Đỗ đại học đừng vội thỏa mãn, quá trình hướng nghiệp thực sự mới chỉ bắt đầu

18/08/2024 06:40
Huyền Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đỗ đại học đã khó nhưng làm sao để trụ được và tốt nghiệp đúng hạn lại càng khó hơn. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, lúc này quá trình hướng nghiệp mới bắt đầu.

Chuyển cấp từ trung học phổ thông lên đại học là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của nhiều sinh viên, nhất là nhiều bạn lần đầu tiên xa gia đình, lần đầu tiên tự lập. Đây là khoảng thời gian mà các tân sinh viên sẽ tiếp xúc với những kiến thức chuyên sâu, phát triển kỹ năng và khám phá nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, bên cạnh những điều mới mẻ và hấp dẫn, các bạn cũng phải đối mặt với những thách thức, từ việc tự quản lý thời gian, học cách tự lập, đến việc phải cân bằng giữa học tập và cuộc sống cá nhân.

Thi đỗ đại học, quá trình hướng nghiệp không dừng lại mà mới chỉ bắt đầu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Khi bước chân vào giảng đường đại học, các bạn tân sinh viên sẽ cảm thấy choáng ngợp trước khối lượng kiến thức ngành học đồ sộ và cần có những người dẫn đường chỉ ra những hướng đi quan trọng. Tân sinh viên sẽ cần có nhiều kỹ năng mềm để thích ứng với cuộc sống ở trường đại học từ việc lên kế hoạch học tập, quản lý thời gian để cân bằng giữa học tập và cuộc sống tâm lý cá nhân”.

unnamed (2).jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ về các kỹ năng cần thiết của người lao động thế kỷ 21 tại Hệ thống giáo dục Nobel School. ( Ảnh: NVCC)

Cũng theo thầy Nam, quá trình học đại học có thể sẽ có rất nhiều khó khăn cùng đến một lúc nhưng điều quan trọng là các bạn cần vượt qua nó.

“Đừng cho rằng quá trình hướng nghiệp sẽ dừng lại khi bạn đã chọn và đậu vào một chương trình đào tạo đại học. Lúc này, quá trình hướng nghiệp mới chỉ là bắt đầu. Các bạn sinh viên cần định hướng mục tiêu, những năng lực, kỹ năng, phẩm chất cần rèn trong quá trình 4 năm học đại học để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Nhiều bạn sinh viên sau khi thi đỗ đại học, trải qua quá trình học tập cảm thấy không phù hợp với môi trường mà bản thân lựa chọn. Có người chọn cách bắt đầu lại nhưng cũng có người lại chấp nhận tiếp tục dù bản thân không còn đam mê.

Chia sẻ về khoảng thời gian đầu khi bước chân vào đại học, Hoàng Hà Anh, sinh viên năm cuối Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Ban đầu, tôi rất hào hứng khi đỗ vào ngôi trường mơ ước là Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra con đường mình đi không còn phù hợp nữa, học đại học không chỉ liên quan đến ước mơ mà còn là “chiếc cần kiếm cơm” của mình sau này.

“Tôi thấy đuối sức bởi những bạn khác giỏi giang và thực sự phù hợp với ngành nghề. Tôi nhận ra thay vì cứ cố chấp theo đuổi thứ mình không giỏi thì nên cố gắng những thứ bản thân có khả năng, nên tôi chọn thi lại đại học”, Hà Anh tâm sự.

Theo Hà Anh, các bạn sinh viên không nên quá lo sợ khi cảm thấy mình không đi đúng hướng bản thân vạch ra ban đầu. Thay vào đó, các bạn hãy tìm ra thế mạnh của bản thân và có lộ trình học tập, quyết tâm cố gắng để đạt được những gì bản thân mong muốn.

unnamed (3).jpg
Hoàng Hà Anh hiện đang là sinh viên năm cuối của Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Sinh viên đại học cần chuẩn bị những kỹ năng gì?

Môi trường đại học sẽ khác biệt rất nhiều so với bậc học phổ thông ở phương pháp giảng dạy và yêu cầu người học chủ động hơn trong việc định hướng học tập.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Huyền, Trưởng ban Công tác sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội lưu ý: Tân sinh viên nên dành thời gian tìm hiểu về ngôi trường mình theo học và tập thích nghi với môi trường xung quanh, tham gia các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động xã hội để nhanh chóng bắt nhịp được với cuộc sống mới.

