Những ngày qua, người dân thôn Hải Quế, xã Linh Hải (Gio Linh, Quảng Trị) vẫn chưa hết bàn tán về Thảo. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn em vẫn rất ham học, em vừa thi đỗ vào trường đại học Luật Huế với tổng số điểm là 19 điểm nhưng giấc mơ giảng đường của em lỡ dở vì không có tiền nhập học.
Biết con rất ham học, nhưng bố mẹ Thảo đành cho con nghỉ học vì hoàn cảnh quá khó khăn |
Nguyễn Thị Thảo (SN 1996), là con cả trong một gia đình có 4 chị em. Bố Thảo là ông Nguyễn Văn Đức mắc bệnh trĩ nhiều năm qua, người gầy gò, đau ốm triền miên. Mẹ em là bà Nguyễn Thị Yến cũng bị bệnh tim và thần kinh nên phải vào viện thường xuyên.
Hai vợ chồng ông bà không có nghề nghiệp ổn định, nhà lại chỉ có hơn 1 sào ruộng nên trong làng ai thuê làm gì vợ chồng ông bà cũng làm. Cố gắng lắm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, kiếm được bao nhiêu tiền đều phải đổ dồn để chữa trị bệnh tật.
“Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vợ chồng tôi lại cứ đau ốm triền miên. Năm Thảo vào lớp 10, chúng tôi đã có ý định cho con nghỉ học đi làm thuê giúp đỡ bố mẹ nuôi các em nhưng nó khóc lóc xin đi học. Thấy con ham học quá, thương con nên chúng tôi lại cho con đi học tiếp”, bà Yến cho biết.
Ý thức được hoàn cảnh của mình, Thảo luôn chăm ngoan và học rất giỏi. Ba năm cấp 3 em đều đạt học sinh tiên tiến, em cũng đạt giải nhì học sinh giỏi tỉnh môn Địa Lý vào năm lớp 12 và giải khuyên khích năm lớp 11.
Ước mơ vào giảng đường đại học của Thảo đã bị lỡ vì không có tiền nhập học |
Biết Thảo ham học nên bạn bè, thầy cô đều giúp đỡ, tạo điều kiện cho em. Với ước mơ trở thành một cô giáo, nhưng các thầy cô giáo khuyên em thi vào trường Luật để sau này dễ xin việc hơn nên trong kỳ thi vừa rồi, em đã đăng ký dự thi vào trường đại học Luật Huế.
Thời gian ôn thi, em ở nhà tự mò mẫm. Thương cho hoàn cảnh của em, thầy Cảm (giáo viên Lịch Sử lớp 12 của Thảo) đã hỗ trợ thêm tiền cho em đi thi đại học.
“Hoàn cảnh em ấy rất đáng thương. Kinh tế gia đình đã khó khăn, bố mẹ lại đau ốm triền miên nhưng em vẫn rất ham học. Đợt thi đại học, tôi cũng đã hỗ trợ cho em chút ít tiền để em đi thi. Giờ em đỗ đại học, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn quá mà em không thể tiếp tục. Thấy tội nghiệp cho em quá!”, thầy Cảm chia sẻ.
Ước mơ bị dang dở
Trong căn nhà tuềnh toàng ở thôn Hải Quế, ngoài chiếc tivi thì không có gì đáng giá. Căn nhà mới được xây dựng cách đây gần nửa năm bằng tiền hỗ trợ hộ nghèo và vay mượn bà con họ hàng. Để có thêm tiền xây nhà cho các con đỡ cực khổ lúc trời mưa gió, hiện tại ông bà đang vay nợ gần 70 triệu đồng.
“Nếu vợ chồng tôi không đau ốm bệnh tật thì cũng không đến nỗi để con bị thất học như thế này. Nhưng với hoàn cảnh của gia đình hiện nay thì chúng tôi không đủ sức nuôi nó đi học, lại còn mấy đứa em của nó nữa. Thương con lắm chứ, nhưng chúng tôi cũng đành để con nghỉ học đi làm thuê kiếm sống thôi”, bà Yến rơi nước mắt giãi bày.
Lúc nhận được giấy báo, các bạn chuẩn bị mọi thứ để vào nhập trường, còn Thảo lên thành phố làm quần quật từ sáng đến tối. Hiện tại, em đang bán hàng thuê cho một cửa hàng bao bì ở chợ Đông Hà (Quảng Trị).
Hàng ngày, Thảo làm việc việc 6h sáng đến 7 - 8h tối mới về nhà |
Dù nhà ở cách chỗ làm mấy chục km, nhưng em đi về cho đỡ tiền thuê trọ. Mỗi ngày, cứ khoảng 5h sáng là em dậy chuẩn bị cơm nước bới lên thành phố làm thuê cho đến tối mịt mới về nhà. Tìm gặp em ở chỗ làm thuê, Thảo vẫn đang miệt mài làm việc.
Thảo tâm sự: “Em đã luôn cố gắng học thật giỏi để sau này có nghề nghiệp ổn định, cải thiện cuộc sống cho gia đình. Ngày biết mình đỗ đại học, em mừng lắm. Nhưng hoàn cảnh nhà em khó khăn quá, bố mẹ lại đau ốm, nợ nần không đủ điều kiện cho em học tiếp nên em đành nghỉ học, đi làm thuê đỡ đần thêm cho bố mẹ. Thấy các bạn háo hức chuẩn bị nhập trường em thấy buồn và tủi thân lắm. Nhưng biết làm sao được chị? Nếu sau này có điều kiện, em sẽ lại tiếp tục học”.
Ước mơ lớn nhất của Thảo là muốn được bước chân vào giảng đường đại học, tiếp tục con đường học vấn của mình, ra trường có được việc làm ổn định để giúp đỡ bố mẹ. Nhưng với hoàn cảnh hiện nay, em khó có thể thực hiện được ước mơ của mình.
Mọi sự giúp đỡ của độc giả có thể gửi về Nguyễn Thị Thảo, thôn Hải Quế, xã Linh Hải, Gio Linh, Quảng Trị; hoặc tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam, tầng 6, tòa nhà 25T1, khu No5 Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại 043.5569666 - 043.5569777 trong giờ hành chính.