LTS: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã nhắn nhủ: Cuộc thi khoa học kĩ thuật là góp phần tích cực và đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Tuy nhiên, cách tiến hành ở các địa phương đang diễn ra thực hư như thế nào và chủ nhân thực sự của các Dự án khoa học kỹ thuật này thực sự là ai thì trong bài viết này thầy giáo Nguyễn Văn Lự mạnh dạn chỉ ra.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Mục tiêu hội nhập thế giới
Từ năm học 2011-2012, Bộ GD&ĐT phối hợp Trung ương Đoàn, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, Công ty Intel Việt Nam tổ chức cuộc thi toàn quốc Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.
Chủ trương vận dụng tri thức khoa học kỹ thuật học đi đôi với hành thật sự có ý nghĩa trong đổi mới và hội nhập. Mục đích của kỳ thi ghi rõ trong Công văn 3162/BGDĐT-GDTrH, ngày 24/6/2015 của Bộ GD&ĐT [1] Hướng dẫn cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2015-2016.
1. Khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học; sáng tạo kĩ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn;
2. Góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học;
3. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học;
4. Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Đến tháng 1/2016, các Sở GD&ĐT đã tổ chức thi và chọn đủ dự án thi Khu vực toàn quốc. Phong trào làm dự án ngày càng nở rộ về quy mô và đa dạng về đề tài. Phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật như thế đáng mừng hay đáng lo?
Năm học 2015-2016, cuộc thi tổ chức lần thứ IV, nếu trung bình 100 dự án/vòng tỉnh, chọn trong 6300 dự án lấy 10% thi chung kết quốc gia.
Khuyến khích phát triển sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam(GDVN) - Chiều ngày 27/12, Panasonic Việt Nam tổ chức Lễ trao giải cuộc thi làm phim Kid Witness News Việt Nam 2015 tại Hà Nội. |
Mỗi trường THCS, THPT chỉ làm 02 dự án đi thi nhân với 05 triệu/dự án/vòng thì cả nước, con số đó đủ để xây vài trường học khang trang.
Mặc dù sức hấp dẫn của cuộc thi rất lớn nhưng một số Sở GD&ĐT và Trường chuẩn quốc gia tiềm năng không nhiệt tình tham gia, trong khi nhiều đơn vị, điều kiện học tập, kinh tế còn rất khó khăn lại luôn dồi dào dự án.
Sức hấp dẫn thể hiện trong Hướng dẫn cuộc thi của Bộ GD&ĐT[1]: Giá trị như giải quốc gia học sinh giỏi lớp 12; kinh phí từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa; người hướng dẫn và bảo trợ không giới hạn trình độ và công việc, quan hệ; được hưởng chế độ trừ giờ dạy và học; được tạo điều kiện ưu tiên khác…
Sân chơi này có thể đã biến tướng và đi lệch mục đích ban đầu. Người ta hoài nghi về tính minh bạch của kỳ thi. Ý tưởng của học sinh trung học hay của thầy? Học trò thực hiện nghiên cứu, nhận xét hay thầy cô giáo?
Học sinh có phải diễn viên đọc thuyết trình đã thuộc lòng trên sân khấu? Công sức, thời gian, kinh phí và chất xám có xứng đáng với đầu tư của nhiều cơ quan tổ chức, cá nhân?
Bao nhiêu Dự án của học sinh đó có thể đem thực hành trong khi hàng trăm ngàn đề tài cấp Nhà nước, cấp Tỉnh của các Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân vẫn xếp gọn trong kho Tài liệu mật?
Qúa trình nghiên cứu và dự thi
Các nhà trường đưa vào Nghị quyết, thành chỉ tiêu thi đua và ngay từ tháng 4 hàng năm, sau khi kết thúc mùa giải toàn quốc, đã phát động giáo viên và học sinh suy nghĩ, tìm ý tưởng. Hội đồng khoa học trường chọn và cho phép đầu tư kinh phí, thời gian, công việc.
Giáo viên làm trước, nghiệm thu bước một. Bước hai, chọn học sinh tham gia cùng làm lại với giáo viên/ chuyên gia từ đầu đến khi đạt yêu cầu.
