Trường ĐH Hòa Bình: Đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp trong đào tạo ngành Logistics

15/03/2022 07:00
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường ĐH Hòa Bình đổi mới phương thức đào tạo, tăng cường đào tạo quốc tế, liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Logistics vừa là một khoa học, vừa là một lĩnh vực - ngành dịch vụ mũi nhọn tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hiện nay, nguồn nhân lực Logistics ở nước ta không chỉ thiếu hụt về số lượng mà cả về chất lượng; công tác đào tạo nguồn nhân lực Logistics đòi hỏi phải tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Nguồn nhân lực làm việc trong ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cần được đào tạo một cách có hệ thống và phải được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên ngành và các kỹ năng cần thiết.

Điều này đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục, phải luôn cập nhật, đổi mới đào tạo nguồn nhân đáp ứng được thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và khi mà chuyển đổi công nghệ số không chỉ là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp và cả nền kinh tế Việt Nam.

Sinh viên theo học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Hòa Bình được đào tạo theo định hướng ứng dụng. (Ảnh: NVCC)

Sinh viên theo học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Hòa Bình được đào tạo theo định hướng ứng dụng. (Ảnh: NVCC)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long – Trưởng bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Hòa Bình cho biết, thực tế nguồn nhân lực cho ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam đang thiếu và yếu. Vì vậy, đây đang là ngành học “hot” và khát nhân sự chất lượng cao trong thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai.

Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành dịch vụ mang tính chuyên nghiệp cao nên nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này cần được đào tạo một cách có hệ thống. Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế. Kiến thức cơ bản về kinh tế học; tiếng Anh chuyên ngành; Kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên sâu về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Trường Đại học Hòa Bình luôn xác định mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng chất lượng cao. (Ảnh: NVCC)

Trường Đại học Hòa Bình luôn xác định mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng chất lượng cao. (Ảnh: NVCC)

Đặc biệt, sinh viên theo học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Hòa Bình được đào tạo theo định hướng ứng dụng; được thực tập tại các doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh dịch vụ Logistics; tạo điều kiện phát triển tư duy sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp, khả năng thành công và thăng tiến trong công việc.

Theo đó, sinh viên theo học cần phải đáp ứng được yêu cầu chuẩn đầu ra về trình độ đào tạo theo quy định của chương trình đào tạo, có kỹ năng mềm, có thái độ ham mê đối với công việc của ngành được học.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng sẽ có nhiều cơ hội việc làm khác nhau, như làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước các cấp liên quan đến hoạch định chính sách Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học; các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; các doanh nghiệp Logistics vận tải đường biển, đường bộ, đường thủy, đường hàng không và doanh nghiệp chuyển phát nhanh;…

Đào tạo kỹ năng mềm gắn với nghề, năng lực số, ngoại ngữ

Từ khi mở ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Hòa Bình luôn xác định mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập toàn cầu sâu rộng.

Nhà trường chú trọng đào tạo cho sinh viên hoàn thiện kỹ năng mềm gắn với nghề, tạo nên một môi trường năng động để sinh viên phát triển toàn diện về kỹ năng cũng như năng lực chuyên môn ngành.

Trường Đại học Hòa Bình liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. (Ảnh: NVCC)

Trường Đại học Hòa Bình liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, sinh viên nhà trường cũng được học tập trải nghiệm tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ hai để tìm hiểu, làm quen với công việc của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

“Chúng tôi đang đẩy mạnh mô hình hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành Logistics để tạo cơ hội cho các em được giao lưu học hỏi, tham quan thực tế, khảo sát nắm bắt kiến thức chuyên môn và cơ hội thực tập nhằm nâng cao năng lực chuyên môn.

Sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp chính là mô hình đào tạo mới – định hướng ứng dụng, có hiệu quả trong chiến lược nâng cao chất lượng đầu ra của giáo dục đại học.

Đào tạo thực tế trải nghiệm tại doanh nghiệp giúp sinh viên hiểu sâu về ngành nghề mình theo học, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, hình thành kỹ năng nghề và rèn luyện thành thạo những kỹ năng đó.

Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thay đổi từng ngày, nhằm thích ứng và đón đầu những nhu cầu của công nghệ số tại các doanh nghiệp thì sinh viên được bước vào môi trường doanh nghiệp giúp các em chủ động, linh hoạt ứng phó với các tình huống thực tế”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long cho biết.

Tiến sĩ Long cũng cho biết, chương trình đào tạo Logistics và quản lý chuỗi cung ứng được xây dựng dựa trên chuẩn chương trình và thực hiện theo định hướng ứng dụng đảm bảo chất lượng; đáp ứng trong thời đại công nghệ 4.0 như là số hóa, tự động hóa, điện khí hóa… Trường Đại học Hòa Bình luôn cập nhật nội dung đào tạo, giúp sinh viên hình thành các kỹ năng mới, đặc biệt sinh viên được đào tạo bài bản về kỹ năng công nghệ, kỹ năng số.

Nhà trường cũng chú trọng đến vấn đề hội nhập quốc tế cho sinh viên. Chương trình đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng chú trọng về ngoại ngữ với các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh.

Sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp chính là mô hình đào tạo mới, nâng cao chất lượng đầu ra. (Ảnh: NVCC)

Sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp chính là mô hình đào tạo mới, nâng cao chất lượng đầu ra. (Ảnh: NVCC)

Nhờ vậy, sinh viên sau khi ra trường vừa có năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề cộng với thế mạnh ngoại ngữ để hòa nhập vào thị trường lao động nhanh chóng.

“Trường Đại học Hòa Bình với mô hình đào tạo kết hợp với doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Đối với ngành Logistics, chúng tôi cũng đa dạng hóa trong phương thức, tổ chức đào tạo, tăng cường đào tạo quốc tế, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để sinh viên am hiểu thực tế vận hành chuỗi cung ứng.

Ngoài những kỹ năng nền tảng của nghề, Nhà trường còn chú trọng đào tạo, trang bị thêm cho các em các kỹ năng mềm; đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng số để tự tin cất cánh ước mơ của mình”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long khẳng định.

Cơ hội phát triển của ngành Logistics

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long cho biết, nền kinh tế của nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Hội nhập quốc tế đưa ngành Logistics vươn lên phát triển nhanh chóng và trở thành ngành kinh tế đóng góp ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của nước ta.

Quyết định 200/QĐ-TTg, ngày 14/2/2017 và Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã xác định “Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và phát triển kinh tế- xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”; với mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics và GDP đạt từ 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%- 20%.

Ngày nay, Logistics đã hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. Trong khi, nguồn nhân lực có trình độ đại học còn thiếu nhiều. Điều đó, tạo cơ hội việc làm rất lớn cho sinh viên ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng khi ra trường.

Nguồn nhân lực Logistics ở Việt Nam hiện nay đúng là được nhận định “thiếu về số lượng, yếu về chất lượng”. Theo thông tin của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm khoảng 18.000 nhân sự trong 3 năm tới; các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cần hơn 1 triệu nhân sự có chuyên môn cao về logistics.

Theo Hiệp hội giao nhận Kho vận Việt Nam (VLA), lao động cho ngành logistics hiện nay mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu; nhiều khâu trong hoạt động logistics đòi hỏi lao động mang tính chuyên nghiệp cao, nhưng hiện nay vẫn còn thiếu lao động được đào tạo một cách có hệ thống và được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên sâu về logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Từ thực tiễn có thể thấy, với xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành học chiếm nhiều ưu thế trong tương lai, cơ hội việc làm cho sinh viên theo học ngành này luôn rộng mở với đa dạng vị trí việc làm .
Phạm Minh