Các giải pháp NCCL công tác phối hợp 3 nhà "nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp"

09/12/2022 06:52
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chiến lược GDNN Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh giải pháp “gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động”.

Nhằm thực hiện phương châm giáo dục nghề nghiệp, học đi đôi với làm, học kết hợp với lao động sản xuất, đào tạo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội và người học, vai trò của cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như của doanh nghiệp trong công tác phối hợp, liên kết rất quan trọng.

Môi trường sản xuất kinh doanh sẽ hỗ trợ cho người học kinh nghiệm làm việc và góp phần điều chỉnh chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp, liên kết, cả doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nhìn nhận rõ mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi để cùng thắng lợi.

Việc hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được nhiều vấn đề như: nguồn nhân lực ổn định, nhân lực có năng lực phù hợp ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, giải quyết được bài toán về chi phí đào tạo, xây dựng giáo trình và các chi phí khác, nhất là ở một số lĩnh vực cần đầu tư nhiều trang thiết bị tốn kém.

Ngược lại, khi có sự hợp tác với doanh nghiệp là định hướng chiến lược quan trọng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và công tác tuyển sinh.

Học sinh Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh trong giờ học về nghiệp vụ du lịch. (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh trong giờ học về nghiệp vụ du lịch. (Ảnh: Phạm Linh)

Gắn kết 3 nhà – một trong những giải pháp của chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp

Theo ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, chiến lược giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra quan điểm: “Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Trong đó, một trong những giải pháp mà chiến lược đưa ra là “gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động”.

Cụ thể, cần xây dựng và thực thi cơ chế hợp tác giữa nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội.

Xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù, lao động từ khu vực phi chính thức, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp.

Đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động thông qua nâng cao năng lực, phát triển các quy trình, công cụ thu thập, cập nhật và tổng hợp dữ liệu, thông tin về cung, cầu đào tạo nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh dự báo nhu cầu đào tạo nghề nghiệp đặc biệt các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai.

Ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh (bên trái) kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh. (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh (bên trái) kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh. (Ảnh: Phạm Linh)

Khai thác hiệu quả dữ liệu, thông tin thị trường lao động quốc gia kết hợp với điều tra định kỳ hoặc đột xuất về nhu cầu lao động, nhu cầu kỹ năng, nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và phản hồi của người tốt nghiệp phục vụ quản lý và đào tạo.

Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa ra giải pháp gì?

Để thực hiện tốt công tác phối hợp, liên kết giữa 3 nhà “nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp”, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đồng bộ nhiều giải pháp đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong thời gian qua.

Đại diện Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, hiện nay, với sự hỗ trợ đắc lực từ Internet, trí tuệ nhân tạo thì trong tương lai gần, con người có thể tự mình điều khiển quy trình sản xuất ngay tại nhà.

Qua đó, giúp các doanh nghiệp giảm các chi phí giao dịch, vận chuyển, tạo ra các bước đột phá trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, mặt trái của cách mạng 4.0 là nó sẽ thay đổi cấu trúc thị trường lao động. Khi mà máy móc, robot dần thay thế con người thì một số ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến một lượng lớn lực lượng lao động trình độ thấp sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp, gây ra những tác động tiêu cực tới an ninh, xã hội, môi trường, văn hóa...

Theo dự báo, trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của Robot, số lượng nhân viên sẽ giảm còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp.

Trước những thách thức của nền công nghiệp 4.0, Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam đề xuất các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giờ đây không chỉ dừng lại ở việc đào tạo truyền thống mà phải theo định hướng khởi nghiệp.

Đồng thời, nhà trường cần phải tạo ra hệ sinh thái, trong đó mối quan hệ giữa nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường, cần có mối quan hệ khăng khít hỗ trợ nhau trong sự phát triển chung.

Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thay đổi từ chỗ "dạy những gì giới học thuật sẵn có" sang cách “dạy những gì thị trường cần, doanh nghiệp cần", "dạy những gì thị trường và doanh nghiệp sẽ cần".

Chuyển hướng sang tự chủ trong tổ chức và hoạt động, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng các hoạt động đầu tư liên danh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp giúp nâng cao chất lượng gắn kết giữa 3 nhà "nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp". (Ảnh: Phạm Linh)

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp giúp nâng cao chất lượng gắn kết giữa 3 nhà "nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp". (Ảnh: Phạm Linh)

Đại diện Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc cũng đề xuất một số giải pháp nâng cao sự gắn kết 3 nhà “nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp” trong đó nhấn mạnh vai trò song hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao trình độ và chất lượng chuyên môn lẫn kỹ năng giảng dạy.

Đẩy mạnh thu hút hay hợp tác, huy động các chuyên gia, đào tạo bồi dưỡng kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao đã làm việc tại các doanh nghiệp về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm để trở thành nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp.

Xây dựng mô hình Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp hoặc Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Hàng năm cần tổ chức các cuộc thi “học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" cho học sinh, sinh viên tham gia.

Đây là cơ hội để học sinh, sinh viên thể hiện ý tưởng của mình theo các lĩnh vực. Từ đó, thương mại hóa các ý tưởng, phát minh sáng chế công nghệ này cho doanh nghiệp nhằm nâng cao uy tín của cơ sở đào tạo và học sinh, sinh viên cũng như tăng cường sự gắn kết với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hoạt động biên soạn, sửa đổi chương trình đào tạo, chương trình môn học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp vì chỉ có doanh nghiệp mới hiểu rõ những kiến thức, kỹ năng gì ở nhân viên cần có để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Tạo điều kiện cho giáo viên được tiếp cận kỹ thuật sản xuất cũng như tổ chức đào tạo lao động của doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, cần tạo nhiều cơ hội cho người lao động được tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn.

Đồng thời, có chính sách liên kết đào tạo thích hợp nhằm tạo môi trường thực tập cho học sinh, sinh viên khi còn học ở nhà trường. Có chính sách thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao, công bằng trong việc lựa chọn, giao việc cho người tài.

Trong công tác đào tạo, doanh nghiệp cần tạo mọi điều kiện để có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành sẽ góp phần giảm tải được áp lực về chất lượng nguồn nhân lực.

Tăng cường tài trợ các hoạt động của học sinh, sinh viên nhằm quảng bá thương hiệu, nâng cao, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và xã hội.

Phạm Linh