Trong bài viết trước, "Song bằng" - dạy thêm có tổ chức và bóng dáng những sân sau, chúng tôi đã phân tích bản chất của chương trình thí điểm "song bằng" là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức cho 9 trường công lập ở nội đô làm dịch vụ giáo dục có thu phí.
Nói cách khác, đây là hoạt động tổ chức dạy thêm học sinh chính khóa dưới danh nghĩa "song bằng", liên kết với nước ngoài trái tinh thần Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ;
Các trường tổ chức lớp song bằng khai thác cơ sở vật chất nhà nước xây dựng, đội ngũ giáo viên hưởng lương từ tiền thuế của dân và thương hiệu nhà trường nhiều thế hệ thầy - trò gây dựng, cộng với sự yểm trợ tuyệt đối từ Sở để tổ chức dạy thêm.
"Song bằng" là một phát kiến tuyệt vời để thu hút học sinh tầng lớp con nhà khá giả ở Thủ đô sử dụng dịch vụ này.
Có điều, cơ quan tổ chức cấp tấm bằng thứ 2 danh giá, không phải Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mà là Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge thuộc Đại học Cambridge nước Anh.
Những ngộ nhận và rủi ro khi cho con học "song bằng" phổ thông tại Hà Nội |
Đây là một đơn vị chuyên cung cấp chương trình - sách giáo khoa và dịch vụ khảo thí có tiếng toàn cầu. Tổ chức này làm thương mại rất thành công.
Cambridge đã xuất khẩu chương trình - sách giáo khoa và dịch vụ khảo thí của họ bởi sự kiểm soát đầu vào, đầu ra rất chặt chẽ, minh bạch.
Nhưng thi được hay không, phụ thuộc vào người học và điều kiện học (giáo viên, cơ sở vật chất, dịch vụ đi kèm).
Hà Nội đã có 10 trường phổ thông được Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge công nhận là thành viên của họ, trong đó có một trường tiểu học công lập (Sài Đồng), 9 trường phổ thông tư thục / quốc tế.
Vậy tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại quyết định "thí điểm" chương trình Cambridge ở 9 trường phổ thông công lập với tên gọi mới, song bằng?
Trong bài viết trước, chúng tôi đã đặt vấn đề về bóng dáng các công ty sân sau của các trường thí điểm song bằng.
Ở bài viết này, chúng tôi xin cung cấp thêm một yếu tố "động lực" khác, để rộng đường dư luận trong bối cảnh Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng 9 trường "thí điểm" song bằng giấu nhẹm đề án của mình.
Miếng bánh ngân sách
Trong buổi giao lưu trực tuyến trên Báo Nhân Dân ngày 10/6, bạn đọc Lê Quốc Phong (Mỹ Đình, Hà Nội) đặt câu hỏi:
Xin hỏi các trường trung học cơ sở tham gia thí điểm đã chuẩn bị như thế nào để đào tạo song bằng?
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho biết:
"Với Quận Tây Hồ có chút khó khăn vì trường Trung học cơ sở Chu Văn An từ 1-8 sẽ xây dựng mới. Chúng tôi đang tạm thời di chuyển toàn bộ trường Chu Văn An về 130 Thụy Khuê.
Thời điểm này, trang thiết bị chưa đáp ứng tiêu chuẩn cao, nhưng chúng tôi bảo đảm sẽ đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho học sinh học tập. Chúng tôi có sự chủ động và kế hoạch dài cho đào tạo song bằng.
Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ trong buổi giao lưu trực tuyến ngày 10/7 về song bằng, ảnh: Báo Nhân Dân. |
Với trường Chu Văn An mới, chúng tôi bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng chuẩn Cambridge.
Chúng tôi đã có kế hoạch về kinh phí và đã được phê duyệt với tổng dự án khoảng 218 tỷ đồng và trang thiết bị cũng phải 20-30 tỷ đồng, bảo đảm chuẩn quốc tế." [1]
Sự quan tâm đặc biệt này khiến chúng tôi bất giác nhớ đến vụ sập vữa trần phòng học tại Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông ngày 20/3/2018 khiến 3 học sinh phải nhập viện.
Sự cố này từng xảy ra năm ngoái, ngày 13/10/2017.
Được biết tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng tại trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông xảy ra từ năm 2010 do khu phòng học được xây dựng cách đây vài chục năm.
Đến năm 2013, nhà trường cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng kế hoạch tu bổ, xây dựng và trình Ủy ban nhân dân Thành phố. [2]
Sau vụ việc ngày 20/3/2018, hơn 1.600 học sinh của nhà trường phải chia thành từng khối lớp, di chuyển đến 3 đơn vị khác học nhờ cho đến hết năm học 2017-2018. [3]
Những ví dụ khác về sự thờ ơ, chậm trễ trong việc đảm bảo cơ sở học cho con em nhân dân lao động ở khu vực nội thành Hà Nội vẫn còn, xin không liệt kê để khỏi mất thời gian của bạn đọc.