Tiếp tục đầu tư kinh phí, công sức hoàn thiện Dự án, đem dự thi cấp trường, cấp huyện thị, cấp tỉnh thành. Những Dự án đạt giải cao, hoàn thiện nữa để dự thi toàn quốc và quốc tế Intel ISEF.
Chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật khu vực phía Nam, Đồng Tháp 2015. Ảnh: Sở GD&ĐT Gia Lai.edu |
Học sinh cùng quan sát, cùng làm theo người hướng dẫn (là tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, chuyên gia chuyên ngành…) trực tiếp làm mẫu nhiều lần. Khi thành công, làm lại và ghi hình toàn bộ quá trình làm minh chứng. Toàn bộ văn bản thuyết minh, cách xếp đặt bảng biểu đều không phải của học trò.
Việc trình bày thuyết minh trở nên dễ dàng bởi chính tay các em làm, từng việc, từng thứ. Các bản chứng nhận, thành quả cũng vì thế rất rõ ràng và thuyết phục. Tất cả bày ra đó, ai cũng thấy tận mắt, tận tai và không tìm thấy thứ gì hoài nghi!
Trong điều kiện nhà trường và chất lượng giáo dục hiện nay, học sinh chúng ta có thể làm được những gì trên sân chơi nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật?
Học sinh THCS vừa mới làm quen khoa học tự nhiên và xã hội theo môn riêng, thuộc bài đã khó, nhớ kiến thức chưa xong có thể nghĩ được ý tưởng khoa học?
Nhiều đề tài vượt qua cả nhận thức của chuyên gia chuyên ngành (chế tạo robot, phần mềm, máy tự động, chế phẩm dược, sản phẩm hóa sinh…[ 2].
Muốn đổi mới giáo dục, trước hết phải thay đổi tư duy người thầy(GDVN) - Bài viết chỉ xin phép trao đổi một góc của phương pháp rất đáng được quan tâm là phương pháp tư duy của người thầy hay cách tư duy của người thầy. |
Học sinh phổ thông hiểu biết về điện tử tự động, biết công thức hợp chất hóa học, hay lĩnh vực khoa học xã hội, có thể nghĩ và thực hiện dự án như một nghiên cứu viên trình độ cử nhân, thạc sĩ chuẩn xịn?
Học chính khóa, học chuyên đề, học thêm, học đội tuyển và các kỳ thi quanh năm suốt tháng, nhất là các trò khá giỏi cố gắng thi đỗ vào lớp chọn, lớp chuyên, còn đâu lúc nào rảnh rỗi.
Các em càng có năng lực càng được giao nhiều việc, nhiều lúc ăn vội vàng, ngủ không đủ giấc.
Nhưng học sinh THCS vẫn nghiên cứu được “Robot quét rác điều khiển từ xa” hay “Robot ngư dân”; học sinh THPT nghiên cứu “Điều chế kháng nguyên tử độc tố vi tảo Domoic Acid”, hay “Modul chuyển đổi nước biển thành nước ngọt” hoặc “Máy tạo điện năng từ sóng biển dùng trên thuyền cứu sinh”…(Những dự án được Ban giám khảo trao giải cao nhất kỳ thi lần thứ III, Bắc Ninh 2015).
Đọc danh sách đạt giải chính thức, hay xem trực tiếp nơi trưng bày và thi, người ta không thể không hoài nghi! Ý tưởng và sản phẩm của trò hay của thầy, của bố mẹ hay người bảo trợ?
Qua khảo sát trò chuyện, người viết thấy, học sinh khai thác ý tưởng từ gia đình, người thân; từ thứ nhìn thấy ở đâu đó; từ ý tưởng đã sẵn rồi. (Ví như Máy tách ngô, máy bơm dùng sức nước suối, vấn đề biển biển đảo, lá sen hồng làm giảm lipid máu…).
Nhiều em phủ nhận ý tưởng là của mình. Theo Báo cáo tổng kết cuộc thi lần thứ III, tháng 3 năm 2015, giải cao thường của học sinh các trường danh tiếng, các thầy nổi tiếng. Nơi nào đầu tư lớn, mời được chuyên gia giỏi, giao kết với người chấm, dự án nắm chắc phần thắng và ngược lại.
