Cho tới nay, công cuộc chấn chỉnh và siết chặt việc dạy thêm học thêm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra hơn 1 năm nay.
Trong suốt hơn 1 năm vừa qua, các cấp lãnh đạo của thành phố, các quận huyện đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo về việc này, trong đó luôn nhấn mạnh rằng, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm khắc, nếu phát hiện việc dạy thêm học thêm được tổ chức không đúng theo quy định hiện hành.
Tại rất nhiều cuộc họp về giáo dục, lẫn các cuộc họp chuyên đề về dạy thêm học thêm, một quan điểm thống nhất luôn được đặt ra là sẽ không nhân nhượng với các trường hợp dạy thêm học thêm trái phép, có các biểu hiện tiêu cực.
Song song đó, tại rất nhiều văn bản, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu, các địa phương tuyệt đối không để xảy ra việc dạy thêm trái phép trên địa bàn do mình quản lý.
Đây có thể coi là một thông điệp rõ ràng, thiết thực nhất để thể hiện việc, thành phố Hồ Chí Minh kiên quyết chống lại các hoạt động dạy thêm học thêm trái phép, không đúng quy định và có biểu hiệu tiêu cực.
Không cần phải nói nhiều, có lẽ ai cũng sẽ hiểu rằng, việc dạy thêm học thêm trái phép, không được quản lý, tràn lan sẽ đem lại những hậu quả khó lường, mà trước hết người gánh chịu nó sẽ là các em học sinh, những người đi học thêm hàng ngày.
Chính vì thế, quan điểm xử lý nghiêm khắc những hoạt động dạy thêm trái phép sẽ làm vui lòng biết bao nhiêu phụ huynh, học sinh ở tại một đô thị lớn nhất nước.
Thế nhưng, nói là vậy, nhưng thực tế lại diễn ra hoàn toàn trái ngược đến không thể ngờ được.
Thời gian qua, từ sự cung cấp thông tin của người dân sinh sống tại địa phương, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng loạt bài phản ánh về tình trạng các cơ sở, trung tâm dạy thêm, rèn chữ tồn tại, hoạt động đã đến vài năm, nhưng hoàn toàn không có giấy phép.
Trung tâm rèn chữ Nét Hoa khi vẫn còn bảng hiệu, chưa bị xử lý đình chỉ hoạt động (ảnh: P.L) |
Đó là Trung tâm rèn chữ Nét Hoa (đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình). Chị Hoa, chủ Trung tâm có lần đã giải thích với phóng viên: Trung tâm đã hoạt động được gần 3 năm nay.
Bị gỡ bảng hiệu, Trung tâm rèn chữ Nét Hoa vẫn ngang nhiên hoạt động |
Địa phương (phường 1) cũng có lần đi ngang qua (buổi sáng), nhưng thấy cửa Trung tâm đóng suốt (không hoạt động buổi sáng), nên cũng ít có vô kiểm tra.
Và cứ như thế, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm trôi đi, tới nay, Trung tâm này đã hoạt động mà không cần có bất cứ tờ giấy phép nào làm cơ sở pháp lý.
Chỉ đến khi có sự vào cuộc xác minh của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tâm mới tạm thời đóng cửa để bổ sung giấy phép.
Điều đáng nói, Trung tâm này chỉ cách trụ sở của phường dưới 500m, chỉ mất khoảng 5 phút chạy xe gắn máy.
Đó là cơ sở dạy thêm Bảo Nhi (đường Tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân).
Cho dù đây là cơ sở được quận Bình Tân cấp giấy phép (dạy thêm cấp trung học cơ sở), nhưng qua sự cung cấp thông tin từ phía người dân, hàng ngày, vẫn có hàng chục học sinh tiểu học vào đây học thêm với giáo viên (thuê phòng).
Giáo viên thuê phòng dạy cho học sinh tiểu học ở cơ sở dạy thêm Bảo Nhi (ảnh: P.L) |
Khi phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đến làm việc với chính quyền địa phương về cơ sở này, thì được một vị lãnh đạo phường cho biết, cơ sở này có trong danh sách đi kiểm tra, nhưng đầu năm học, bận nhiều thứ nên chưa thể đi kiểm tra được.
Điều đáng nói là cơ sở Bảo Nhi chỉ cách trụ sở của phường dưới 5 phút đi bộ. Thật khó tưởng tượng được, với khoảng cách như vậy, trong một thời gian dài mà địa phương không thể nắm được tình hình hoạt động của cơ sở Bảo Nhi diễn ra như thế nào.
Một cơ sở dạy thêm tồn tại không phép nhiều năm ở quận Phú Nhuận |
Có thể kể đến lớp học gia đình (thực chất là cơ sở dạy thêm, quy mô 50, 60 học sinh) đặt tại hẻm 215 đường Huỳnh Văn Bánh, phường 12, quận Phú Nhuận.
Lớp học này ban đầu chỉ vài học sinh theo học. Dần dần quy mô được nâng lên hơn rất nhiều so với lúc ban đầu, tồn tại cũng đã vài năm nay, mà cũng không có bất cứ tờ giấy phép nào trong tay.
Chỉ đến khi có thông tin của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, phường 12 – quận Phú Nhuận mới nắm được đây là cơ sở dạy thêm không có phép hoạt động, dù rằng vị trí từ phường tới cơ sở này cũng chỉ mất khoảng 3 phút đi xe gắn máy.
Theo một vị chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục tại thành phố Hồ Chí Minh, việc có hàng loạt trung tâm, cơ sở dạy thêm không phép, mà vẫn tồn tại được nhiều năm nay, thì cần phải xem lại năng lực quản lý của chính quyền địa phương sở tại.
Vị này nói rằng, các trung tâm, cơ sở dạy thêm vài ba tầng lầu, quy mô đến vài chục học sinh, chứ không phải là cái gì đó nhỏ nhắn bỏ trong túi áo, mà có thể dễ dàng qua mặt được chính quyền địa phương cơ sở, chỉ trừ khi họ quản lý lỏng lẻo.
Chỉ một vài ví dụ kể trên cũng đủ để thấy rằng, chính quyền ở các địa phương hiện nay đang quản lý công tác dạy thêm học thêm trên địa bàn quá lỏng lẻo, và đó cũng là cơ hội cho các trung tâm, cơ sở dạy thêm “mọc” lên nhan nhản như hiện nay.
Sai thì phải dừng hoạt động, chứ chưa xử lý gì gọi là nghiêm khắc, theo kiểu giơ cao mà chẳng đánh, chỉ xử lý nghiêm trên giấy là một thực trạng của việc xử lý dạy thêm học thêm trái phép trong thời gian vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, với việc xem dạy thêm học thêm là mặt hàng kinh doanh đem lại lợi nhuận quá cao, thì làm sao tránh khỏi trường hợp các trung tâm luôn cố tình vi phạm, còn đối tượng chính là các em học sinh thì mãi mãi vẫn không thể nào thoát được cảnh phải bị o ép đi học thêm, ngoài giờ chính khóa.
Vị chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nói trên đặt vấn đề: Cứ quản lý như vậy, thành phố Hồ Chí Minh làm sao dẹp được vấn nạn dạy thêm học thêm trái phép?