Đi thực tế từ năm nhất, sinh viên ĐH Hòa Bình “rộng cửa” vào thị trường lao động

11/06/2022 07:20
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguyễn Thị Vân cho biết, được đi thực tập, thực tế trong suốt 4 năm học đại học, bản thân em cảm thấy mình trưởng thành hơn, tiếp cận được nhiều cơ hội việc làm.

Xu hướng chung của đào tạo bậc đại học trên thế giới hiện nay là đẩy mạnh hợp tác giữa giáo dục và thực tiễn doanh nghiệp. Trong xu thế chung đó, Trường Đại học Hòa Bình ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tạo điều kiện để giảng viên, sinh viên của trường tham gia nhiều hơn vào các dự án thực tế tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chuyên gia ở các doanh nghiệp sẽ tham gia tư vấn và cùng nhà trường xây dựng chương trình giáo dục theo hướng hiện đại. Doanh nghiệp cũng tham gia vào quá trình giảng dạy theo định hướng thực hành, thực nghiệp. Đó là cách nhà trường tạo sự khác biệt, có một hướng đi mới trong công tác đào tạo ngành du lịch.

Thực hành tại doanh nghiệp, được đào tạo bài bản về kỹ năng nghiệp vụ

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về hành trình học tập của mình, Nguyễn Thị Vân, sinh viên năm cuối chuyên ngành Lữ hành - Trường Đại học Hòa Bình cho biết, em đã được nhà trường tạo điều kiện để đi thực tế, kiến tập từ năm nhất.

Nguyễn Thị Vân (bên trái) sinh viên năm cuối chuyên ngành Lữ hành - Trường Đại học Hòa Bình. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Thị Vân (bên trái) sinh viên năm cuối chuyên ngành Lữ hành - Trường Đại học Hòa Bình. (Ảnh: NVCC)

Nhờ vậy, từ những ngày đầu, Vân đã có những hiểu biết sâu sắc và định hướng rõ về ngành học của mình. Được làm quen, học tập tại một môi trường làm việc chuyên nghiệp và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, sinh viên được rèn luyện, trau dồi nhiều kỹ năng làm việc.

“Trong 4 năm học, em được thử sức ở những vị trí công việc khác nhau, môi trường làm việc khác nhau, ví dụ như làm về dịch vụ lưu trú, dịch vụ điều hành tour,...

Được trải nghiệm thực tế, em càng có nhiều hứng thú, yêu thích ngành nghề mình theo học, càng trở nên tự tin hơn, chủ động trong xử lý công việc.

Năm đầu tiên em thực tập tại khách sạn Luxury (Bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa), chúng em được thực tập từ không gian buồng phòng, không gian bếp, bộ phận lễ tân,... Em cảm thấy mình trở thành một con người đa năng, luôn sẵn sàng với mọi nhiệm vụ”, Vân cho biết.

Năm thứ hai, Nguyễn Thị Vân được thực hành điều hành tour, phụ đoàn dẫn tour, học tập làm hướng dẫn viên, tham gia tổ chức các chương trình, sự kiện.

Năm thứ ba, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các sinh viên được tạo điều kiện để thực tập online, sau đó được sắp xếp thời gian thực tập bổ sung tại doanh nghiệp. Năm cuối, Vân tham gia thực tập tại khách sạn Venus Tam Đảo.

Nguyễn Thị Vân cho biết, 4 năm học tập tại trường và tại các doanh nghiệp đã giúp mình trở nên vững vàng, tự tin. (Ảnh: NVCC)
Nguyễn Thị Vân cho biết, 4 năm học tập tại trường và tại các doanh nghiệp đã giúp mình trở nên vững vàng, tự tin. (Ảnh: NVCC)

“Em cảm thấy may mắn vì nhờ thực tập nhiều mà bản thân đã học hỏi được rất nhiều kỹ năng nghiệp vụ trong nghề, như nghiệp vụ của một hướng dẫn viên, từ lúc lên xe, chào đoàn, giao phòng, thông báo lịch trình, lúc xuống xe, xếp phòng cho khách,...

Chỉ có đào tạo thực tế tại doanh nghiệp mới giúp em học hỏi nhanh, tích lũy kinh nghiệm, tiếp thu kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ bài bản.

Hiện tại, em đang làm cộng tác viên hướng dẫn tour cho một số công ty du lịch, hành trang 4 năm học tập tại trường và tại các doanh nghiệp đã giúp em hôm nay trở nên vững vàng, tự tin, vận dụng những gì mình được học cho công việc hiện tại”, Vân chia sẻ.

Rộng cửa” bước vào thị trường lao động

Lê Thị Huế, sinh viên năm cuối chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường Đại học Hòa Bình cũng cho biết, bản thân được học hỏi rất nhiều từ những chuyến đi thực tế, thực tập tại doanh nghiệp.