Học trò trung học hiện nay có thể làm được đề tài đơn giản nhưng rất khó làm được dự án chính xác điện tử, cơ khí hay tự động hóa, hay chế phẩm sinh hóa...
Cho dù mới là ý tưởng hay thiết bị sơ khai, nhiều thầy cô còn chưa biết là gì và nó được làm thế nào huống hồ học sinh! Cho dù có sự trợ giúp, hướng dẫn nhiệt tình thì học sinh cũng khó có cơ hội và đủ thời gian để hoàn thành dự án trong vài tháng mà vẫn phải học bài!
Nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị, nơi sản xuất, nơi thực nghiệm và phòng thí nghiệm tiêu chuẩn phải đi hàng vài chục km trong nhiều lần mới xong. Học sinh ta làm được thật là kỳ tài.
Bản thuyết trình tóm tắt, cách thức và tài liệu minh chứng, hệ thống bảng biểu; sơ đồ, nguyên lý vận hành, trải nghiệm thực tế nếu không có người trợ giúp, học sinh khó có thể làm được như trong cuộc thi.
Để đạt yêu cầu dự thi cấp tỉnh và khu vực, cấp quốc gia, các dự án làm lại nhiều lần và rất tốn công tốn của.
Mồ hôi và thành quả
Chỉ số ít dự án được đi tiếp vòng sau, còn lại đều mất trắng. Không thể ứng dụng hay chế tạo sản xuất hoặc khó tìm được tài trợ nghiên cứu tiếp. Có những dự án đã có bán, đã dùng rộng rãi trong sản xuất như:
Bơm nước xoắn ốc, Th.s Vũ Đình Phiên, giải Nhất Khoa học kỹ thuật Yên Bái 2008, sản phẩm bán tại Yên Bái từ 2011. |
Dự án không đạt giải cao, học sinh không được cộng điểm thi tuyển sinh. Các em có thể đủ điểm kiểm tra và đạt danh hiệu khá giỏi nhưng không thầy cô nào có thể bù phần kiến thức những bài học phải bỏ khi làm Dự án.
Mỗi trường gần chục thầy cô và học sinh tham gia, theo quy định, được giảm trừ công việc dạy và học nên lãng phí lớn về nhân lực.
Vòng sau, tốn kém tăng thêm, vất vả tăng thêm…Dự án đạt giải Nhất, Nhì, Ba chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số dự thi.
Cuộc thi khu vực phía Bắc, 3/2015 tại Bắc Ninh, trong số 205 dự án. Có 118 (chiếm 57,5%) đạt giải với 16 Nhất, 27 Nhì, 37 Ba, 38 Khuyến khích [3].
Như vậy, gần 2/3 dự án không đạt nên các trò trở về học và thi như các bạn khác. Các sản phẩm mang về xếp trong kho ngày càng nhiều rồi thành rác thải.
Mất nhiều thời gian, công sức và tiền. Nhà trường chỉ chi trả một phần kinh phí theo quy định, phần còn lại thầy cô và gia đình bỏ ra. Mời chuyên gia cũng cần thù lao, thuê thợ làm, mua vật tư, chi phí đi lại, ăn uống…
Mô hình máy bơm nước, giải Nhất toàn quốc Khoc học kỹ thuật 2015, Nguyễn Tuấn Hùng và Trần Ngọc Vũ - lớp 11 chuyên Vật Lý Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình). Thầy Phạm Đình Mẫn (phải) hướng dẫn Nguyễn Tuấn Hùng nghiên cứu thực tế. Ảnh: Mẫn Phạm |
Điều kiện cần thiết dùng nghiên cứu, thí nghiệm, thực nghiệm hầu hết không nhà trường phổ thông nào đạt yêu cầu. Gia đình và giáo viên phải lặn lội tìm khắp nơi, nhờ quan hệ và tiền để thầy trò được thực hiện nghiên cứu. Mỗi lần tiền triệu như thế ngân sách không thể thanh toán, vì lấy đâu hóa đơn đỏ!
Ngân sách nhà nước chi hàng tỉ đồng dành cho việc chuẩn bị, tổ chức thi và tổng kết các cấp. Các cơ quan tổ chức, cá nhân tài trợ tiền bạc cũng không thể so với công sức thầy trò và gia đình bỏ ra hàng vài tháng trời.
