Tại Festival khoa học công nghệ do Đại học Đà Nẵng tổ chức mới đây, sản phẩm “hệ thống gieo hạt và làm vườn tự động” do nhóm sinh viên Dương Nhật Zôn và Trần Xuân Mẫn (sinh viên khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) chế tạo đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Dân kỹ thuật “lấn sân” làm nông nghiệp
Giới thiệu về sản phẩm độc đáo của mình, Zôn cho hay, nguyên lý hoạt động của hệ thống này là sẽ tự động giúp con người từ việc gieo hạt, bón phân đến việc tưới nước, kiểm tra chất lượng đất trồng và chất lượng thời tiết ngay tại khu vườn.
Sản phẩm hệ thống gieo hạt và làm vườn tự động của Dương Nhật Zôn và Trần Xuân Mẫn. |
Sau đó, tất cả các thông số sẽ gửi về điện thoại qua một phần mềm cài sẵn trên smartphone để con người có thể theo dõi từ xa.
Và từ phần mềm đó cũng giúp con người tự đặt lịch tưới và điều khiển gieo hạt, kiểm tra các thông số chất lượng đất, thời tiết từ xa. Đồng thời, hệ thống này cũng tích hợp sẵn một camera từ xa để giám sát vườn cây.
Để làm ra sản phẩm này, nhóm của Zôn đã tìm hiểu một số bất cập trong thực tế, khi ai cũng muốn tự mình trồng một vườn rau sạch đảm bảo sức khỏe cho gia đình.
Nhưng đa số họ không có thời gian chăm sóc cũng như không có kiến thức nhiều về nông nghiệp trồng trọt. Chính vì thế sản phẩm này ra đời dựa trên những vấn đề thực tế đó.
Học sinh chế tạo mô hình xe rà đinh nhờ vận dụng tác dụng từ của dòng điện |
“Khả năng ứng dụng của sản phẩm này là cho từng hộ gia đình có không gian ban công hay sân thượng có thể tích hợp vào một khu vườn tự động như thế này.
Với sản phẩm này thì chúng em mất một tháng để tìm hiểu những vấn đề thực trạng và hơn ba tháng nghiên cứu và hoàn thành sản phẩm”, Mẫn chia sẻ.
Những khó khăn mà nhóm của Zôn gặp phải là giải quyết bài toán với nhu cầu trồng nhiều loại rau khác nhau thì quy trình chăm sóc tự động nó sẽ hoạt động như thế nào?
“Nhóm em đã đặt ra những quy trình sẵn cho từng loại cây phổ biến như rau cải, rau xà lách, rau muống và lưu vào bộ nhớ của bộ xử lí, từ đó lúc con người chọn loại rau trồng là gì, thì hệ thống sẽ tự động đặt quy trình chăm sóc cho loại cây đó.
Vì nhóm em là những sinh viên thuộc chuyên ngành liên quan đến kỹ thuật, nên việc kiến thức nông nghiệp không phải thế mạnh của nhóm.
Do đó, nhóm em đã tìm tòi những kiến thức có trên mạng và những sách dạy trồng rau. Từ đó, chúng em đã tìm hiểu cũng một phần về các loại rau trồng phổ biến”, Zôn cho biết.
Ấp ủ khởi nghiệp bằng sản phẩm
Để tạo ra một sản phẩm tự động hóa cao như vậy, đòi hỏi Mẫn và Zôn phải thường xuyên cập nhật những kiến thức mới nhất về chuyên ngành cũng như kỹ thuật trồng trọt.
Xem sinh viên trình diễn những sáng chế khoa học công nghệ độc đáo |
Zôn chia sẻ, những kiến thức trên giảng đường chỉ hỗ trợ một phần, chủ yếu nhóm tự tìm tòi học hỏi trên internet, một số trang báo nước ngoài có chia sẻ về một vài công nghệ phù hợp với hệ thống.
Và từ đó nhóm đã nghiên cứu và làm theo, một số cải tiến nhóm đã thay đổi để phù hợp với sản phẩm.
“Em nghĩ, công đoạn khó nhất là việc xác lập các quy trình chăm sóc từng loại cây và sau đó tích hợp vào bộ điều khiển để nó tự hoạt động.
Vì có rất nhiều loại rau nên việc xác lập tối ưu các quy trình chăm sóc rất phức tạp, nếu sản phẩm còn phát triển thì nhóm sẽ tích hợp hơn nữa đa dạng các quy trình để đáp ứng nhu cầu thực tế”.
Nói về những dự định ấp ủ với sản phẩm sáng tạo này, Zôn nói cả nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, và nếu được thử nghiệm thực tế và có tính khả quan ứng dụng tốt thì có thể thương mại sản phẩm này.