Điểm trường lẻ nhiều nơi chưa có điện, sóng điện thoại khiến GV khó khăn bộn bề

11/09/2022 06:51
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù các điểm trường lẻ nằm rải rác, chưa có điện, giáo viên mầm non vẫn nỗ lực bám bản, ngày đi làm, tối vận động phụ huynh cho con đến trường. 

Việc xoá bỏ các điểm trường lẻ phải phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo nhu cầu và quyền lợi của học sinh từng địa phương. Có nhiều điểm trường lẻ dù chưa có điện, chưa có sóng điện thoại nhưng vẫn không thể tiến hành đưa học sinh về trường chính, dẫn tới khó đảm bảo chất lượng dạy học cho năm học mới.

Điểm trường lẻ từ 20-30 em nhưng chỉ có 1 giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trịnh Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Giác (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) cho biết, đối với nhà trường, việc sáp nhập tất cả các điểm lẻ về 1 điểm trường chính gặp nhiều khó khăn.

Cô Trịnh Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Giác, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. (Ảnh: NVCC).

Cô Trịnh Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Giác, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. (Ảnh: NVCC).

“Trường Mầm non Trà Giác nằm ở khu vực miền núi, gồm 230 em với mô hình 9 lớp ở 7 điểm trường. Trong đó, có 3 lớp ở điểm trường chính và 6 điểm trường lẻ nằm rải rác ở các thôn, bản.

Trong số 6 điểm trường lẻ có 3 điểm nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, giao thông chưa đầu tư, thiếu cơ sở vật chất và đặc biệt là chưa có điện, sóng điện thoại”, cô Trịnh Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Giác chia sẻ.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Giác, năm học 2022-2023, ở các điểm trường lẻ, không có bán trú, chỉ có 1 giáo viên/lớp. Còn trường chính, có bán trú, với 2 giáo viên/lớp. Song, con số này là chưa đủ định mức giáo viên/lớp theo quy định.

“Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói riêng và toàn ngành giáo dục tỉnh nói chung, chủ trương đưa học sinh về trường chính đã được chú trọng triển khai.

Khi sáp nhập điểm lẻ về duy nhất 1 điểm trường chính thì giáo dục sẽ tập trung, giáo viên không phải đi xa, phân tán. Nhưng, qua quá trình rà soát, trường khó thực hiện việc sáp nhập các điểm trường. Bởi:

Thứ nhất, đặc thù địa hình vùng núi, giao thông đi lại hạn chế, các thôn, bản cách xa nhau nên có các điểm trường lẻ để rút ngắn quãng đường học sinh đến trường.

Thứ hai, gộp điểm trường lẻ sẽ thuận lợi cho giáo viên dạy tập trung nhưng đồng nghĩa quãng đường phụ huynh, học sinh đến trường xa hơn, vất vả hơn.

Nói vậy để thấy rằng, dù các điểm trường lẻ gặp khó khăn về giao thông, cơ sở hạ tầng, thiếu cơ sở vật chất, chất lượng dạy học hạn chế nhưng vẫn không thể sáp nhập về trường chính”, cô Trịnh Thị Liễu chia sẻ về những khó khăn.

Theo cô Trịnh Thị Liễu, tập thể giáo viên nhà trường sẽ phải khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực để bám trường, bám bản, duy trì hoạt động của lớp học. Số lượng học sinh ở các điểm trường lẻ dù ít hay nhiều thì cũng chỉ tổ chức thành 1 lớp và có 1 giáo viên. Chính vì thế, học sinh càng nhiều thì khối lượng công việc, áp lực cho giáo viên càng lớn.

“Tại các điểm trường lẻ, cơ sở vật chất không đủ để tổ chức ăn bán trú, thậm chí có điểm còn chưa có điện. Phụ huynh phải đưa, đón các con đi học 4 lần/ngày. Nhiều gia đình không có phương tiện, thường đi bộ và phải đi làm, nên không thể ngày nào cũng đưa con đến trường, dẫn đến tình trạng học sinh nghỉ, học.

Khi đó, ngoài giờ làm việc, giáo viên tại các điểm trường lẻ phải tranh thủ đi vận động từng nhà dân, thuyết phục phụ huynh cho con nằm trong độ tuổi mầm non được đến trường”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thêm.

Với điểm trường lẻ không thể gộp, xóa, cần đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My (Quảng Nam) nói: “Hiện nay, ở huyện, cấp tiểu học có 8 điểm trường chính, cấp trung học cơ sở có 8 điểm trường chính và 3 trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Ở các điểm trường lẻ còn lại, số học sinh thường ít, trung bình có 25 học sinh/lớp và chỉ tổ chức dạy cho học sinh mầm non, lớp 1 và lớp 2. Còn học sinh lớp 3, 4, 5 cấp tiểu học sẽ về trường chính để học bán trú từ thứ 2 đến thứ 6”.

