Điểm cao sát ngày mới nộp hồ sơ, điểm “vùng nguy hiểm” biết chạy đi đâu?

13/08/2015 07:22
Thùy Linh
(GDVN) - Thời gian nộp, rút hồ sơ nguyện vọng 1 đang vào giai đoạn nước rút, thí sinh điểm cao mới bắt đầu nộp khiến nhiều thí sinh từ "an toàn" thành "nguy hiểm".

Hết 20/8 là thời gian nộp hồ sơ kỳ tuyển sinh Đại học nguyện vọng 1 kết thúc. Đến nay nhiều thí sinh đạt điểm cao vẫn “găm” hồ sơ để nghe ngóng thông tin trong khi đó thí sinh có mức điểm thấp lại lo đi rút hồ sơ, chuyển ngành. 

Thí sinh Nguyễn Thị T. ở Yên Thành, Nghệ An cho biết, em được 25 điểm khối C có nguyện vọng nộp hồ sơ vào Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, sáng 11/8, T. đã đi rút hồ sơ.

T. tâm sự: "Hàng ngày, em liên tục cập nhật thông tin trên trang web của trường, xem thứ tự của mình thì thấy có nhiều bạn có điểm ngang bằng nhưng các bạn có điểm khu vực và điểm ưu tiên cao, em thấy không còn cơ hội nên đi rút hồ sơ về nộp trường khác”. 

Trong khi đó, đến nộp hồ sơ tại Đại học Điện lực vào sáng 11/8, thí sinh H. quê ở Hải Phòng với số điểm 22,5 và được cộng điểm ưu tiên lên tới 3,5 điểm. Khi được hỏi tại sao đến bây giờ mới nộp hồ sơ, thí sinh T. rất tự tin nói: “Với số điểm này (giơ giấy báo điểm) thì có khi nào em trượt được không?”. 

Thử hỏi, nếu các thí sinh có điểm cao cứ giữ hồ sơ đến thời điểm này hoặc sát ngày mới nộp hồ sơ thì các thí sinh điểm thấp sẽ như thế nào?

Do nguyện vọng 1 chiếm tới 70% chỉ tiêu tuyển sinh. Chính vì vậy nếu thí sinh trượt nguyện vọng 1 thì sang nguyện vọng 2 số lượng hồ sơ ảo rất lớn bởi một thí sinh có tới 3 giấy nguyện vọng bổ sung và có thể nộp cùng một lúc nên sẽ gây hoang mang cho các em. 

Điểm cao sát ngày mới nộp hồ sơ, điểm “vùng nguy hiểm” biết chạy đi đâu? ảnh 1
Điểm cao sát ngày mới nộp hồ sơ, điểm “vùng nguy hiểm” biết chạy đi đâu? (Ảnh: laodong.com.vn)

Bên cạnh những thí sinh “ém” hồ sơ đợi sát ngày mới nộp thì những ngày qua việc rút hồ sơ và chuyển nguyện vọng xuất hiện ồ ạt vì nhận thấy có nguy cơ rơi vào “vùng không an toàn” sau khi trường cập nhật danh sách vị trí thí sinh đăng ký xét tuyển được tính toán trên cơ sở các thí sinh đã đăng kí xét tuyển. 

Ví dụ, mấy ngày gần đây ngành Toán học của Đại học Sư phạm Hà Nội cũng có lượng thí sinh điểm cao nộp vào nhiều. Cụ thể, theo chỉ tiêu ngành ngày tuyển 140 chỉ tiêu và thí sinh xếp thứ 140 tính đến ngày 8/8 là 21 điểm, thì đến sáng 11/8 đã là 25 điểm.

Hơn nữa, do nhiều thí sinh đã hiểu không đúng về danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển của từng ngành. Theo danh sách, mỗi thí sinh có thể xuất hiện ở 4 ngành khiến thí sinh khi nhìn vào cảm thấy lo lắng, khó phân biệt thật, ảo. 

Bởi quy định của nguyện vọng 1, mỗi thí sinh có 4 ưu tiên được xếp từ 1 đến 4 để nộp hồ sơ xét tuyển vào 1 trường Đại học. Chính con số “ảo” này đã khiến nhiều thí sinh hiểu đó là danh sách đăng kí xét tuyển vào trường.

Thí sinh Văn Anh Thư – nộp hồ sơ vào ngành kế toán doanh nghiệp 30 chỉ tiêu của Đại học Điện lực cho biết: "Do khi cập nhật thì thấy toàn bộ danh sách các thí sinh dự tuyển, qua quá trình tự lọc hồ sơ một cách thủ công và thấy nhiều bạn điểm cao nên em đến rút hồ sơ". 