“Ở đại học, sinh viên cần tự học nhiều hơn và chủ động hơn trong việc quản lý thời gian, sẽ không còn các bài kiểm tra đầu giờ, 15 phút, 1 tiết,… nhưng các bạn sẽ có các tiểu luận, bài tập lớn, các đồ án, kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ,… Các bạn không nên để sát đến ngày thi mới ôn tập, sát lúc nộp tiểu luận, đồ án mới làm bài mà cần phân chia thời gian hợp lý cho từng môn học”, Tiến sĩ Phạm Thanh Huyền cho hay.

unnamed (4).jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Huyền, Trưởng ban Công tác sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội trao bằng khen tại sự kiện “Gặp mặt, định hướng cho lưu học sinh khóa 68 năm học 2023-2024” (Ảnh: NVCC)

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, có những nghịch lý về thế giới việc làm mà các tân sinh viên cần biết trước để định hướng cho việc học gì của mình ở trường đại học. Cụ thể:

Thứ nhất là nhà sử dụng lao động muốn bạn tăng hiệu suất làm việc tối đa nhưng lại muốn tiết kiệm chi phí. Vì vậy, bạn cần phải rèn luyện năng lực công nghệ thông tin và truyền thông, có năng lực ứng dụng AI để làm tối đa hóa hiệu suất làm việc của bản thân.

Thứ hai, nhà tuyển dụng muốn bạn tận tâm cống hiến nhưng bạn sẽ ngày càng mất cân bằng cuộc sống. Vì vậy, hãy đầu tư, rèn luyện tính kỷ luật bản thân, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thứ ba, nhà sử dụng lao động muốn nâng tầm năng lực của bạn liên tục nhưng con người chúng ta càng già đi thì càng thiếu sự chủ động học tập. Vì vậy, hãy rèn luyện phương pháp tự học, tự nghiên cứu để học tập suốt đời.

Cuối cùng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đầy rẫy công nghệ, robot, AI và tự động hóa, nhà sử dụng lao động lại mong muốn những quyết định mang tính con người hơn. Vì thế các bạn sinh viên cũng cần rèn kỹ năng thấu cảm và lắng nghe tích cực, giao tiếp thuyết phục, có năng lực thiết kế dựa trên người dùng, năng lực lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội, hay có kỹ năng tự tạo động lực để phục hồi nhanh sau thất bại.

Sinh viên nên chọn đi làm thêm hay tập trung học tập, bồi dưỡng kỹ năng?

Hiện nay, nhiều bạn sinh viên muốn độc lập hơn về tài chính và kiếm thêm thu nhập để phụ giúp bố mẹ đóng học phí cũng như trang trải khoản sinh hoạt phí đắt đỏ khi sống ở thành phố lớn.

Chia sẻ về việc sinh viên có nên đi làm thêm trong quãng thời gian học đại học hay không, Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền, giảng viên Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Sinh viên trước hết vẫn phải ưu tiên việc học. Nhưng việc học sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu như sinh viên có thể đồng thời làm thêm công việc liên quan đến ngành học của mình. Hoặc ít nhất có thể ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào việc làm thực tế. Điều đó sẽ tốt hơn so với việc chỉ học và không đi làm”.

TS Nguyễn Nga Huyền.jpeg
Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền, giảng viên Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền, khi sinh viên vừa học vừa làm, đặc biệt làm việc liên quan đến ngành học, sẽ tạo cho các bạn hai cán cân, cán cân lý luận và cán cân thực hành. Nếu như các bạn chỉ học và không va chạm thực tế, ví dụ như sinh viên học báo chí, truyền thông, không tiếp xúc với công việc chi tiết, các bạn sẽ không biết kiến thức được áp dụng như thế nào và trong những trường hợp cụ thể.

Công việc thực tế sẽ giúp các bạn nhìn nhận ra những khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành. Các bạn sẽ xác định được bản thân cần bổ sung thêm kiến thức chuyên sâu ở mảng nào trên giảng đường. Đồng thời mang được kiến thức đi làm trở lại trường học và phản hồi, tranh luận, khiến việc học trở nên hiệu quả gấp nhiều lần.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam lưu ý thêm: Các bạn sinh viên cần cân nhắc lựa chọn những công việc phù hợp, tốt nhất là liên quan đến ngành học, không quá áp lực về mặt thời gian và gây ra sự mệt mỏi quá tải về tinh thần.

Nếu các trường đại học có các vị trí công việc thực tập trong trường được trả lương thì hãy ưu tiên ứng tuyển vào các vị trí đó để học hỏi. Việc cân bằng giữa học tập và làm thêm sẽ giúp các bạn vừa cân đối được những khó khăn tài chính vừa tích lũy kinh nghiệm thực tế để bổ sung vào lý thuyết. Qua đó rèn giũa các bạn sinh viên quản lý thời gian, năng lượng và quản lý sự tập trung, nhận ra những điểm yếu của bản thân để rèn luyện và định hướng nghề nghiệp rõ hơn.

Huyền Trang