Học sinh tại điểm trường chính Trường Mầm non Trà Giác trong ngày khai giảng năm học 2022-2023. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Học sinh tại điểm trường chính Trường Mầm non Trà Giác trong ngày khai giảng năm học 2022-2023. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Lý giải về nguyên nhân không thể gộp trường hay xóa hết điểm trường lẻ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My cho biết, do đặc thù các trường ở huyện miền núi nên rất khó để tiến hành gộp hết các điểm trường lẻ.

“Nếu gộp thì với các em mà nhà ở xa trường, quãng đường đi học sẽ rất vất vả. Thực tế, các điểm trường lẻ được mở ra là nhằm thực hiện “sứ mệnh” tạo cơ hội cho học sinh dễ dàng tiếp cận với môi trường học đường. Do đó, việc gộp các trường nếu không tính toán kỹ thì sẽ khiến các em gặp khó.

Chủ trương thực hiện là những trường nào có các điểm trường lẻ tương đồng, đảm bảo công tác giảng dạy thì báo cáo và lãnh đạo phòng sẽ xin hướng dẫn của huyện để tiến hành gộp điểm trường, vừa tận dụng được nguồn lực giáo viên, vừa sử dụng hiệu quả trang thiết bị giáo dục”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My cho biết thêm.

Năm học 2022-2023, huyện Nam Trà My còn đang thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học.

“Trước mắt, căn cứ vào số lượng chỉ tiêu biên chế được giao, phòng tính toán theo mạng lưới trường, lớp trên địa bàn toàn huyện để tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện phân bổ giáo viên. Trên cơ sở số lượng giáo viên được phân bổ đó, các trường tiến hành hợp đồng để thực hiện.

Hiện nay, huyện cũng có giải pháp lâu dài để giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Cụ thể, huyện đã xin chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh để tuyển dụng viên chức và đã nhận được sự thống nhất.

Huyện Nam Trà My đã có thông báo về vấn đề tuyển dụng viên chức. Nếu triển khai thuận lợi thì tháng 10, tháng 11 tới đây sẽ tiến hành tuyển dụng nhằm bổ sung vào lực lượng giáo viên còn đang thiếu để đảm bảo chất lượng, mục tiêu yêu cầu đào tạo”, thầy Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My nêu giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong năm học 2022-2023.

Cùng bàn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, chủ trương gộp trường, xóa điểm trường lẻ được ngành giáo dục tỉnh chú trọng thực hiện và ghi nhận những tín hiệu khởi sắc.

“Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, địa bàn rộng, chủ yếu đồi núi cao, giao thông không thuận lợi, mật độ dân cư thưa, đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều ở các vùng, miền. Do đó, số lượng lớp học cắm bản, các điểm trường lẻ mở ra để phục vụ giáo dục vẫn còn khá lớn.

Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh xác định công tác gộp trường, xóa điểm trường lẻ là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Nhà nước quan tâm, là biện pháp để giải quyết thiếu giáo viên ở các địa bàn vùng núi.

Năm học 2022-2023, nhằm tạo thuận lợi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở chỉ đạo các trường trên địa bàn toàn tỉnh tiến hành rà soát và thực hiện phương án sắp xếp lớp 3 ở điểm trường lẻ về trường trung tâm để học bán trú, nhất là đối với việc dạy và học môn Tin học, Tiếng Anh”, Phó Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng cho biết.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, tận dụng tối đa đội ngũ giáo viên trong bối cảnh thiếu nguồn tuyển hiện nay thì không chỉ tập trung vào việc gộp trường, xóa điểm lẻ mà phải đánh giá, có giải pháp một cách toàn diện.

Bởi, trên thực tế, có nhiều điểm trường lẻ không thể tiến hành sáp nhập vào trường chính, gộp trường lẻ hay xóa bỏ vì còn phụ thuộc vào điều kiện của từng địa hình địa phương, vị trí địa lý và sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Thực tế, theo chia sẻ của một số lãnh đạo nhà trường, với điểm trường lẻ không thể gộp, xóa, rất cần được đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thiết bị. Hiện nay, có nhiều trường lẻ ở vùng cao chưa được quan tâm kịp thời, nhất là cấp mầm non, thậm chí có trường nằm trong vùng dân cư chưa có điện, nước. Có khu vực chưa có sóng điện thoại nên giáo viên chỉ có thể nhận thông báo kế hoạch hoạt động khi trở về trường chính vào tuối tuần.

Mong mỏi của giáo viên, các cấp quản lý nhà trường là sớm được quan tâm, đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, có thêm những chính sách hỗ trợ cho giáo viên vùng cao, miền núi như một cách động viên tinh thần khi các thầy, cô vẫn đang ngày đêm miệt mài bám bản, bám trường, vận động từng nhà dân để duy trì sĩ số lớp học.

Ngọc Mai