên cần nhận thức rằng học là một chuyện, còn thi để lấy chứng chỉ là một việc khác. Ví dụ dù các em có học TOEFL, IELTS,... ở đâu thì cuối cùng vẫn phải đi thi lấy chứng chỉ.
Theo đó, cô Hương đồng cảm với những lo lắng của sinh viên cũng như những khó khăn trong quy định mới về chuẩn đầu ra ngoại ngữ, nhưng khó khăn này là khó khăn chung và việc có ngoại ngữ tốt cũng là một điều kiện thuận lợi để các em có công việc tốt sau này.
Trước đây, chuẩn đầu ra ngoại ngữ của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn được xác định bằng 1 trong 2 hình thức.
Hình thức thứ nhất, sinh viên có thể theo học tại trường với 3 học phần ngoại ngữ tương đương chuẩn đầu ra B1 gồm Ngoại ngữ khoa học xã hội và nhân văn 1, Ngoại ngữ khoa học xã hội và nhân văn 2 và Ngoại ngữ khoa học xã hội và nhân văn 3. Khi thi kết thúc học phần Ngoại ngữ khoa học xã hội và nhân văn 3 nếu sinh viên đạt từ 4.5 trở lên là đạt và từ 6.5 trở lên hoàn thành yêu cầu chuẩn đầu ra B1.
Hình thức thứ hai là các sinh viên có thể chọn học, thi tiếng Anh ở bên ngoài, nếu chứng chỉ đáp ứng sẽ được nhà trường công nhận.
Nhưng mới đây theo Công văn số 4116/ĐHQGHN-ĐT, sinh viên không thuộc diện năm cuối (đã học và thi kết thúc học phần ngoại ngữ theo Hướng dẫn 297/HD-ĐHQGHN) vẫn cần thi chứng chỉ đạt yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Theo đó, toàn bộ sinh viên năm cuối của trường đã học và đạt học phần ngoại ngữ theo Hướng dẫn 297/HD-ĐHQGHN, sẽ xét tốt nghiệp năm nay đúng hạn như các năm trước. Các sinh viên năm hai, năm ba, chưa ra trường năm nay nhưng đã hoàn thành 3 học phần ngoại ngữ tại trường phải tiếp tục thi để hoàn thiện chứng chỉ theo yêu cầu mới đề ra.