Nếu đồng loạt tiến vào tự chủ đại học thì không ít sinh viên phải bỏ học

07/03/2022 06:35
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Giáo sư Phạm Tất Dong và ông Ngô Văn Sửu - Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương muốn tiến đến tự chủ thì cần phải có kế hoạch, tiến độ phù hợp.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề tự chủ đại học trong giai đoạn hiện nay, Giáo sư Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng việc các trường đại học nếu đồng loạt tiến vào cơ chế tự chủ trong khoảng thời gian này sẽ khó khăn cho nhiều sinh viên.

Lý giải về nhận định trên, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng tự chủ đại học đồng nghĩa với việc tăng học phí nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng.

Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh

Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh

Giáo sư Dong phân tích: “Bằng giờ năm ngoái ta mỗi ngày chúng ta chỉ ghi nhận trên dưới 1.000 ca nhiễm COVID. Tuy nhiên thời điểm hiện tại mỗi ngày, nước ta ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm nghĩa là gấp 100 lần so với trước kia đòi hỏi mọi người phải dốc sức thúc đẩy, phục hồi nền kinh tế.”

Do đó hầu hết sinh viên gặp khó khăn vì phần lớn các hộ gia đình chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Do đó, đây là giai đoạn cần chú ý nghiên cứu những đối sách để sinh viên có điều kiện theo học.

Chia sẻ quan điểm của mình về các chính sách tín dụng dành cho sinh viên, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19, trong khi số lượng sinh viên gặp khó khăn là rất lớn do kinh tế gia đình các em cũng bị tác động.

"Theo tôi chúng ta cần nghiên cứu giải pháp khác để việc học tập tiết kiệm chi phí hơn. Ví dụ như mở các chương trình đào tạo trực tuyến đối với các chương trình nước ngoài, người học chỉ cần một chiếc điện thoại, máy tính kết nối mạng thì sẽ rẻ hơn so với học tập trung ở trường.

Cách học này phù hợp với tình hình Covid-19 hơn. Một là giải quyết được phần nào tình trạng lây nhiễm. Hai là giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt và học tập.

Thêm vào đó, không nên giới hạn năng lực của người học nếu các em có thể học vượt cấp để nhanh chóng có công ăn việc làm. Có thể nghiên cứu tiến hành tinh giản chương trình học, chú trọng vào những môn có tính ứng dụng thực tế cao liên quan đến công nghệ và tiếng Anh", Giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Cũng về vấn đề này, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cho rằng áp dụng tự chủ trong các trường đại học là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình rõ ràng và căn cứ vào tình hình đất nước.

Bởi lẽ thu nhập bình quân đầu người của nước ta đang ở mức thấp khoảng 3.000 USD người/năm. Vì vậy nếu các trường tiến hành tự chủ mà không có kế hoạch, tiến độ thích hợp thì sẽ rất thiệt thòi cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hướng đến tự chủ đồng nghĩa với việc học phí tăng, gia đình phải có thu nhập tương xứng thì mới đảm bảo điều kiện cho con em mình ăn học.

Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Đỗ Thơm

Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Đỗ Thơm

Nguyên Vụ trưởng Vụ 1 cũng cho rằng không thể trong một lúc mà cả hệ thống tiến hành tự chủ đồng loạt ngay được, điều này sẽ dẫn đến tình trạng nhiều em có tinh thần nỗ lực phấn đấu nhưng đành không học, bỏ học vì khoản phí chi trả là quá sức đối với gia đình các em. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng và lãng phí nguồn nhân lực, gây căng thẳng cho xã hội.

Bên cạnh việc các trường đại học phải có kế hoạch, tiến độ phù hợp thì cần các chính sách hỗ trợ những em gia đình khó khăn có cơ hội học tập. Việc tự chủ đại học cần đi đối với mở rộng chính sách hỗ trợ.

Cần có quy định rõ về phạm vi đối tượng được vay vốn, phân loại mức độ được vay ví dụ như: 20%, 50%, 100%. Thêm vào đó việc cân đối ngân sách cũng đóng vai trò quan trọng.

Ông Ngô Văn Sửu nhấn mạnh việc tự chủ phải được tiến hành từng bước để tránh gây ra những xáo trộn cho xã hội và các chính sách hỗ trợ liên quan cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thấu đáo.

Ngoài ra, Nguyên Vụ trưởng Vụ 1 kiến nghị cần mở rộng các hình thức học, để đáp ứng để phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Nhưng cần tính đến các giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng đối với những hình thức này.

Nhật Tân