Đôi lời trao đổi về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

09/06/2023 09:11
TS. Hoàng Ngọc Vinh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những gì đại biểu Quốc hội hỏi và Bộ trưởng trả lời có đôi điều cần trao đổi lại cho rõ hơn.

LTS: Ngày 6/6, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn.

Theo dõi toàn bộ nội dung các đại biểu Quốc hội chất vấn và phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có một vài trao đổi lại với Bộ trưởng đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Toà soạn trân trọng giới thiệu những chia sẻ của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh.

Tôi dành hơn nửa ngày để theo dõi chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Bởi vì tôi cùng rất nhiều người quan tâm đến trách nhiệm quản lý nhà nước với công tác giáo dục nghề nghiệp.

Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đã hỏi rất trúng vấn đề, ngắn gọn, chính xác mặc dù có một số câu hỏi ngoài thẩm quyền của Bộ trưởng về nhân lực chất lượng cao hoặc là công tác nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp...

Tuy nhiên, từ những gì đại biểu Quốc hội hỏi và Bộ trưởng trả lời, tôi có đôi điều cần trao đổi lại cho rõ hơn.

Vấn đề thứ nhất về đánh giá và công nhận kỹ năng cho người lao động trong doanh nghiệp nói riêng và trên thị trường lao động nói chung.

Câu hỏi này lẽ ra Bộ trưởng phải nắm rất kỹ vì Luật Việc làm (Luật số 38/2013/QH13) ngày 16/11/2013 dành hẳn một điều (Điều 31) để quy định về tổ chức đánh giá kỹ năng nghề, đặc biệt, hiện nay Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có một Vụ (đó là Vụ Kỹ năng nghề) chuyên lo việc này hàng chục năm nay nhưng Bộ trưởng lại nói chúng tôi sẽ quan tâm.

Ngay các dự án của EU về đánh giá kỹ năng nghề du lịch và cấp chứng chỉ đã thực hiện cũng được hơn 15 năm nay.

Có điều, những chính sách này chưa thực chất đi vào cuộc sống bởi nhiều lý do mà Bộ trưởng cần giải trình, còn cơ chế thì đã ghi trong luật, kể cả việc thành lập các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trong một số trường cao đẳng nghề.

Vấn đề thứ hai, để làm rõ “thành công” của việc quản lý nhà nước trong giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng có nói: “Hiện nay quy mô tuyển sinh có 2 triệu học sinh, sinh viên học nghề. So với cách đây 5 năm có khoảng 500.000, như vậy là có sự tiến bộ rõ rệt...” [1]

Có lẽ Bộ trưởng đã nhầm, vì trước năm 2017, có năm quy mô trung cấp chuyên nghiệp đã lên đến 670.000 người chưa kể đến đào tạo ngắn hạn, sơ cấp.

Nếu gộp cả cao đẳng (chuyên nghiệp) thì quy mô do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý là hơn 1,2 triệu người.

Con số 2 triệu mà Bộ trưởng đưa ra ở Quốc hội là bao gồm cả trung cấp, cao đẳng và đặc biệt là học nghề sơ cấp. Con số học nghề sơ cấp kể từ khi có Đề án 1956 đã lên đến gần 1,5 triệu người.

Qua thống kê, tôi cho rằng báo cáo về giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát hành có sự hỗ trợ của Dự án Đào tạo nghề của Đức cũng cho thấy số liệu mà Bộ trưởng đưa ra trước Quốc hội là chưa chính xác, có phần mập mờ khiến người không hiểu sâu sẽ nghĩ là quy mô giáo dục nghề nghiệp tăng gấp 4 lần so với 5 năm trước?

Năm 2016 con số này đã là 2.367.654 người.

