Điểm trúng tuyển dưới 20, lương 15 triệu/tháng, ngành Cơ khí vẫn khó tuyển sinh

13/07/2023 06:40
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở một số trường đại học, cao đẳng, các ngành đào tạo về cơ khí vẫn khó thu hút sinh viên dù điểm trúng tuyển chỉ dưới 20 điểm.

Công tác tuyển sinh của một số ngành đào tạo về cơ khí gặp nhiều khó khăn dù điểm trúng tuyển chỉ dưới 20 điểm do học sinh có xu hướng chọn những ngành thời thượng như: tài chính, ngân hàng, ngoại ngữ, du lịch, kinh tế…

Bàn về thực trạng công tác tuyển sinh và đào tạo ngành Cơ khí, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Vũ Dũng – Phó Trưởng khoa Khoa Cơ khí, Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghiệp cho biết, Khoa Cơ khí (tiền thân là Khoa Cơ điện) đào tạo 3 chuyên ngành gồm: Công nghệ chế tạo máy, Máy và cơ sở thiết kế máy, Kỹ thuật đo và gia công thông minh.

Những năm gần đây, điểm trúng tuyển của các ngành học này chỉ từ 16-18 điểm. Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa là 150 sinh viên.

Sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 trong tiết thực hành vận hành máy CNC. (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 trong tiết thực hành vận hành máy CNC. (Ảnh: website nhà trường).

Theo thầy Vũ Dũng thông tin, Khoa Cơ khí có truyền thống đào tạo lâu năm nhưng hiện nay tuyển sinh còn khó hơn nhiều so với ngành Ô tô dù mới mở, vì nhu cầu người học thay đổi. Vậy nên, trong công tác tuyển sinh đại học, Khoa Cơ khí không chỉ phải giải quyết vấn đề làm thế nào để thu hút sinh viên, mà còn phải cạnh tranh với những ngành học mới, hot.

“Hàng năm, khảo sát trong 1-2 tháng đầu sau khi tốt nghiệp cho thấy, tỉ lệ sinh viên Khoa Cơ khí có việc làm đúng ngành đạt 40-45%. Còn trong khoảng từ 6 tháng – 1 năm, đa số sinh viên của Khoa đều tìm được việc làm đúng chuyên ngành.

Thu nhập của người lao động ngành Cơ khí cũng tùy theo năng lực tay nghề của mình. Cụ thể, những sinh viên ra trường có tay nghề tốt, khi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ có mức thu nhập ổn định (trên dưới 15 triệu đồng/tháng), và nhiều cơ hội phát triển. Nhưng cũng có sinh viên đi làm cơ khí thu nhập chỉ từ 7-10 triệu đồng/tháng”, thầy Vũ Dũng chia sẻ.

Tình trạng ngành học khó tuyển sinh hiện đã được Khoa nhận diện và cơ sở đào tạo cũng có nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút thí sinh. Thầy Vũ Dũng cũng cho biết, trước đây, Khoa chủ yếu giảng dạy kiến thức lý thuyết. Hiện, Khoa đào tạo theo định hướng ứng dụng, đổi mới chương trình 2 năm/lần.

Trong đó, Khoa đặt mục tiêu liên kết với các doanh nghiệp để sinh viên thực tập, thực hành cuối khóa, cuối kỳ; đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, máy móc hiện đại phục vụ quá trình học tập. Khoa tạo điều kiện cho sinh viên được làm quen với máy móc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để các em tự điều chỉnh, phát triển bản thân, chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

"Khoa Cơ khí tập trung nâng cao số lượng và năng lực trình độ của đội ngũ giảng viên. Đơn cử, những năm đầu mới thành lập, Khoa chỉ có 1-2 giảng viên trình độ tiến sĩ. Đến nay, Khoa có tổng 35 cán bộ giảng viên, trong đó có 10 giảng viên trình độ tiến sĩ, còn lại là trình độ thạc sĩ.

