Đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập của tỉnh
Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn nhất quán việc phát triển nguồn nhân lực chính là tạo đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Đại hội lần thứ XV, Đảng bộ tỉnh đã thống nhất quan điểm, định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025, trong đó tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh luôn chú trọng đến lĩnh vực giáo dục, trong đó có giáo dục nghề nghiệp.
Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã từng bước đổi mới theo hướng tiếp cận sát với nhu cầu của thị trường lao động, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm.
Bằng nhiều giải pháp hiệu quả, hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại Quảng Ninh không ngừng được nâng lên về chất lượng, đáp ứng tính cạnh tranh cao trong thị trường lao động hiện nay.
Trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tập trung đào tạo linh hoạt theo nhóm nghề có khả năng cạnh tranh cao từ đó đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Bình quân hằng năm, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo nghề mới gần 34.000 người với trên 100 nghề đào tạo được phân theo 7 nhóm nghề, chủ yếu số lượng người học trình độ cao đẳng và nhóm nghề du lịch - dịch vụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội.
Tại Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) hàng năm, nhà trường cung ứng từ 4.000 đến 5.000 công nhân kỹ thuật có tay nghề cao cho thị trường chính là các doanh nghiệp.
Riêng trong năm học 2021 – 2022, nhà trường đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực một cách có hiệu quả cho 22 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
Đặc biệt trong công tác kiểm định chất lượng, nhà trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành và 3 chương trình đào tạo nghề Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí và nghề Công nghệ ô tô.
Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng được trao Giấy chứng nhận chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng đạt chuẩn kiểm định chương trình đào tạo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành (Ảnh: CTV) |
TS. Đỗ Minh Chiến – Bí thư đảng ủy - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng cho biết, nhà trường đã tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức quá trình đào tạo, luôn tạo điều kiện tốt nhất để mỗi học sinh, sinh viên phát huy hết tiềm năng, khả năng sáng tạo của mình.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đổi mới chương trình, giáo trình, linh hoạt điều chỉnh trong thực hiện tiến độ phù hợp để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.
Thay đổi phương pháp đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực và vị trí việc làm của người học. Do đó chất lượng đào tạo đã được nâng lên rõ rệt, hiệu quả công tác giáo dục đào tạo đã có những chuyển biến hết sức tích cực.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy tiếp tục được sắp xếp theo hướng tinh gọn và hiệu quả, chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức được nâng cao.
Qua hơn hai năm sáp nhập các hoạt động của nhà trường đã đi vào ổn định và phát huy được tinh thần đoàn kết, các lợi thế của từng địa điểm đào tạo.
Công tác đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập được tăng cường; đã mở thêm các ngành nghề mới về du lịch, dịch vụ phù hợp với định hướng phát triển và lợi thế tại địa điểm đào tạo mới từ đó mở rộng địa bàn tuyển sinh về khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh.
Nhà trường đã khai thác cơ sở vật chất và các nguồn lực hiện có một cách có hiệu quả góp phần tăng doanh thu, phúc lợi và đời sống người lao động được cải thiện rõ nét.
Chất lượng đào tạo đã được chuẩn hóa và đồng bộ tại các địa điểm đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Nhờ nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Nhờ nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm và thu nhập ổn định đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động sau tốt nghiệp ngày càng tăng (Ảnh: Phạm Linh) |
Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp
Việc liên kết, hợp tác đào tạo với doanh nghiệp cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu hội nhập của tỉnh Quảng Ninh.
Khi liên kết với doanh nghiệp, người học vừa được trả thù lao trong thời gian thực tập vừa được tiếp cận thiết bị mới và được doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn để bổ sung kiến thức đã học trong trường.
Cụ thể, ngay từ đầu năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh đã ký với Tập đoàn Sun Group vùng Đông Bắc.
Tập đoàn Sun Group Vùng Đông Bắc sau đó ký kết phối hợp đào tạo nghề với các trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng, Cao đẳng nghề Xây dựng, Cao đẳng Than -Khoáng sản Việt Nam, Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Cao đẳng Y tế Quảng Ninh,…
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chủ động phối hợp đào tạo với một số doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đơn cử như Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng, bên cạnh việc liên kết với Sun Group và nhà trường còn có sự hợp tác đào tạo, đưa học sinh ở tất cả các nghề thực hành tại các khu công nghiệp trong tỉnh.
Hiện nay, nhà trường đang liên kết với Công ty Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Hà (Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà) để đào tạo nghề kỹ thuật điện cho người lao động phục vụ sản xuất tại đơn vị.
Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng ký kết thoả thuận hợp tác với Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel (Ảnh: CTV) |
Là cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, mỗi năm, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đào tạo hàng chục nghìn học sinh, sinh viên cho doanh nghiệp ngành than và các doanh nghiệp khác trên địa bàn nhằm đáp ứng cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Trong đó, học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp ra trường đảm bảo 100% có kỹ năng nghề chuẩn, được các doanh nghiệp đón nhận vào làm việc ổn định với mức lương từ 10-25 triệu đồng/tháng.
Thầy giáo Vũ Văn Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, nhà trường thường xuyên cử cán bộ trực tiếp tới các doanh nghiệp để nắm bắt được những máy móc, thiết bị, công nghệ mới, sau đó về truyền đạt lại cho học viên.
Việc cử giáo viên đi thực tập tại doanh nghiệp vừa để quản lý học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp, vừa tham gia tìm hiểu dây chuyền sản xuất cập nhật các kỹ năng nghề nghiệp.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, thông qua hoạt động liên kết với doanh nghiệp, năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã giới thiệu, cung ứng 10.384 lao động cho các doanh nghiệp; phối hợp (hợp đồng đào tạo) tổ chức đào tạo 4.250 lao động cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng nghề cho 67 nhà giáo; xây dựng 27 chương trình, giáo trình đào tạo.
Qua đó cho thấy việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, liên kết với doanh nghiệp giúp bảo đảm đủ nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, thay đổi năng lực tư duy sản xuất cho người lao động trẻ.
Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.