Thực tập từ năm nhất giúp em và các bạn mở rộng kiến thức về ngành nghề, học hỏi các anh chị trong ngành để nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Huế đã được học các nghiệp vụ như điều hành khách sạn, sale tour, hướng dẫn viên du lịch,...

Được trải nghiệm nhiều tại các doanh nghiệp, Lê Thị Huế đã được học các nghiệp vụ như điều hành khách sạn, sale tour, hướng dẫn viên du lịch,... (Ảnh: NVCC)

Được trải nghiệm nhiều tại các doanh nghiệp, Lê Thị Huế đã được học các nghiệp vụ như điều hành khách sạn, sale tour, hướng dẫn viên du lịch,... (Ảnh: NVCC)

“Năm nhất, em được trải nghiệm, học nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng, bếp.

Năm thứ hai, em được tiếp cận với doanh nghiệp về lữ hành, khi đó em được học các chương trình về điều hành tour, được trải nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch.

Năm thứ ba, em được trải nghiệm bên mảng sale tour và các bộ phận của khách sạn.

Qua từng năm, việc thực hành thực tế tại những môi trường làm việc khác nhau giúp em học hỏi, trau dồi bản thân để trưởng thành hơn.

Điều quan trọng là sau khi thực tập tại các doanh nghiệp đối tác của nhà trường, chúng em có nhiều cơ hội việc làm hơn. Nhiều công ty du lịch, lữ hành, khách sạn đều có lời mời sinh viên ở lại làm việc, trở thành nhân viên chính thức của công ty”, Huế cho biết.

Hiện tại, Lê Thị Huế đang là nhân viên sale tour của công ty ANZ travel. Nữ sinh cho biết môi trường giáo dục, cách thức đào tạo của Trường Đại học Hòa Bình có nhiều điểm đặc biệt. Nếu thông thường sinh viên chỉ được kiến tập, thực tập từ năm 3, năm 4 thì sinh viên Đại học Hòa Bình được thực tập trong cả 4 năm học.

Cũng nhờ vậy, khi tốt nghiệp và ra trường, hầu hết sinh viên đều nhanh chóng tìm kiếm được việc làm phù hợp, không bị bỡ ngỡ trong những ngày đầu bước vào thị trường lao động.

Huế cho rằng, khi theo đuổi ngành du lịch, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà trường, bản thân mỗi sinh viên cũng cần phải có tinh thần chủ động trong học tập, tự rèn luyện bản thân, tìm mọi cơ hội để có nhiều trải nghiệm ngành nghề và tiến xa hơn trên con đường mình đã chọn.

Chia sẻ về hành trình học tập của mình, Trần Thị Hoàng Ly, sinh viên năm cuối Khoa Du lịch Trường Đại học Hòa Bình cho biết, khi nhà trường gia tăng những tiết thực hành bên ngoài tại doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc, ngày càng thích ứng tốt với môi trường lao động, giúp sinh viên sau khi ra trường không bị bỡ ngỡ, đồng thời có nhiều kinh nghiệm hơn để áp dụng vào công việc thực tiễn sau này.

Sau 4 năm học, Hoàng Ly cho biết bản thân đã thuần thục các thao tác nghiệp vụ du lịch. (Ảnh: NVCC)

Sau 4 năm học, Hoàng Ly cho biết bản thân đã thuần thục các thao tác nghiệp vụ du lịch. (Ảnh: NVCC)

Hoàng Ly cho biết, mỗi năm học, em đều có những chuyến đi thực tế, kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp trong ngành du lịch. Năm thứ ba do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sinh viên được tạo điều kiện thực tập dồn vào năm cuối.

Năm thứ nhất và năm hai, Hoàng Ly kiến tập tại nhà hàng khách sạn, học các kỹ năng về lễ tân, nhà hàng, về buồng phòng, những ngành nghề trong khách sạn.

“Năm cuối, em thực tập trên khách sạn Venus Tam Đảo, thực tập tại các vị trí của khách sạn. Em kết hợp lên công ty du lịch học cách sale tour, học tập để tạo nên một sản phẩm tour, lên kế hoạch tour cho phù hợp với từng lịch trình tour.

Được các thầy cô trong Khoa Du lịch tạo điều kiện cho sinh viên đến doanh nghiệp để tăng cường đào tạo thực tế, phần nào giúp chúng em vừa học tập, rèn luyện kỹ năng nghề, vừa tạo các mối quan hệ với các cơ sở doanh nghiệp để tạo cơ hội việc làm sau này.

Bản thân được tiếp xúc, làm quen nhiều với doanh nghiệp nên kinh nghiệm của em cũng được tích lũy từng ngày, em mạnh dạn hơn và gần như thuần thục các thao tác nghiệp vụ du lịch. Như vậy, bằng năng lực của chính mình mà chúng em có thể thử sức với những công việc trong ngành nghề mình học, được nhận vào làm tại các doanh nghiệp ngay sau khi thực tập”, Hoàng Ly chia sẻ.

Linh Trang