Sau bài báo với tiêu đề "Xin hãy tử tế với người đã chết ở làng cổ Đường Lâm" chỉ trích những viên hài rất nổi tiếng ở Việt Nam đã có những hành động làm xúc phạm tới nơi thờ tự của dòng họ ở làng cổ Đường Lâm khi quay tác phẩm hài “Chôn Nhời”, các nghệ sĩ bị nêu đích danh trong bài báo như NSƯT Phạm Bằng, NSƯT Quốc Anh, NSƯT Kim Oanh... lần lượt nêu ý kiến trên Báo Giáo dục Việt Nam.
Các nghệ sĩ đều cho rằng, tác giả bài báo là người không thật sự am hiểu về công việc của đoàn phim nên đã có những nhận định phiến diện mang tính cá nhân. Bởi lẽ, việc ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đồng ý cho đoàn phim được quay bối cảnh trong làng là chuyện đã được nhiều cấp thông qua. Và việc của diễn viên là thể hiện nhân vật thật tốt ở bối cảnh đó với những nội dung đã được kiểm duyệt bởi cơ quan chức năng, vì vậy việc diễn viên nói và diễn thô tục, sờ soạng nhau… thì đó cũng là những lời thoại trong phim, diễn viên chỉ diễn theo kịch bản, không phải là những câu chuyện ngoài lề tếu táo mà tác giả bài báo khẳng định diễn viên “mất dạy” được...
Trước những ý kiến của các nghệ sĩ, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, tác giả bài báo "Xin hãy tử tế với người đã chết ở làng cổ Đường Lâm" đã gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam quan điểm của anh về vụ việc.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong một chuyến tác nghiệp |
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng nguyên văn ý kiến của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng để độc giả có cái nhìn đa chiều.
Ứng xử có văn hóa ở di tích là một thứ đạo nghĩa làm người
NSƯT Kim Oanh bức xúc vì bị chỉ trích "mất dạy" khi đóng cảnh sàm sỡ
(GDVN) - 'Nếu cảm thấy thô tục, bẩn thỉu, chim chuột, họ có quyền đuổi đoàn làm phim ra...', NSƯT Kim Oanh chia sẻ.
"Trước hết, với lòng yêu mến và kính trọng đồng nghiệp của mình, tôi nhận lời lên tiếng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng là… rất ái ngại. Vì tôi thiết nghĩ, nói như vậy trong bài thứ nhất “Xin hãy tử tế với những người đã chết ở làng cổ Đường Lâm” và bài thứ 2 “Ngày càng lộ diện nhiều vị không tử tế với những người đã chết ở làng cổ Đường Lâm” (đăng báo Lao Động, số ra các ngày 9 và 16/8/204 - độc giả có thể tìm kiếm 2 bài trên qua Google) cũng là hết nhẽ rồi.
Tôi đã phân tích đầy đủ những cái sai, cái ẩu; tôi đã chỉ ra từng chi tiết nhỏ nhất và kèm theo clip “bắt tận tay day tận trán” để chứng minh rằng nhiều lời lấp liếm thanh minh trên báo chí sau bài viết thứ nhất của tôi là “lập lờ đánh lận con đen”.
Phóng viên Báo Lao Động cũng đã phỏng vấn KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; phỏng vấn người góp phần đắc lực làm nên huyền thoại bảo tồn và phát triển du lịch cho Phố cổ Hội An là ông Nguyễn Sự (Bí thư Thành ủy Hội An); đã phỏng vấn ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo xã Đường Lâm sở tại.
Nếu độc giả có thời gian đọc thì sẽ thấy tất cả các ý kiến của các vị khả kính ấy đều ủng hộ sự lên án đanh thép của chúng tôi với các hành vi xâm phạm các giá trị di sản. Họ cùng tôi lên án những người ở địa phương và ở nơi khác đã vô cảm, vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết, thiếu văn hóa trong ứng xử với di tích của quốc gia, của các mạch nguồn tâm linh không ai có quyền báng bổ. Một chuyên gia còn gọi việc làm ô uế di tích, nhà thờ như thế là lối ứng xử không có đạo nghĩa ở kiếp người này.
Tạo hình của NSƯT Kim Oanh và NSƯT Phạm Bằng trong bộ phim hài Tết Chôn Nhời |
NSƯT Phạm Bằng nói gì vụ diễn cảnh sàm sỡ trước bàn thờ người đã khuất
(GDVN) - 'Khi có những cảnh đùa cợt với nhau, chúng tôi đều diễn ở cái buồng bên cạnh chứ ở ngoài nhà thờ thì không có' - nghệ sĩ Phạm Bằng chia sẻ.
Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam) nói (đã đăng báo Lao Động):
Những việc diễn ra ở Đường Lâm như phản ánh của báo Lao Động là một điều không thể chấp nhận được. Những ai lợi dụng di tích để kiếm tiền, nhất là di tích thờ cúng, thì người đó không xứng đáng được di tích đó đón chào, họ không xứng đáng “ngồi” ở vị trí quản lý đó.
Vấn đề quan trọng không kém nữa là: anh đừng tưởng anh tôn trọng người đã chết là chỉ vì bản thân người đã chết thôi, mà nó còn là vì bản thân anh và lớp lớp con cháu của anh nữa.
Anh đối xử với tổ tiên, với người đi trước thế nào, thì con cháu sẽ đối xử với anh như thế, nên anh cần phải thượng tôn đạo hiếu, đạo nghĩa để làm gương.
Tôi vẫn thường ví von, “đừng mong anh trồng cây chanh mà lại hái được quả cam”, trồng trái chua làm sao gặt được trái ngọt? Bên cạnh đó, kinh nghiệm thành công ở đô thị cổ Hội An (bảo tồn và làm du lịch) của chúng tôi là: cần có quy chế rõ ràng và nghiêm khắc.
