Sinh ra trong gia đình có 8 anh, chị, em, tại vùng quê nghèo khó của huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang), chị Vương Thị Xã (sinh năm 1991) may mắn là người duy nhất năm đó được huyện cử đi học đại học diện cử tuyển.
Mong ước thoát khỏi cái nghèo đã tạo động lực học tập cho chị Xã. Ấy thế mà việc tốt nghiệp với tấm bằng khá nhưng trở về quê hương không có chỉ tiêu biên chế đã khiến chị và gia đình rất thất vọng.
Kì vọng vào học đại học
Chị Vương Thị Xã chia sẻ, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, biết được thông tin tuyển sinh đối tượng cử tuyển nên chị đến Phòng Nội vụ huyện Quang Bình để xem thông tin và về nhà chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển. Năm đó, huyện Quang Bình cũng chỉ có một chỉ tiêu cử tuyển đi học ở Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
“Trước khi đi, tôi có kí bản cam kết sau này khi ra trường sẽ về địa phương để phân công công tác, nếu không thực hiện đúng thì tôi sẽ phải nộp phạt”, chị Xã nhớ lại.
Thấy con gái được đi học cử tuyển, bố mẹ cũng nghĩ là chỉ tiêu nhà nước đưa ra về được sắp xếp bố trí việc làm nên gia đình cũng yên tâm. Họ cũng kì vọng nhiều vào tương lai của cô con gái sẽ tốt đẹp hơn.
Trong quá trình học tập, dù được nhà nước hỗ trợ chi phí sinh hoạt nhưng cuộc sống xa nhà, chi tiêu nhiều nên gia đình vẫn phải gửi thêm tiền cho chị.
Tốt nghiệp ra trường vào năm 2015 với tấm bằng khá, chị lên Sở Nội vụ nhận tờ thông báo giới thiệu về địa phương công tác. Tuy nhiên khi chị mang xuống huyện, họ nói chưa sắp xếp được công việc.
Không được phân công công tác, bố mẹ chị Xã cũng buồn, họ động viên con cố gắng thử sức thi công chức, viên chức xem sao.
Nghe lời khuyên của bố mẹ, chị Xã tham gia kì thi tuyển công chức, viên chức tại địa phương nhưng không đỗ bởi chỉ có một chỉ tiêu đúng chuyên ngành trong khi mức độ cạnh tranh rất lớn.
Sau khi không thi đỗ, chị Xã đi làm công ty một thời gian nhưng lương cũng bấp bênh.
Với vốn kiến thức có được tại trường đại học, chị Xã cho hay có thể áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt nhưng nơi chị ở là địa bàn vùng sâu, vùng xa không có đầu ra, khó khăn đi lại nên cũng khó phát triển.
Không được bố trí công việc, lãng phí ngân sách đào tạo
Anh Thào Say (sinh năm 1987, trú tại huyện Mường Khương, Lào Cai) là chồng của chị Xã cũng là đối tượng thuộc diện cử tuyển. Nhắc đến chuyện cũ, anh Say không khỏi chạnh lòng vì việc đi học 5 năm đã làm tốn ngân sách nhà nước, thời gian, chi phí sinh hoạt...
Giấy báo trúng tuyển dự bị đại học của anh Say. (Ảnh: NVCC) |
Lúc gửi hồ sơ ứng tuyển, ban đầu anh đăng kí Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhưng không trúng tuyển, và được xét tuyển vào Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
Anh Say cho hay, do mồ côi cả bố lẫn mẹ khi còn học phổ thông, nên đứng trước quyết định đi học đại học diện cử tuyển khiến anh đắn đo rất nhiều.
"Nếu trúng tuyển diện cử tuyển, tôi được miễn học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, còn rất nhiều khoản sinh hoạt phải lo toan, rồi công việc sau này khi tốt nghiệp nếu không có chỉ tiêu biên chế...", anh Say chia sẻ.
Chàng sinh viên dân tộc Mông sau đó đã học một năm dự bị như bao thí sinh cử tuyển khác. Và rồi anh chọn ngành học Nông – Lâm kết hợp.
Văn bản giới thiệu sinh viên tốt nghiệp đại học hệ cử tuyển về địa phương của Sở Nội vụ, tuy nhiên anh Say sau đó vẫn được chưa địa phương phân công công tác do không có chỉ tiêu biên chế. (Ảnh: NVCC) |
Trong quãng thời gian học tại nhà trường, do mức hỗ trợ không đủ chi tiêu, hoàn cảnh người thân ở quê cũng khó khăn nên anh Say quyết định vay vốn ngân hàng chính sách.
"Có những lúc không có tiền chi tiêu, thầy giáo lại cho tôi và tôi được thầy cho đi làm thuê cùng", anh Say nhớ lại kỉ niệm khi xưa.
Thấm thoắt thời gian trôi đi, tốt nghiệp ra trường, địa phương không phân công công việc và gọi anh đến rút hồ sơ. Sau đó, anh đi làm công nhân tại công ty chăn nuôi ở huyện Bắc Hà cách nhà vài chục cây số, với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng.
“Sau khi đi làm kiếm được tiền, tôi dành dụm để trả nợ tiền vay ngân hàng chính sách khi còn học đại học”, anh Say cho hay.
Chia sẻ về chính sách cử tuyển, anh Say cho hay đây là chính sách rất ý nghĩa dành cho những con em vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập sau khi đối tượng cử tuyển tốt nghiệp đại học không được bố trí việc làm.
Nguyên tắc cử tuyển là: Đúng mục đích, đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định; Khách quan, công bằng, công khai, minh bạch. Đảm bảo phải bố trí được việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Hiện nay, rất nhiều sinh viên hệ cử tuyển ra trường không được bố trí việc làm, trong khi chỉ tiêu viên chức vẫn có, do sự chênh lệch về nhu cầu công việc và bố trí đào tạo.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7, Nghị định số 141/2020/NĐ-CP quy định về chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, nguyên tắc xác định chỉ tiêu cử tuyển được quy định như sau:
- Thứ nhất, chỉ tiêu cử tuyển được xác định theo từng năm và được cơ quan có thẩm quyền giao theo từng ngành nghề, trình độ đào tạo;
- Thứ hai, chỉ tiêu cử tuyển do Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng và đề xuất.
Việc đề xuất chỉ tiêu cử tuyển căn cứ vào:
- Thứ nhất là yêu cầu nhiệm vụ, vị trí, số lượng người làm việc và số biên chế công chức được giao đối với vị trí việc làm là cán bộ, công chức;
- Thứ hai là nhu cầu công việc, vị trí làm việc, số lượng người làm việc được giao, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập đối với vị trí việc làm là viên chức;
- Thứ ba là kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có đối tượng cử tuyển quy định tại Nghị định 141/2020/NĐ-CP.
Nếu các địa phương vẫn chưa tính toán đúng yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm theo ngành nghề để bố trí người đi học, thì sẽ vẫn còn tình trạng: Đối tượng cử tuyển mòn mỏi chờ việc làm, trong khi chỉ tiêu thi viên chức vẫn có, nhưng không dành cho họ.