Năm 2021 được xem là một năm học thật đặc biệt chưa từng xảy ra trong lịch sử của ngành giáo dục Việt Nam. Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch Covid bùng phát dữ dội trước thời điểm kết thúc năm học 2020 ở nhiều địa phương trong cả nước.
Khai giảng online (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Lao động thủ đô) |
Toàn ngành thực hiện nhiệm vụ kép
Học sinh được nghỉ hè sớm, nhiều trường học đã không kịp kết thúc năm học trực tiếp mà tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Chưa bao giờ học sinh lại có một kỳ nghỉ hè dài đến như vậy. Toàn ngành giáo dục gồng mình thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch an toàn, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Giáo viên được huy động cùng với ngành y tế tham gia các điểm test Covid, tiêm vắc-xin, làm tình nguyện viên mua đồ giúp dân, tiếp tế đồ ăn, thức uống cho các khu vực cách ly.
Cùng với đó, các trường học lên kế hoạch sẵn sàng dạy học trong bối cảnh dịch bệnh vẫn ngày một diễn biến phức tạp.
Linh hoạt trong việc tổ chức dạy học mùa dịch
Năm học mới đến nhưng nhiều địa phương vẫn không thể tựu trường. Lần đầu tiên nhiều tỉnh thành trong cả nước phải tổ chức lễ khai giảng online.
Bộ Giáo dục đã rất linh hoạt, phát huy tinh thần chủ động của các địa phương bằng việc giao quyền điều tiết thời gian năm học một cách linh động.
Từng sở giáo dục cũng để mỗi địa phương tự đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có kế hoạch tổ chức năm học một cách hiệu quả và an toàn nhất.
Đó là việc, vừa dạy trực tiếp trong thế sẵn sàng nếu phát sinh dịch bệnh sẽ chủ động chuyển sang trực tuyến và khi địa bàn trở lại vùng xanh lại trở về dạy học trực tiếp.
Cùng lúc, kết hợp nhiều hình thức dạy học vừa dạy online, dạy học trên truyền hình, gửi bài trên zalo, email, giao bài tại nhà… với quyết tâm không để học sinh nào ở lại phía sau.
Đồng hành cùng học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn
Việc dạy và học trực tuyến gặp không ít khó khăn như nhiều địa phương chưa có internet, đường truyền chậm, học sinh nghèo, khó khăn không có phương tiện theo học.
Bao khó khăn do dịch Covid đem lại, nhiều gia đình cạn kiệt kinh tế khi liên tục bị phong tỏa vì dịch, khó khăn lại chồng khó khăn ngỡ không thể triển khai hình thức học trực tuyến.
Bộ Giáo dục đã phát động phong trào “Sóng và máy tính cho em”, nhằm huy động mọi nguồn lực trong toàn xã hội chung tay ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập cho những học sinh nghèo, khó khăn.
“Chương trình “Sóng và máy tính cho em” hướng tới phủ sóng 100% toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến.
Dự kiến huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc; hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thực hiện học trực tuyến.
Miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; Miễn phí 100% cước Internet di động khi sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến.
Kho học liệu của Bộ đang được bổ sung bài giảng, học liệu và kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước”.[1]
Các địa phương đều hưởng ứng lời kêu gọi tổ chức quyên góp trong toàn ngành. Hàng trăm thiết bị được trao tận tay những học sinh cần giúp đỡ.
Giáo viên vừa dạy vừa học
Không chỉ lo cho việc học của các em, mỗi giáo viên cũng bắt đầu vừa dạy, vừa học để nâng cao trình độ công nghệ thông tin để những bài dạy hấp dẫn học sinh hơn. Chưa bao giờ, tinh thần học tập của giáo viên lại trở nên sôi nổi như vậy.
Giáo viên lớn tuổi học giáo viên trẻ, người rành công nghệ chỉ người mới biết sơ sơ. Những lớp tập huấn tại trường tại phòng cũng liên tục được mở để hỗ trợ các thầy cô.
Những cuộc thi thiết kế giáo án, bài giảng hay để bổ sung vào kho học liệu của Bộ Giáo dục với mục đích kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước.
Tại thời điểm này, một số địa phương vừa sơ kết giữ kỳ 1, đã có những địa phương sơ kết học kỳ 1 với chất lượng giáo dục khá khả quan.
Năm 2021 sắp qua đi, nhìn lại chặng đường vừa qua của ngành giáo dục cũng có sự tự hào. Toàn ngành đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại về cả vật chất, tinh thần, điều kiện thực hiện để thích ứng, duy trì tốt việc dạy và học. Cùng với đó, là việc đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục đã có bước chuyển dài chưa từng có.
Có thể thấy, không thách thức nào là không thể vượt qua, không khó khăn nào không thể thực hiện. Toàn ngành vẫn đang nỗ lực hết mình trong các nhiệm vụ giáo dục. Hơn lúc nào hết, giáo dục vẫn đang rất cần sự chia sẻ, chung tay của toàn xã hội.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://laodong.vn/thoi-su/phat-dong-chuong-trinh-song-va-may-tinh-cho-em-se-ho-tro-cho-15-trieu-hoc-sinh-952815.ldo
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.