Nhìn 2 ví dụ này có thể thấy sự quan tâm đến giáo dục Thủ đô đang được tập trung vào "phân khúc" nào.
Hiện trường vụ sập mảng vữa trần phòng học tại Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, ảnh: Báo Hà Nội Mới. |
Trao đổi với báo chí bên lề lễ bế giảng năm học 2017 - 2018, bà Lê Mai Anh, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chu Văn An, cho biết:
Khó khăn lớn nhất của chương trình song bằng là hệ thống cơ sở vật chất chưa thật sự hoàn thiện, đồng bộ, đủ tiêu chuẩn để đáp ứng phương pháp học tập học đi dôi với hành theo Cambridge.
Hiện trường có 1 phòng thực hành vật lý đạt chuẩn quốc tế, còn phòng thực hành hóa học thì vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí.
“Theo tinh thần của Cambridge, nếu học không đi đôi với hành thì rất khó, vì chương trình ấy yêu cầu việc thực nghiệm và trải nghiệm. Trong kỳ thi cũng vậy, tới 40% số điểm là thi thực hành.
Nếu thiếu đi hệ thống cơ sở vật chất theo chuẩn quốc tế thì dù có nỗ lực bao nhiêu, thầy trò cũng khó mà vượt qua được các giai đoạn tiếp theo của Cambridge;
Cũng như có cơ sở để trở thành trường thành viên của trường, từ đó mới có được ID vào hệ thống để khai tài nguyên của chương trình Cambridge cho việc dạy học của trường”, bà Mai Anh cho hay. [5]
"Phép vua" thua lệ Sở Giáo dục Hà Nội |
Học đi đôi với hành là lời dạy của Hồ Chủ tịch.
Không phải các trường "song bằng" mới cần, trường nào cũng cần để giúp học sinh phát triển cả năng lực, phẩm chất lẫn nhân cách.
Cùng là làm dịch vụ có thu phí, nhưng chưa có hiệu trưởng trường tư thục / quốc tế nào triển khai chương trình Cambridge than phiền vì thiếu tiền.
Ngược lại, họ phải chứng minh được với cha mẹ học sinh những gì con em mình sẽ được hưởng khi theo học chương trình này với sự cam kết rõ ràng, minh bạch.
Bởi lẽ để người dân bỏ một khoản tiền lớn ra cho con học không phải chuyện đơn giản. Không ai ép được họ, mà ngược lại các trường còn phải tìm mọi cách làm hài lòng các "thượng đế".
Lẽ ra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần tham mưu cho lãnh đạo thành phố các kế sách phát triển dịch vụ giáo dục chất lượng cao ở khối tư thục để dành ngân sách lo cho con em nhân dân lao động có thu nhập thấp, thì Sở làm ngược lại.
Sở đã không hỗ trợ họ, kể cả về truyền thông lẫn chính sách thì thôi, đằng này thậm chí còn gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục này trong việc tuyển sinh.
Và bây giờ thì Sở nhảy vào cạnh tranh cung cấp dịch vụ giáo dục, bất kể là việc liên kết trường công lập với cơ sở giáo dục nước ngoài là không được phép.
Dịch vụ "song bằng" và bóng dáng mậu dịch viên
Trong buổi giao lưu trực tuyến "Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng" tại Báo Nhân Dân ngày 10/7, chị Phương Thảo có con đang học trung học cơ sở rất quan tâm đến chương trình "song bằng", đã đặt câu hỏi:
"Đây là một sản phẩm giáo dục hoàn toàn mới, có tác động lớn, mạnh mẽ, sâu rộng tới giáo dục Thủ đô và cả nước;
Vậy mà người dân, các cha mẹ phụ huynh chưa từng được nghe đến công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình song bằng này nhưng Sở đã triển khai năm nay tại bảy trường trung học cơ sở của Thủ đô.
"Song bằng" - dạy thêm có tổ chức và bóng dáng những sân sau |
Liệu rằng việc làm này của Sở có “làm ngược” với cách làm trên thế giới và làm khó cho những phụ huynh đang muốn có con theo chương trình này không?
Vì họ không muốn con em mình làm thử nghiệm cho một chương trình mà không biết có thành công không?
Bà Bùi Thị Minh Nga, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội trả lời những câu hỏi trên đã cho biết:
"Nội dung câu hỏi của bạn Phương Thảo đã được chúng tôi trả lời gần hết. Đó là công tác chuẩn bị cho cơ sở vật chất cho chương trình đào tạo song bằng.
Bốn quận triển khai chương trình thí điểm song bằng đều là bốn quận lõi của Thủ đô. Về nguồn nhân lực, đội ngũ giáo viên, chúng tôi cũng đã nói rồi.