Chủ nhà được làm gì, được bày bán gì ở di tích? Cấm thương mại hóa di tích ra sao. Cấm du khách ăn mặc hở hang và phản cảm thế nào. Mọi thứ đều chi tiết, cụ thể với cả khách Tây, khách ta. Cơ quan nhà nước phải làm gì, nhân dân phải tuân thủ điều gì. Phải đàng hoàng”.
KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì đặt vấn đề ngược lại, đầy trăn trở: Cớ sao các ông thủ từ, các bô lão quản lý đền vẫn thường không cho du khách vào tò mò, ngắm nghía, chụp ảnh các “hậu cung” của di tích? Vì họ coi đó là điểm thiêng liêng với niềm tin tâm linh thành kính. Vậy mà…
Ông Vinh nhấn mạnh: “Chúng ta cần nhận thức thêm một lần rằng: các di tích “sống” như ngôi nhà thờ cổ kính kia, như ngôi làng Việt cổ Đường Lâm (Di tích Quốc gia) với hàng nghìn con người đang sinh sống kia, nó không chỉ là di tích vật chất; cao hơn thế, như cái nhà thờ họ nó sinh ra là để phục vụ một nhu cầu văn hóa tinh thần, một di sản phi vật thể vô cùng thiêng liêng khác.
Đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là lòng hiếu đễ với ông bà cha mẹ, là niềm tin tâm linh đầy nhân văn của kiếp người. Những người làm bảo tồn có thể giữ gìn từng mẩu gỗ, từng viên ngói vỡ ở ngôi nhà đó. Nhưng giá trị to lớn hơn là tâm lí, tình cảm, phong tục tập quán, cốt cách người Đường Lâm, truyền thống nghìn năm của người Việt luôn gắn liền với di tích đó cũng cần phải nâng niu, trân trọng.
Để cho những việc trớ trêu bi hài diễn ra ở không gian linh thiêng kia, là chúng ta đã xâm phạm đến những giá trị còn to lớn hơn, quan trọng hơn cả di tích vật thể là ngôi nhà cổ.
Khi không gian linh thiêng bị xâm hại, thì việc giữ cái xác ngôi nhà cổ, thử hỏi còn có ý nghĩa gì? Tôi rất mong chính quyền địa phương, bà con và cơ quan quản lý làng cổ Đường lâm cần đặc biệt lưu tâm đến điều này”.
Còn ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) thì khảng khái hứa sau khi đọc bài “Xin hãy tử tế với những người đã chết ở làng cổ Đường Lâm”:
“Sẽ đưa ra họp Ban chỉ đạo làng cổ Đường Lâm và giải quyết dứt điểm chuyện này”
Danh hài Quốc Anh phản bác chỉ trích vụ nói tục tĩu trước bàn thờ
(GDVN) - 'Mấy chục năm trong nghề chưa ai chê tôi điều gì vì tôi rất cẩn thận trong bài vở, ngôn từ...', diễn viên hài Quốc Anh chia sẻ.
Ông Sơn nói: “Ví dụ như các đoàn làm phim, có thể các chủ nhà cổ, rồi phòng văn hóa thị xã Sơn Tây họ đồng ý cho vào đóng. Phim đó có thể chỉ là “phim thương mại” thôi, kịch bản có đúng với thuần phong mỹ tục và luân thường đạo lý không? Chúng tôi không được biết.
Nhưng, về nguyên tắc, họ phải trình bày với cả chúng tôi (Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm) nữa. Vậy mà, có lúc họ qua xã, qua thôn, qua phòng văn hóa thôi, chúng tôi không quản lý được. Sắp tới họp Ban chỉ đạo làng cổ Đường Lâm (gồm lãnh đạo thị xã Sơn Tây, lãnh đạo UBND xã Đường Lâm, các trưởng thôn và trưởng một số dòng họ…), chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra. Sẽ quản lý “tận dân” luôn. Sẽ chấm dứt tình trạng đáng buồn này”.
Tôi xin được gửi đến quý báo 3 clip, tôi cắt ra từ bộ phim được quay ở nhà thờ nhà tôi, để độc giả và khán thính giả tiện theo dõi, bình phẩm. Cá nhân tôi, không còn gì để nói, bởi “hết chỗ nói” rồi.
Họ nhảy tưng tưng trên sập thờ, trong khi bàn thờ, sập thờ nguyên vẹn như khi hành lễ, chứ hầu như không được “sắp xếp trưng bày” lại để phục vụ cho việc đóng phim kia tí nào cả.
Trong vai diễn của mình, họ leo lên sập thờ, đứng ngay gần bát nhang, co chân đạp lên vai, lên cổ nhau, họ tốc cái nọ vén cái kia cho hở da thịt ra, họ bắt bớ đuổi đánh nhau rồi quan quân vào tóm cổ họ, họ chia của gian tế với nhau, chửi bới nhau rầm rĩ cục cằn… Tất tật trên sập thờ, ngay sát ban thờ.
Vẫn biết phim là phim, đời là đời, diễn là diễn, người là người, văn hóa là văn hóa và phi văn hóa là phi văn hóa - nhưng thử hỏi làm như thế với bàn thờ nhà quý vị, quý vị có chấp nhận được không? Một diễn viên lên tiếng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nói rõ: nếu là diễn viên ấy, cô sẽ không đồng ý cho quay ở nhà cổ nhà thờ nhà cô “dù có trả bao nhiêu tiền đi nữa”. Vậy là đã rõ cả rồi, văn hóa hay chưa văn hóa, còn gì để mà nói nữa đây".