Dạy học trò cấp 2 yêu lao động, không phải chuyện đùa!(GDVN) - Gần chục năm nay, trong các nhà trường THCS việc giáo dục lao động cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí bị cho rằng không quan trọng. |
Nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học rõ ràng rất tốn kém và lãng phí.
Trong khi nhiều trường phổ thông điều kiện dạy và học thiếu thốn, chưa đáp ứng nhiều nhu cầu tối thiểu; chất lượng giáo dục thấp; học sinh còn nghèo và thiếu thốn, việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh có nên làm như hiện nay?
Một đề tài “Robot cứu hỏa”, được Tiến sĩ bảo trợ, chi phí vài chục triệu đồng. Đề tài đơn giản cũng cần vài triệu.
Nhiều chủ tài khoản không mặn mà vì tốn lắm tiền quá, nên họ đầu tư vào học sinh giỏi, tính bài cho học trò lâu dài. Các trường ấy làm dự án cho có, tránh bị phê bình.
Ba mùa thi quốc gia năm nào cũng thành công, năm sau tăng thêm, tốt thêm và cũng có dự án được dày công dự thi quốc tế ISEF. Niềm hi vọng lớn nhất, với danh tiếng của sinh trung học nghiên cứu (chứ không phải tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư).
Dự án sẽ được giải cao, được ứng dụng và hưởng bản quyền sáng chế. Người người khen hết lời; nhiều tít báo đài tung hô khiến nhiều người càng tự hào học sinh Việt Nam rất giỏi học tập, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Thực tế, có dự án đạt giải cao, khi phóng viên đặt vấn đề phỏng vấn viết bài, học sinh chủ dự án không biết nói gì.
Người viết xin mượn lời ông Trưởng ban giám khảo lần III/ 2015, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, trong Lễ tổng kết khu vực phía Bắc thay lời kết:
“Qua cuộc thi, chúng tôi thấy rõ sự nhiệt tình và công sức của các thầy cô giáo, phụ huynh và các nhà khoa học đã tham gia tư vấn và hướng dẫn các em.
Phải nói với các em rằng, các em có được những người thầy và người cô nhiệt tình với các em như vậy là một niềm hạnh phúc lớn. Sự tham gia của các nhà khoa học trợ giúp trong việc thực hiện ý tưởng của chính các em cũng là một thành công của cuộc thi.
Có rất nhiều dạng đề tài, nhưng Ban giám khảo rất mong các cơ sở đào tạo hãy khuyến khích các em xây dựng các đề tài nghiên cứu xuất phát từ chính suy nghĩ của các em, sẽ đem lại nhiều điều lý thú đôi khi là thành công bất ngờ. Và như vậy sẽ đạt được mục đích là các em sẽ năng động hơn, tích cực và sáng tạo hơn.
Tuy vậy, cũng còn một vài hạn chế. Hạn chế lớn nhất của các đề tài là ý tưởng và nguyện vọng thì có, đôi khi là ý tưởng khá lớn nhưng chưa có đủ thời gian, kiến thức và các điều kiện cần thiết để thực hiện ý tưởng của mình.
Cũng vì vậy mà kết quả chưa thật rõ và đôi khi kết luận còn mang tính chủ quan”.[4]
Nhiều người biết sự thật cuộc thi khoa học kỹ thuật này cũng giống vô khối cuộc thi khác ở Việt Nam.
Nhưng người nào sẽ trả lời được câu hỏi: chủ nhân thực sự của các Dự án khoa học kỹ thuật là ai?
Tài liệu tham khảo:
[1] Công văn 3162/BGDĐT-GDTrH, ngày 24/6/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[2] http://www.baomoi.com/Nhieu-bat-ngo-thu-vi-tai-cuoc-thi-KHKT-nam-2015/c/16122871.epi
[3] http://baobacninh.com.vn/news_detail/86293/be-mac-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-hoc-sinh-trung-hoc-nam-2015-khu-vuc-phia-bac.html
[4] http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ket-qua-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-bat-ngo-lon-1426651345.htm