Số liệu từ báo cáo của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp
Số liệu từ báo cáo của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp

Vấn đề thứ ba, khi có đại biểu Quốc hội hỏi về câu chuyện thống nhất quản lý giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp để tiện lợi cho tuyển sinh và phân luồng, Bộ trưởng lập luận rằng: dạy nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có kinh nghiệm quản lý lâu hơn ở Bộ Giáo dục và Đào tạo khoảng 38 năm trong khi ở với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vòng 10 năm là Bộ trưởng đang nhầm lẫn khái niệm giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề.

Với 38 năm kinh nghiệm trong quản lý dạy nghề ở bối cảnh của nền kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp và chỉ đào tạo công nhân kỹ thuật, cũng chính vì kinh nghiệm quản lý dạy nghề 38 năm nên năm 2019, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải huỷ bỏ nhiều chương trình khung trình độ trung cấp nghề và trình độ cao đẳng nghề. [2]

Trong khi đó về lịch sử thì quản lý giáo dục nghề nghiệp Bộ Giáo dục và Đào tạo có kinh nghiệm quản lý đến 114 năm kể từ khi có trường trung cấp Y Dược đầu tiên năm 1902 đến tháng 11/2016 (thời điểm tách cao đẳng chuyên nghiệp sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý), gồm cả quản lý giáo dục sau trung học là cao đẳng, đó là chưa kể đến trong bối cảnh phân cấp quản lý nhà nước thì các Sở Giáo dục và Đào tạo có năng lực về quản lý giáo dục hơn so với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vốn ít hiểu biết hơn về giáo dục nghề nghiệp.

Điều này sẽ dẫn đến thách thức trong việc xây dựng chính sách, cụ thể hóa việc thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam cũng như thực hiện quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp.

Việc mập mờ giữa đào tạo công nhân kỹ thuật với đào tạo trung cấp cao đẳng kinh nghiệm quản lý về giáo dục nghề nghiệp mà không rõ lịch sử khiến cho nhiều người hiểu sai về vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vấn đề nữa, qua theo dõi chất vấn, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) có hỏi về nhân lực R&D và đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ đã thực hiện cơ chế chính sách gì để thúc đẩy phát triển và chuyển dịch, nâng cao tỷ trọng nhân lực R&D của khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lại nhận định: "Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Hải Dương nói về vấn đề trí tuệ nhân tạo".

Vì thế, vẫn cần phải trao đổi lại với Bộ trưởng rằng cần phải nghe và hiểu rõ câu hỏi của đại biểu để đừng nhầm R&D (Nghiên cứu và Phát triển) trong doanh nghiệp sang Trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence). Trường hợp không rõ có thể hỏi lại đại biểu chứ không nên trả lời đại như vậy.

Cuối cùng, khi Đại biểu hỏi về nhân lực chất lượng cao thì còn một Bộ gần như chịu trách nhiệm chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo, lẽ ra Bộ trưởng nên đề nghị người chủ trì mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng chia sẻ sẽ là hợp lý và đúng thẩm quyền hơn.

Qua đây cho thấy Chính phủ cũng nên dứt khoát quy trách nhiệm cho một Bộ trưởng về phát triển nhân lực quốc gia.

Hiện nay việc này hoàn toàn không rõ ràng về trách nhiệm cân đối cơ cấu nhân lực cũng như tạo nên một xã hội học tập bền vững.

Một vài ý kiến trao đổi lại với Bộ trưởng, thiết nghĩ nếu có lần chất vấn sau, Bộ trưởng sẽ nắm vấn đề tốt hơn để đáp ứng kỳ vọng của cử tri cũng như của một số đại biểu Quốc hội.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/bo-truong-dao-ngoc-dung-chuyen-gia-noi-rut-bhxh-mot-lan-o-viet-nam-qua-hao-phong-20230605164003551.htm?mibextid=Zxz2cZ&fbclid=IwAR2b8cGsQo6XRXSl5lwXjFIzWAG2XLk9CAW18pJIf9bGQz_CsTXVMdM2uwM

[2] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/Uploads/2019/7/7/22/TT-9-BLDTBXH.pdf

TS. Hoàng Ngọc Vinh