Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng được tổ chức hàng năm vào dịp xuân về là một trong những lễ hội dân gian mang đâm tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ. Nó được sáng tạo ra từ chính cuộc sống sinh hoạt và lao động của người dân miền núi.
Họ tin vào lực lượng siêu nhiên luôn giúp cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa nên đã gửi ước vọng của mình vào mẹ trăng trên trời hay còn gọi là nàng Hai.
Theo tín ngưỡng của người Tày thì trên trời có mẹ trăng và 12 nàng Tiên là con của mẹ trăng chuyên lo việc đời sống, mùa màng cho người dân dưới trần gian. Lễ hội nàng Hai là cuộc hành trình lên trời đón mẹ trăng và các nàng Tiên xuống hạ giới vui hội trần gian.
Video tư liệu Lễ hội nàng Hai
Video: Tùng Dương. |
Các hoạt động trong lễ hội gồm tế lễ, diễn xướng trong nhà và ngoài miếu thổ công. Mâm lễ gồm xôi tím, gà luộc, rượu, thịt lợn và ba bát gạo. Đến khi làm lễ, thầy cúng tụng niệm bài thần trú của làng cầu khấn thành hoàng thổ công để xin được đón mẹ nàng Hai xuống làng. Hai cô gái trẻ trong bản sẽ đóng vai nàng Hai trong lễ cúng.
Theo quan sát thì thầy cúng và bà dẫn thể hiện việc đón nàng Hai là một hành trình khá vất vả, gian nan. Sau một hồi tế lễ, khi thấy hai cô gái tự nhiên múa xoay tròn thì đó là lúc hồn nàng Hai đã nhập vào hai cô gái. Từ giờ phút đó trở đi hai cô gái tượng trưng cho nàng Hai đã trở thành Tiên nữ giúp cầu mùa, cầu phúc cho dân làng.
Sau 2 ngày đêm lễ hội, bà dẫn cùng các cô gái ra lán tế ngoài trời múa quanh nhiều vòng rồi phá dỡ lán trại để cùng dân làng hát chia tay. Lễ tiễn nàng Hai thể hiện sự quyến luyến trước lúc chia tay về trời cùng với những điệu hát dặn dò, hẹn ước năm sau. Nghi lễ cuối cùng là phá dỡ lều trăng, thả thuyền cùng những đồ lễ xuống sông tiễn nàng Hai về trời.
Hiện nay tại Cao Bằng có hai vùng bảo tồn khá nguyên vẹn lễ hội nàng Hai là xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa và xã Kim Đồng huyện Thạch An. Bản Chu Lăng xã Kim Đồng là người dân tái hiện lễ hội nàng Hai một cách sinh động nhất.
Trước năm 1945 thì lễ hội nàng Hai ở bản Chu Lăng diễn ra suốt 48 ngày, bắt đầu từ Mùng 1 tháng giêng đến hết ngày 18/3 âm lịch.
Sau năm 1945 lễ hội này rút xuống 12 ngày và hiện nay chỉ còn 2 ngày 2 đêm vào 17 và 18 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội gồm 3 phần: Phần 1 lễ đón Hai (mẹ trăng); Phần 2 là lễ cầu Hai (lễ chính); Phần 3 là lễ tiến Hai.