Trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, phụ huynh phản ứng, sao lại xử lý GV?

15/03/2024 06:34
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Một giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong bị xem xét xử lý khi phụ huynh phản ứng vì nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm 3 ngày 2 đêm với 2,83 triệu đồng.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã có thông báo kết quả kiểm tra Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong sau phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc nhà trường bị phụ huynh phản ứng vì tổ chức chương trình học tập trải nghiệm cho học sinh khối 12 ở 4 tỉnh miền Trung với chi phí 2,83 triệu đồng.

Có 60/483 học sinh không tham gia hoạt động trải nghiệm

Theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong tổ chức triển khai cho học sinh lớp 12 đi hoạt động học tập trải nghiệm năm học 2023-2024 được đưa vào Kế hoạch năm học với nội dung thực hiện linh hoạt trong và ngoài giờ lên lớp, trong và ngoài khuôn viên nhà trường; thông qua các cuộc họp trong nhà trường (có biên bản, sổ họp và nghị quyết).

Việc tổ chức triển khai thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc: Kết quả thực tế đa số (423/483) học sinh đăng ký tham gia nhưng vẫn có (60/483) học sinh không tham gia.

Học sinh khối 12 của nhà trường tham gia hành trình trải nghiệm “Theo dòng lịch sử” được sinh hoạt, hoạt động tập thể cùng nhau; trải nghiệm, tham quan, học hỏi tại các địa danh lịch sử: Ngã ba Đồng Lộc, Vũng chùa Đảo Yến (mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Làng Sen quê Bác.

GDVN_thpt-le-hong-phong-1.jpg
Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm có 60/483 học sinh không đăng ký tham gia (Ảnh: Lã Tiến)

Thông báo kết quả kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: “Kinh phí phục vụ trực tiếp đi lại, ăn nghỉ, phí dịch vụ khác, cho học sinh đáp ứng yêu cầu của phụ huynh đảm bảo chất lượng, an toàn, ăn uống đủ dinh dưỡng, ở khách sạn 4 sao cho cả chuyến đi trong 3 ngày 2 đêm với số tiền là 2.830.000 đồng/học sinh, được phụ huynh học sinh nhất trí.

Học sinh tham gia trên tinh thần tự nguyện đóng góp không bắt buộc, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm khảo sát ý kiến, nguyện vọng của học sinh, phối hợp với Ban đại diện Cha mẹ học sinh của lớp có biện pháp giúp đỡ, miễn, giảm, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia, phân kỳ đóng góp, không gây áp lực cho phụ huynh học sinh.

Kết quả, có một số giáo viên chủ nhiệm lớp 12, phụ huynh (lớp 12A1, lớp 12A2) hỗ trợ kinh phí và 02 học sinh lớp 12A5 dùng tiền tiết kiệm để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia chuyến đi”.

Cũng theo báo cáo của sở, việc tổ chức cho học sinh lớp 12 đi hoạt động trải nghiệm vào giữa tháng 3/2024 là hợp lý, phù hợp với đối tượng học sinh lớp 12, mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2006.

Trước sự việc được dư luận, báo chí phản ánh, Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong đã cho tạm dừng việc tổ chức hoạt động trải nghiệm theo kế hoạch và đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp 12 trả lại tiền cho học sinh và cha mẹ học sinh để tập trung vào các hoạt động giáo dục chung của nhà trường đồng thời tiếp tục lắng nghe ý kiến của cha mẹ học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng chỉ rõ khuyết điểm của nhà trường, cụ thể: Công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt việc tổ chức triển khai về chuyến đi hiệu quả chưa cao nên vẫn còn có giáo viên chủ nhiệm (lớp 12A3) và cha mẹ học sinh (giấu tên) chưa hiểu đúng chủ trương, bản chất của sự việc.

Có 01 người giấu tên xưng danh là phụ huynh học sinh lớp 12A3 bày tỏ sự bức xúc trên mạng xã hội, theo đó là dư luận, báo chí phản ánh tạo dư luận không tốt về hoạt động trải nghiệm cũng như uy tín của nhà trường, Hiệu trưởng nhà trường.

Công tác chỉ đạo, quán triệt của nhà trường chưa được kiên quyết, mạch lạc, khúc chiết: Vẫn còn có người hiểu và thực hiện chưa đúng bản chất hoạt động trải nghiệm của trường, phân kỳ thu.

