Trong quá trình tìm hiểu về những bất cập trong việc thi tuyển viên chức giáo dục ở Quảng Nam, chúng tôi đã nghe những câu chuyện xúc động về hoàn cảnh của các giáo viên hợp đồng đang nhọc nhằn bươn chải để bám trụ với nghề.
Đó là câu chuyện người thầy bị khuyết tật ở tay nhưng không dám nhập viện mổ vì viện phí quá lớn, lại không có bảo hiểm y tế.
Hay câu chuyện cô giáo vừa mới sinh con một tháng đã phải chạy đôn, chạy đáo làm hồ sơ xin đi dạy hợp đồng trước thềm năm học mới. Nhiều thầy cô đã phải thốt lên rằng, “đời giáo viên hợp đồng cực lắm ai ơi”.
Vượt gần trăm cây số đến trường
Trong căn nhà nhỏ ở xã Tam Tiến (Núi Thành, Quảng Nam), thầy Trần Đình Zét – giáo viên hợp đồng trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước, Quảng Nam) cặm cụi sửa lại những đồ dùng đã hỏng.
Dù cuộc sống bộn bề khó khăn, vất vả nhưng thầy Trần Đình Zét vẫn quyết tâm bám nghề, bám trường. Ảnh: TT |
Gần 7 năm nay, thầy Zét chạy xe máy gần trăm cây số cả chiều đi lẫn về để bám trường, bám lớp. Do điều kiện nhà xa, thầy phải ở tạm trong căn phòng tập thể của nhà trường, đến cuối tuần mới về nhà.
Với mỗi giờ dạy, thầy được trả 50.000 đồng, mỗi tháng cũng chỉ xấp xỉ 3 triệu đồng. Cũng có học kỳ, số lượng giờ dạy giảm xuống nên mức thu nhập hàng tháng có khi chỉ vẻn vẹn 2 triệu đồng.
“Dù biết cuộc sống nhọc nhằn nhưng học sư phạm ra trường thì phải bám lấy nghề để sống. Cầm bằng sư phạm trong tay biết xin việc gì bây giờ?”, thầy Zét nói buồn.
"Hồi đó, mình cứ nghĩ quyết tâm bám trụ, cống hiến cho nghề rồi dần dần sẽ được công nhận và đứng vào hàng ngũ nghề giáo. Ai ngờ, cứ phải dạy hợp đồng, long đong cho đến tận bây giờ", giọng thầy như nghẹn lại.
Khổ nhất là vào những tháng nghỉ hè, các thầy cô hợp đồng bị cắt hết lương. Cuộc sống gia đình vốn bấp bênh, thiếu thốn nay lại càng thêm nỗi nhọc nhằn. Thầy Zét phải chạy vạy khắp nơi để làm thêm, phụ vợ nuôi hai con nhỏ.
“Cái buồn nhất là dù đứng lớp 6-7 năm nay nhưng không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ngày lễ, tết cũng không có gì. Những lúc đau ốm nằm viện thì khấp khởi lo lắng, sợ không đủ tiền trả viện phí”, thầy Zét tâm sự.
Để cất được ngôi nhà này, hai vợ chồng thầy phải xoay sở khắp bà con, lối xóm rồi vay thêm ngân hàng gần 100 triệu đồng. “Hai vợ chồng làm lụng suốt nhiều năm nhưng cũng chỉ đủ tiền trả lãi hàng tháng. Còn khoản tiền gốc vẫn còn nguyên vẹn”.
Cầm trên tay những tấm giấy khen, thầy Zét tự hào nói: “Dù khó khăn, vất vả nhưng suốt thời gian qua, mình đã làm tròn bổn phận của một người thầy”.
Thiếu công bằng trong xét tuyển, 104 giáo viên hợp đồng có nguy cơ thất nghiệp |
Bổn phận đó là những thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi cho nhà trường, mang về những giải thưởng lớn của huyện, tỉnh.
Đó là giải nhất môn Hóa thí nghiệm thực hành năm 2014, một huy chương vàng và một huy chương bạc môn Hóa khu vực đồng bằng trong kỳ thi Olympic 2016 của tỉnh Quảng Nam….
