Rủi ro trong quá trình xây dựng chính sách có thể xảy ra do nguyên nhân bên trong và bên ngoài, và bộc lộ khi chính sách được đưa vào cuộc sống nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội.
Rủi ro là điều không mong muốn nhưng khó tránh. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nói tại các diễn đàn: "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”... [1]. Điều đó có nghĩa là những rủi ro luôn là nguy cơ hiện hữu ở nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Hạn chế thấp nhất các rủi ro là một yêu cầu khách quan của quá trình xây dựng, thực hiện chính sách.
Ảnh minh họa: nguồn: baochinhphu.vn |
Nguyên nhân
Nguyên nhân hàng đầu là sự không lường hết những tác động ngẫu nhiên liên quan đến chính sách. Hoặc có thể thiếu các dữ liệu điều tra, thiếu thông tin nên việc xây dựng chính sách, xác định kế hoạch thực hiện trở nên khó khăn. Điều này có thể do năng lực của cơ quan thiết kế chính sách, còn thiếu khách quan, duy ý chí.
Trong quá trình thực hiện chính sách, có thể xuất hiện các yếu tố như hạn chế nguồn lực tài chính, thời gian so với mục tiêu đặt ra. Đặc biệt, chính sách có thể chưa thông suốt và bị phản ứng từ các bên liên quan trong quá trình thực hiện như sự phân bổ nguồn lực, lựa chọn các mục tiêu ưu tiên theo kỳ vọng của mỗi bên.
Những biến động trong nền kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, công nghệ có thể gây ra những rủi ro hoàn thành các mục tiêu mong muốn của chính sách hoặc gây ra những hậu quả không lường trước được và có thể dẫn đến sự thay đổi chính sách thường xuyên tạo nên điều kiện không ổn định.
Những tác động của rủi ro trong quá trình xây dựng chính sách thách thức quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp
Những rủi ro liên quan đến quá trình xây dựng chính sách có thể tác động đáng kể đến những thách thức của việc quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo nghề (VET). Một số tác động này bao gồm:
Quy hoạch đưa ra không đầy đủ. Nếu các quyết định chính sách được đưa ra mà chưa xem xét đầy đủ tất cả các yếu tố liên quan, kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp có thể không đầy đủ. Điều này cũng có thể dẫn đến một kế hoạch không phù hợp với nhu cầu của ngành, người học và nền kinh tế. Nếu nhà thiết kế quy hoạch vẫn quen tư duy “top down” (từ trên xuống), chủ quan, mang tính mệnh lệnh hành chính, không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn thông qua hệ thống dữ liệu được nghiên cứu đầy đủ, thì rủi ro sẽ rất cao.
Mặt khác, sự không đảm bảo chắc chắn về nguồn tài chính do những thay đổi trong các ưu tiên của Chính phủ hoặc nền kinh tế; đồng thời, sự bất trắc của một vài tập đoàn kinh tế có quan hệ chặt chẽ với phát triển của giáo dục nghề nghiệp... đều có thể là nguy cơ gây ra những ách tắc khi thực hiện. Chẳng hạn như: chậm trễ hoặc có nguy cơ phải “treo” dự án...
Chưa kể, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thích ứng rất chậm so với những nhu cầu thay đổi.
Quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp có thể chưa đủ linh hoạt để thích ứng với những nhu cầu và đòi hỏi thay đổi của ngành kinh tế và người học. Điều này dẫn đến sự không phù hợp giữa các kỹ năng có được thông qua giáo dục nghề nghiệp và những kỹ năng mà thị trường lao động yêu cầu. Câu chuyện này thường xảy ra ở nhiều thị trường lao động có sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu kỹ năng.
Tóm lại, những rủi ro trong quy trình chính sách có thể dẫn đến những thách thức trong việc lập quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, dẫn đến việc lập kế hoạch không đầy đủ; những thách thức trong thực hiện bao gồm cả kinh phí; không có khả năng thích ứng với nhu cầu thay đổi và tác động tiêu cực đến kết quả....
Điều quan trọng là phải quản lý những rủi ro này một cách hiệu quả để đảm bảo rằng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo nghề thành công trong việc đáp ứng nhu cầu của ngành, người học và nền kinh tế. Cũng cần lưu ý là làm sao quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp phải phù hợp với quy hoạch phát triển quốc gia.
Những rủi ro cụ thể của quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp
Rủi ro về kinh phí: mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng so với nhu cầu phát triển giáo dục nghề nghiệp có chất lượng thì sự đầu tư ấy còn chưa thống nhất. Lại cộng thêm một số dự án quản lý chưa hiệu quả khiến cho việc tiếp cận nguồn tài chính gặp trở ngại và các chương trình đào tạo sẽ không đảm bảo về chất lượng.
Rui ro do thiếu cơ sở hạ tầng: cơ sở hạ tầng không đầy đủ có thể dẫn đến hạn chế tiếp cận các chương trình giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở vật chất được trang bị kém cũng dẫn đến chất lượng đào tạo kém và kéo theo những hậu quả khác.
Rủi ro của thiết kế và thực hiện chương trình đào tạo không tốt: Các chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm. Nếu chương trình đào tạo được cung cấp không phù hợp với nhu cầu của thị trường việc làm, kỹ năng và trình độ của sinh viên tốt nghiệp có thể không phù hợp với người sử dụng lao động, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp. Đương nhiên, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý năng lực hạn chế, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng của các ngành nghề sẽ tạo ra những rủi ro.