Tôi khẳng định đây không phải trường hợp làm ngược so với thế giới, mà đặt trong bối cảnh chủ trương của Việt Nam, đặc biệt là của Hà Nội.
Chúng ta phải thấy tự hào vì Hà Nội là đơn vị đầu tiên thí điểm đưa chương trình giảng dạy song bằng vào hệ thống giáo dục công lập.
Phải nhắc lại, khối dân lập của Hà Nội đã thực hiện chương trình này khá lâu rồi, nhưng họ dạy chương trình Cambridge chứ không dạy chương trình song bằng.
Trong bối cảnh hội nhập nhanh với quốc tế, chương trình có đẳng cấp quốc tế nhưng giá cả Việt Nam. Phụ huynh có thể tra giá học phí của các trường tư thục một năm học khá nhiều tiền." [1]
Bà Nga kêu gọi cha mẹ học sinh Thủ đô có con thi vào lớp 6 song bằng năm nay "phải thấy tự hào" vì con em họ được hưởng "chương trình đẳng cấp quốc tế nhưng giá cả Việt Nam".
Chúng tôi nhận thấy bóng dáng của các cô "mậu dịch viên" thời bao cấp trong cách làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong cách triển khai dịch vụ "song bằng".
Thôi thì "đặt trong bối cảnh chủ trương của Hà Nội" quy trình nó phải như vậy, ai thích thì theo, ai không thích thì tìm chỗ khác cho con.
Tuyển sinh lớp 6 song bằng ở Hà Nội, bánh ngon Sở vẽ và những bất thường |
Đó đã là niềm tin thì không nên tranh cãi, ai không tin thì thôi.
Nhưng phần giải thích sau đó của bà Bùi Thị Minh Nga lại khiến chúng tôi rất băn khoăn. Bà Nga nói rằng, khối dân lập của Hà Nội đã thực hiện chương trình này khá lâu rồi;
"Nhưng họ dạy chương trình Cambridge chứ không dạy chương trình song bằng."
Bà Bùi Thị Minh Nga không trả lời được đâu là sự khác biệt giữa chương trình Cambridge ở khoảng 10 trường tư thục / trường quốc tế và chương trình "song bằng" của Sở.
Nhưng có những sự khác biệt không nhỏ mà người ta có thể nhận ra, không cần phải đợi Sở trả lời. Chỉ cần nhìn vào cách làm.
Một là, các trường tư thục / quốc tế phải tự mình đăng ký với Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge với đầy đủ thủ tục theo quy trình chặt chẽ mà tổ chức này áp dụng trên thế giới.
Và Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thẩm định, cấp phép về chuyên môn để các trường tư thục / quốc tế này có thể triển khai, chứ không phải "đỡ đầu" như các trường công.
Được biết quy trình này rất công phu, và mất rất nhiều thời gian, công sức, nỗ lực.
Hai là, các trường tư thục / quốc tế tham gia hệ thống Cambridge phải tự quảng bá, tuyển sinh và giữ chân "khách hàng" bằng chất lượng dịch vụ cũng như thái độ phục vụ.
Còn các trường công lập được Sở "đỡ đầu", dường như vẫn duy trì "quán tính ban phúc lợi cho dân" chứ không phải đang cung cấp dịch vụ.
Cứ đọc thông báo của một số trường này khi hạ điểm chuẩn tuyển sinh năm nay, các "thượng đế" sẽ cảm nhận rõ hơn:
"Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân thông báo hạ điểm chuẩn song bằng xuống 11 điểm
Thời gian thu hồ sơ bổ sung: 03/7/2018 (01 ngày duy nhất).
Nhà trường thông báo để các bậc phụ huynh học sinh biết và thực hiện theo đúng lịch.
Trân trọng! Ban Giám hiệu." [6]
Nguồn:
[1]http://www.nhandan.org.vn/antuong/item/36962102-giao-luu-truc-tuyen-%E2%80%9Choc-song-bang-tu-lop-6-ban-khoan-va-ky-vong%E2%80%9D.html
[2]https://anninhthudo.vn/doi-song/ha-noi-lai-sap-vua-tran-lam-bi-thuong-3-hoc-sinh-thpt-tran-nhan-tong/761215.antd
[3]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/896469/hoc-sinh-truong-thpt-tran-nhan-tong-da-den-noi-hoc-moi-
[4]http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/ha-noi-dao-tao-song-bang-chia-se-cua-truong-dau-tien-thi-diem-post42927.html
[5]http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/ha-noi-dao-tao-song-bang-chia-se-cua-truong-dau-tien-thi-diem-post42927.html
[6]http://thcsthanhxuan.edu.vn/tin-tuc-su-kien/thong-bao-ha-diem-chuan-vao-lop-6-chuong-trinh-thi-diem-song-bang-nam-hoc-2018-c3-238.aspx