Việc giáo viên chủ nhiệm đăng tin trên nhóm thông tin của lớp 12A3 (trên trang thông tin lấy tên là 10C3) ngày 26/02/2024 về số tiền 2.830.000 đồng của chuyến đi trải nghiệm cùng với số tiền học tháng 02 là 872.000 đồng. Tổng là 3.702.000 đồng với mốc thời gian đóng đến 09/3 mà không có giải thích rõ ràng về việc không bắt buộc, phân kỳ thu là không đúng quy định, không đúng với chỉ đạo của các cấp về thực hiện các khoản thu.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm của người đứng đầu?

Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Trách nhiệm để xảy ra hạn chế và khuyết điểm về công tác tổ chức triển khai hoạt động trải nghiệm nêu trên trước tiên thuộc về Hiệu trưởng nhà trường với vai trò người đứng đầu; sau đó là trách nhiệm liên quan của lãnh đạo, các tổ chức, cá nhân đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trong nhà trường với vai trò tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn tồn tại, hạn chế khi tổ chức triển khai thực hiện.

Việc để xảy ra hạn chế và khuyết điểm ở lớp 12A3 nói trên thuộc về trách nhiệm của cá nhân giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3 năm học 2023-2024”.

bc-Kiem-1.jpg
Báo cáo kết quả kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo chưa nêu rõ phương án xử lý trách nhiệm của hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (Ảnh: LT)

Do đó, Sở chỉ đạo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong: “Tiếp tục giải quyết triệt để vấn đề được dư luận, báo chí phản ánh. Nếu đúng, nhà trường phải có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời. Nếu sai, nhà trường phải có phương án với cơ quan báo chí, cấp có thẩm quyền để bảo vệ uy tín của nhà trường.

Đồng thời xem xét hình thức xử lý phù hợp, theo quy định đối với giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3 năm học 2023-2024”.

Với kết quả kiểm tra như trên, một số phụ huynh bày tỏ băn khoăn xung quanh vấn đề này.

Phụ huynh chỉ ra những bất cập, cụ thể việc tổ chức hoạt động trải nghiệm 3 ngày 2 đêm với số tiền 2,83 triệu đồng/học sinh của Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong có 60/483 học sinh không tham gia, vậy tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng lại đánh giá là “được phụ huynh học sinh nhất trí”? Vậy có khách quan?

Hơn nữa, ngày 23/2/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đồng ý với đề nghị của Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong về việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh lớp 12. Song khi có dư luận phản ánh, Sở này lại đề nghị nhà trường tạm dừng tổ chức hoạt động trải nghiệm theo kế hoạch và trả lại tiền cho phụ huynh học sinh. Vậy trường tổ chức là đúng hay sai?

Điều đáng nói nữa, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã chỉ rõ: “Trách nhiệm để xảy ra hạn chế và khuyết điểm về công tác tổ chức triển khai hoạt động trải nghiệm nêu trên trước tiên thuộc về Hiệu trưởng nhà trường với vai trò người đứng đầu”.

Tuy nhiên, trong phần kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo lại không đề cập đến việc xử lý Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong như thế nào, mà chỉ xử lý giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3. Vậy trách nhiệm người đứng đầu ở đâu?

"Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng chưa rõ ràng trong việc xử lý trách nhiệm của hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong.

Vậy sau này các hiệu trưởng khác mỗi lần tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm sẽ đặt trách nhiệm lên vai các giáo viên chủ nhiệm, bởi giáo viên chủ nhiệm phải có trách nhiệm tuyên truyền, quán triệt nếu không sẽ bị kỷ luật thì thầy cô sẽ "nơm nớp" lo sợ. Thực tế, việc tổ chức các hoạt động với chi phí tốn kém như vậy không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Hơn nữa, các em lớp 12 đã lớn tuổi, nếu em nào có hoàn cảnh khó khăn tham gia hoạt động này bằng tiền giúp đỡ của học sinh khác, các em có thấy vui không?

Sở nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức hoạt động trải nghiệm để đi thăm quan, du lịch, dâng hương, thu tiền của học sinh, phụ huynh trái quy định. Tuy nhiên, một thực tế là các chuyến đi xa chủ yếu đều là thăm quan, du lịch vừa tốn kém kinh tế, đi lại bằng ô tô đường xa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Hãy nghĩ đến các gia đình bươn chải kinh tế không dễ, nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm ít tốn kém được không?", một phụ huynh nói.

LÃ TIẾN