Rủi ro của cơ hội việc làm hạn chế: phát triển các chương trình giáo dục và đào tạo nghề mà không xem xét thị trường việc làm địa phương có thể dẫn đến tình trạng có nhiều sinh viên tốt nghiệp lành nghề nhưng lại ít việc làm.
Rủi ro trong tuyển sinh: ngoài những rủi ro về chất lượng, việc làm thiếu, giáo dục nghề nghiệp còn phải đối mặt với rủi ro về “thị phần” tuyển sinh giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp... Bài toán mang tính hệ thống đã tác động ngay đến rủi ro tuyển sinh vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hệ quả là nguồn lực đã ít lại càng bị cạnh tranh mạnh hơn bởi giáo dục đại học. Việc phát triển các dự án, chương trình nếu không xem xét đến nhu cầu, lợi ích của các học viên tiềm năng cũng dẫn đến đến tỷ lệ tham gia học nghề thấp trong khi còn nhiều người lao động, người thất nghiệp muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm cập nhật kỹ năng trong nền kinh tế chính thức và phi chính thức.
Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức trong một buổi học thực hành. Ảnh: vov.vn |
Rủi ro của sáp nhập các trường trong cùng một địa phương
Theo dõi các phương tiện thông tin truyền thông thời gian qua cho thấy, những rủi ro của thời kỳ hậu quy hoạch hay hậu sáp nhập các trường nghề là có thật, vậy đâu là những nguyên nhân phổ biến của những rủi ro này?
Việc sáp nhập các trường nghề vào một trường cao đẳng nghề lớn hơn có thể mang lại một số lợi ích, bao gồm tính kinh tế theo quy mô, tăng nguồn lực và tiềm năng cho các chương trình đào tạo chuyên biệt và đa dạng hơn. Tuy nhiên, người viết cũng nhận thấy khá nhiều rủi liên quan đến quá trình này, bao gồm:
Sự khác biệt về văn hóa tổ chức: Các trường có văn hóa, truyền thống và phương pháp giảng dạy khác nhau, điều này có thể gây khó khăn cho việc tích hợp chúng vào một trường nghề lớn hơn một cách hiệu quả.
Thách thức về nhân sự: Việc sáp nhập các trường nghề có thể dẫn đến những thách thức về nhân sự, chẳng hạn như dư thừa hoặc xung đột giữa các giáo viên, cán bộ quản lý vốn có thói quen, văn hóa khác nhau đến từ các cơ sở đào tạo nghề khác nhau. Đó là chưa kể những rủi ro xuất hiện khi sắp xếp vị trí của cán bộ quản lý ở các trường cũ về một trường mới.
Rủi ro về phân bổ nguồn lực: Việc sáp nhập các trường nghề có thể dẫn đến những thách thức về phân bổ nguồn lực, chẳng hạn như quyết định cách phân bổ kinh phí và nguồn lực một cách công bằng giữa các chương trình ở các trường khác nhau hậu sáp nhập.
Tích hợp và hài hòa chương trình giảng dạy: Các trường nghề khác nhau có thể có các chương trình giảng dạy khác nhau, điều này có thể gây khó khăn cho việc tích hợp chúng trong một chương trình đào tạo mới một cách hiệu quả.
Chuyển tiếp của học sinh: Việc sáp nhập các trường nghề cũng dẫn đến những thay đổi đối với quy trình và chính sách tuyển sinh, tác động tâm lý điều này có thể gây nhầm lẫn và không chắc chắn cho người học và gia đình của họ trước môi trường, địa điểm học tập (có thể) khác trước.
Rủi ro của sự cản trở sự thay đổi: Đâu đó một bộ phận cán bộ giáo viên, người học và đối tác có thể không đồng tình với sự thay đổi, điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện các chính sách, thủ tục mới và các quy định mới.
Để giảm thiểu những rủi ro liên quan đến việc sáp nhập các trường nghề nhỏ vào một trường cao đẳng lớn hơn, điều quan trọng là phải tiến hành phân tích kỹ lưỡng về sự khác biệt và tương đồng về văn hóa giữa các trường nghề, xây dựng kế hoạch chiến lược và các giải pháp giải quyết mọi xung đột tiềm ẩn; Lên kế hoạch thay đổi nhân sự và hỗ trợ những người có thể bị ảnh hưởng bởi sáp nhập; Xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn lực rõ ràng và công bằng, có tính đến nhu cầu và ưu tiên của từng trường nghề trước khi sáp nhập; Xây dựng kế hoạch tích hợp các chương trình đào tạo khác nhau thành một chương trình phù hợp với nhu cầu kỹ năng; Làm tốt công tác truyền thông đến học sinh, sinh viên, gia đình và các đối tác liên quan và hỗ trợ trong quá trình chuyển tiếp hậu sáp nhập.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://baochinhphu.vn/de-nghi-nha-dau-tu-hai-hoa-loi-ich-chia-se-rui-ro-gop-phan-dua-viet-nam-som-tro-thanh-mot-trung-tam-trong-chuoi-gia-tri-102220730131007892.htm