Thí sinh Văn Anh Thư – nộp hồ sơ vào ngành kế toán doanh nghiệp 30 chỉ tiêu của Đại học Điện lực
Thí sinh Văn Anh Thư – nộp hồ sơ vào ngành kế toán doanh nghiệp 30 chỉ tiêu của Đại học Điện lực

Tuy nhiên, khi đến rút được chuyên viên tư vấn tuyển sinh hướng dẫn cũng như cho xem bảng thứ tự thì Anh Thư nằm ở vị trí 15 của khoa tính tới thời điểm đó. Với vị trí đó Anh Thư quyết định không rút nữa. Em cho rằng danh sách trên sẽ bị đảo lộn nếu vài ngày tới các bạn điểm cao nộp vào. Khi đó em sẽ xem xét để kịp nộp sáng Đại học Mỏ - Địa chất. 

Trong khi đó, một phụ huynh ở Hà Tây cùng con lên Đại học Sư phạm Hà Nội nộp hồ sơ trong tình trạng đầy đắn đo, lo lắng: 

Cháu được 24,75 khối A. Gia đình và cháu muốn học hệ dân sự của Học viện Quân y. Tuy nhiên, do trường Quân y lấy 400 chỉ tiêu nhưng hiện tại mới có 200 hồ sơ mà tình trạng cập nhật thông tin của trường chậm quá nên gia đình hoang mang không biết có nên nộp hay không? 

Vì sợ rằng, mai kia nhiều thí sinh của Đại học Y Hà Nội rút hồ sơ về nộp tại đó. Lúc đó mình muốn rút thì không biết có kịp nữa không nên hôm nay (11/8) đành mang hồ sơ lên nộp vào khoa Hóa của Đại học Sư phạm qua 3 ngày thấy không ổn thì chuyển phát nhanh về Đại học Y Thái Bình xem sao?

Nói thực, kiểu xét tuyển này chẳng biết điểm thế nào thì đỗ, điểm thế nào thì trượt, cứ chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia. Lao lực mất
”. 

Kết quả đỗ, trượt sẽ thay đổi 180 độ nếu những thí sinh điểm cao cứ đợi sát ngày hết hạn mới nộp hồ sơ khi đó thí sinh điểm thấp hơn sẽ trượt Đại học hoặc phải chờ nguyện vọng bổ sung. 

Một bạn đọc từ địa chỉ phamngoctoan197279@gmail.com mạnh dạn gửi ý kiến đến tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam như một gợi ý nhằm hướng giải quyết tình trạng “vỡ trận” rút hồ sơ những ngày cuối với nội dung như sau: 

Theo tôi, chốt hạn nộp hồ sơ nguyện vọng 1 là ngày 20/8. Nhưng sau đó 1 ngày Bộ GD&ĐT bắt buộc các trường phải thông báo danh sách. Tiếp đó cho thí sinh thời gian 3 ngày để các em có thể thay đổi nguyện vọng, rút hồ sơ kịp thời nộp các trường khác. 

Vậy là thí sinh có 4 ngày để thay đổi cuộc đời. Đến ngày 30/8 các trường công bố nguyện vọng bổ sung”.
 
“Một số trường Đại học như Y Hải Phòng, Hải Dương cập nhật danh sách hồ sơ xét tuyển ai cũng hiểu. Trong khi trường Đại học Y Thái Nguyên xử lý danh sách cứ như người mới học vi tính
”, bạn đọc phàn nàn thêm. 

Như vậy, đã đến lúc các Nhà trường, nhà quản lý giáo dục cần nhìn nhận thực trạng để có biện pháp tốt nhất nhằm tăng cơ hội trúng tuyển Đại học, Cao đẳng cho các thí sinh. 

Thí sinh có 3 cách để rút hồ sơ xét tuyển như sau:

1. Thí sinh phải đến trực tiếp trường để rút hồ sơ, thí sinh phải mang theo chứng minh thư nhân dân.

2. Hoặc viết giấy ủy quyền (bằng văn bản) cho người thân đến trường rút hồ sơ (Người được ủy quyền phải mang theo giấy tờ ủy quyền có xác nhận của ủy ban nhân dân hoặc công an địa phương kèm theo chứng minh nhân dân của mình)

Thí sinh xin rút hồ sơ đăng ký xét tuyển phải nộp đơn xin rút hồ sơ xét tuyển theo mẫu.

Một số giấy tờ cần mang thêm do đặc thù quy định mỗi trường để tránh mất thời gian các em cần chuẩn bị.

- Đối với thí sinh phải nộp tại trường thì đem biên lai đóng lệ phí và giấy biên nhận để rút hồ sơ,

- Đối với thí sinh nộp qua đường bưu điện phải có giấy báo phát (hóa đơn chuyển hồ sơ xét tuyển do bưu điện cung cấp khi gửi hồ sơ) trường mới trả hồ sơ 

3. Thí sinh có thể rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng 1 tại trường phổ thông

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh, nhất là thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT), Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT phối hợp với các trường ĐH, CĐ tiếp tục cho thí sinh đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.

Cụ thể như sau: Thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT và nộp vào trường khác sẽ trực tiếp rút hồ sơ tại trường theo quy định hoặc có thể tới sở GD&ĐT địa phương hoặc các trường THPT do sở GD&ĐT quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT.

Thùy Linh