Năm 2016, thầy được Ủy ban nhân dân huyện Tiên Phước khen thưởng về thành tích “góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”. Sở cũng nhiều lần điều động thầy đi chấm thi học sinh giỏi…
“Thành công của những lớp học trò đã giúp tôi trụ vững với nghề cho đến tận ngày hôm nay”, thầy tâm sự.
“Bất chấp hết để đến trường”
Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2002, thầy Trần Hữu Ty về dạy hợp đồng tại trường Trung học cơ sở Quang Trung (Thăng Bình). Đến năm 2006 thì chuyển về dạy hợp đồng tại trường Trung học phổ thông Thái Phiên.
Từ đó đến nay, cứ qua mỗi kỳ nghỉ hè, thầy lại phải ký một bản hợp đồng mới mà mức lương cũng không mấy thay đổi từ 1-1,5 triệu đồng/tháng.
“Năm 2009, Sở tiến hành xét tuyển viên chức giáo dục và tôi đã có quyết định trúng tuyển. Ngày đó, gia đình nhận được tin vui lắm, còn tổ chức tiệc mừng”.
Theo đó, thầy sẽ được điều động về dạy tại trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (Duy Xuyên, Quảng Nam). Nhưng đùng một cái, không hiểu vì lý do gì, kết quả xét tuyển của thầy bị gác lại.
“Họ nói với tôi là do trong khâu xét tuyển có khiếu nại gì đó nên hủy”. Vậy là thầy Ty đành ngậm ngùi tiếp tục ký bản hợp đồng thứ 6 trong quãng đời đeo đuổi nghiệp giáo viên.
Đến năm 2015, số lượng học sinh tại trường Thái Phiên sụt giảm, không có tiết để dạy nên Hiệu trưởng cắt hợp đồng với thầy Ty.
“Thấy tôi nhiều năm gắn bó trong ngành, có kinh nghiệm trong quản lý học sinh nên thầy Hiệu trưởng thương, ký lại hợp đồng với tôi làm nhiệm vụ quản sinh.
104 giáo viên hợp đồng có nguy cơ thất nghiệp ngay trước thềm năm học mới |
Đồng lương giáo viên từ 2 triệu đồng/tháng giờ giảm xuống chỉ còn 600.000 đồng/tháng”.
Thầy Ty chia sẻ rằng, dù đời sống khó khăn nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ từ bỏ nghề giáo. Bởi đó là nghiệp, vốn đã quấn vào thân. Học sư phạm ra thì chỉ biết làm nghề giáo.
Dù phải vay mượn khắp nơi để trang trải cuộc sống, nhưng thầy Ty cùng nhiều giáo viên hợp đồng khác vẫn không nguôi ước mong sẽ có ngày được đứng vào hàng ngũ của những người thầy, người cô đi gieo chữ cho thế hệ tương lai.
Cũng như thầy Ty, thầy Nguyễn Thành Công – trường trung học phổ thông Nguyễn Thái Bình cũng một lần hụt hẫng trong đợt xét tuyển viên chức năm 2009.
Những tưởng sau cú sốc ấy, nhiều người nghĩ thầy sẽ bỏ nghề nhưng thầy vẫn bám trụ và đi dạy hợp đồng gần 10 năm nay. Với đồng lương ba cọc, ba đồng, thầy cùng vợ con phải ở nhờ nhà cha mẹ.
Mới đây, thầy bị vỡ cổ tay phải đến bệnh viện chấn thương chỉnh hình để khám, mổ. Bác sĩ tư vấn tình trạng bệnh của thầy phải mổ sớm để không ảnh hưởng về sau. Nhưng chi phí mổ khá lớn, thầy lại không có bảo hiểm y tế nên đành “gác” lại.
“Mình thấy không nguy hiểm lắm nên cũng nán lại một thời gian, để kinh tế đỡ chật vật rồi chữa trị dứt điểm”, thầy Công cười buồn.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 12, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi nhiều khóa liền, cô Nguyễn Thị Thu Trang – trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (Quế Sơn, Quảng Nam) chia sẻ:
“Các thầy cô trong trường cũng rất thương giáo viên hợp đồng. Vào mỗi dịp lễ tết, nhà trường cũng có món quà nhỏ cho giáo viên hợp đồng để động viên, dù rất ít”.
Nhưng số phận của những giáo viên hợp đồng trong năm học mới này vẫn chưa biết sẽ ra sao khi đợt thi tuyển viên chức của tỉnh Quảng Nam sắp công bố kết quả.