Cũng nhờ đó, việc mở ngành đào tạo có phần thuận lợi hơn. Năm 2023, trường mở mới ngành đào tạo trình độ Thạc sĩ Công nghệ kỹ thuật Cơ khí. Tuy nhiên, số lượng học viên đăng ký chưa nhiều”

_Tiến sĩ Phạm Vũ Dũng_

Về học bổng dành cho sinh viên Khoa Cơ khí, theo thầy Vũ Dũng, những sinh viên có điểm trúng tuyển đầu vào cao; sinh viên có điểm rèn luyện, thành tích học tập tốt trong các kỳ học sẽ được nhận học bổng (tùy từng mức: Xuất sắc, giỏi…) của trường. Đây cũng là một cách để Khoa khuyến khích và thu hút sinh viên vào học.

Cùng chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Anh Dũng – Trưởng khoa Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 cho biết, Khoa Cơ khí của trường hiện đang đào tạo các ngành như: Chế tạo thiết bị cơ khí, Cắt gọt kim loại (CNC), Công nghệ Hàn, Lắp đặt thiết bị cơ khí… Trung bình mỗi năm, Khoa có tổng hơn 380 chỉ tiêu tuyển sinh. Đặc biệt có năm, Khoa tuyển được hơn 500 chỉ tiêu.

“Hiệu quả công tác tuyển sinh của Khoa cơ bản giữ ổn định trong những năm gần đây. Trang thiết bị của trường nói chung và của Khoa nói riêng được đầu tư đầy đủ, lắp đặt hiện đại theo tiêu chuẩn của Đức. Đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn giảng dạy tốt. Chương trình đào tạo được cập nhật từ thực tiễn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước”, thầy Anh Dũng chia sẻ.

Kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhất là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc,... khiến nhu cầu về lao động trong ngành Cơ khí rất lớn. Song, thực tế vẫn có một số trường đại học, cao đẳng đang "than" khó tuyển sinh các ngành đào tạo về cơ khí.

Thầy Anh Dũng nêu quan điểm, nhìn chung, các ngành đào tạo về cơ khí hiện chưa được nhiều người quan tâm và lựa chọn, nhất là người có năng lực giỏi, điểm xét tuyển cao.

Nguyên nhân là bởi người học sợ phải đi làm các công việc nặng nhọc, độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chưa kể, có nhiều lĩnh vực ngành nghề lao động nhẹ nhàng hơn hoặc được ngồi văn phòng có điều hòa, quạt mát, không phải tiếp xúc, vận hành máy móc nặng nhọc như ngành cơ khí… Thêm nữa, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực cơ khí hiện nay không quá cao so với mặt bằng chung.

“Sinh viên ngành Cắt gọt kim loại của Khoa vừa được miễn học phí, vừa được nhận học bổng mà tuyển sinh còn khó khăn chứ chưa kể đến việc sinh viên học ngành Cơ khí ở một số trường đại học phải đóng học phí.

Do vậy, để tăng số lượng người học đối với ngành Cơ khí, theo tôi, ngoài miễn giảm học phí, cần có thêm các chính sách về học bổng, chế độ phúc lợi từ các doanh nghiệp và đơn vị tài trợ. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng nên xây dựng và triển khai chính sách đặt hàng đối với cơ sở giáo dục đào tạo về ngành Cơ khí", thầy Anh Dũng chia sẻ.

Chia sẻ thêm về chế độ chính sách cho sinh viên Khoa Cơ khí của Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 hiện nay, theo thầy Nguyễn Anh Dũng, để thu hút sinh viên vào học, những năm qua, một số tổ chức doanh nghiệp quốc tế (ví dụ như Đức), và doanh nghiệp trong nước có nhu cầu đặt hàng đào tạo với Khoa đều đã hỗ trợ cho sinh viên từ 3-5 triệu/sinh viên/tháng.

Ngọc Mai