Bài học kinh nghiệm từ công tác gắn kết "3 nhà" trong hoạt động GDNN

10/12/2022 06:43
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quá trình thực hiện công tác gắn kết giữa "3 nhà" các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã rút ra bài học kinh nghiệm để phát huy tốt hơn trong giai đoạn tới.

Thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện

Trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa các trường cao đẳng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được triển khai tương đối tốt, đa số các trường đã hình thành bộ phận quan hệ với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đã quan tâm hơn trong công tác đào tạo của các trường, tích cực tham gia sâu vào hoạt động đào tạo của nhà trường.

Thông qua hoạt động của chương trình phối hợp, chất lượng đào tạo của các trường đã từng bước đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Sự hợp tác có hiệu quả giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp đem lại lợi ích cho cả tất cả các bên.

Trong đó, sự hợp tác với các doanh nghiệp tạo cơ hội cho các cơ sở đào tạo huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để tăng quy mô và chất lượng đào tạo.

Năng lực trình độ của đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng lên: đội ngũ nhà giáo được tiếp cận với trang thiết bị hiện đại của doanh nghiệp; được giảng dạy trong môi trường trực tiếp sản xuất nên thường xuyên có sự trao đổi kinh nghiệm thực tế sản xuất giữa giáo viên và cán bộ của doanh nghiệp về nghiệp vụ quản lý và kinh nghiệm trong thực tế sản xuất...

Chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động.

Chất lượng đào tạo được nâng lên, tạo uy tín cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm thu hút người lao động tham gia học tập tại nhà trường.

Từ thực tiễn quá trình thực hiện gắn kết giữa nhà trường, nhà nước và doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục. (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Từ thực tiễn quá trình thực hiện gắn kết giữa nhà trường, nhà nước và doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục. (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Đối với doanh nghiệp, sự hợp tác chặt chẽ với cơ sở đào tạo giúp nắm bắt được khả năng, đặc điểm (năng lực) đào tạo của nhà trường, từ đó có kế hoạch phối hợp, tham gia cùng đào tạo.

Sản phẩm của quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường sẽ phù hợp với nhu cầu thị trường lao động hơn (cả về số lượng và chất lượng), tránh lãng phí do thừa hoặc thiếu.

Doanh nghiệp chủ động được nguồn lao động, có nhiều cơ hội lựa chọn những học viên xuất sắc để tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp.

Cán bộ quản lý và người lao động của doanh nghiệp có thêm cơ hội học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn của nhà giáo đến thực tập, giảng dạy tại doanh nghiệp, qua đó giúp nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, người lao động của doanh nghiệp.

Không riêng với nhà trường và doanh nghiệp, việc liên kết còn mang lại lợi ích đối với học sinh, sinh viên.

Cụ thể, thông qua sự hợp tác, người học nghề ngoài việc tiếp thu được các kiến thức tại cơ sở đào tạo nghề, được phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông qua học tập tại doanh nghiệp còn được làm quen với máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, giúp nâng cao kỹ năng nghề.

Sau đào tạo, người lao động có thể tham gia ngay vào các công đoạn trong quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Song song với những thuận lợi trên, việc liên kết giữa 3 nhà “nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp” còn tồn tại một số hạn chế cần có giải pháp để tháo gỡ trong giai đoạn tới.

Về hoạt động giới thiệu, cung ứng và tuyển dụng lao động, việc đặt hàng đào tạo của các doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Một số doanh nghiệp khi có nhu cầu sử dụng lao động, đến tuyển dụng người học tại các cơ sở đào tạo nhưng cơ sở đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Công tác thu thập thông tin về cầu lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp và phối hợp giữa trung tâm dịch vụ việc làm và cơ sở đào tạo còn gặp nhiều khó khăn.

Còn về hoạt động xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, số doanh nghiệp tham gia phối hợp với cơ sở đào tạo chưa nhiều.

Hoạt động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đang làm việc tại doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi ngoài các doanh nghiệp trong ngành than, công tác phối hợp hoạt động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đang làm việc tại doanh nghiệp chưa sâu, rộng.

Các trường, các doanh nghiệp chưa tận dụng được các cơ chế chính sách hiện có để tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới cho người lao động đang làm việc doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có khó khăn về hoạt động hợp tác bồi dưỡng kỹ năng nghề cho các nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp để tham gia phối hợp đào tạo; bộ phận quan hệ doanh nghiệp của nhiều trường còn yếu.

Ông Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (ngoài cùng bên phải) thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (ngoài cùng bên phải) thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh (Ảnh: Phạm Linh)

Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc

Theo đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân lực, dây chuyền sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, gây ảnh hưởng đến kết quả hợp tác giữa ba bên trong việc gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững.

Doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng, thông báo kế hoạch trung hạn, dài hạn về nhu cầu tuyển dụng lao động, vì vậy công tác định hướng trong tổ chức đào tạo có lúc, có trường chưa trúng và chưa đúng với nhu cầu của doanh nghiệp.

Trên thực tế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” của đơn vị, chưa thực sự đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp, của thị trường lao động.

Nói cách khác, một số cơ sở đào tạo chưa có giải pháp hiệu quả để đánh giá chất lượng “sản phẩm đào tạo” đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Điều này đã tạo ra sự bất cập, không đồng bộ giữa công tác đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu lao động của các doanh nghiệp và của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, công nghệ, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp và thiết bị đào tạo của các trường có sự khác biệt, ảnh hưởng đến đến hiệu quả công tác phối hợp đào tạo giữa một số trường và doanh nghiệp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nỗ lực khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng liên kết với doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nỗ lực khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng liên kết với doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Thời gian tổ chức lớp học chủ yếu là ngoài giờ hành chính hoặc ngày nghỉ (thứ 7 và chủ nhật) nên các cơ sở gặp khó khăn trong bố trí giáo viên hay thực hiện chế độ giờ giảng theo quy định. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện nền nếp của doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phức tạp.

Chưa có các quy định yêu cầu các doanh nghiệp phải tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo nghề; nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề là một phần vì tính chất công việc của sản xuất, phần khác vì người lao động qua đào tạo thì phải trả lương cao.

Đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp còn nhiều khó khăn do cần nguồn lực lớn đầu tư cho thiết bị đào tạo mới theo kịp được công nghệ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong các cơ sở đào tạo.

Từ những thuận lợi, khó khăn trên cũng như việc tìm ra nguyên nhân giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rút ra bài học kinh nghiệm để từ đó tìm ra giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng liên kết với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Phạm Linh