Đồng lương ít ỏi, GV phải cuốc cỏ thuê, làm giúp việc theo giờ để thêm thu nhập

22/08/2023 06:44
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi đồng lương nghề giáo không đủ trang trải cuộc sống, có giáo viên ngậm ngùi bỏ việc, có thầy cô phải làm thêm đủ nghề sau những giờ đứng lớp.

Công việc giáo viên bận rộn, nhiều áp lực trong khi đồng lương còn thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều thầy cô chấp nhận nghỉ việc.

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Năm học 2022 - 2023, có 9.295 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục, trong khi nhiều địa phương vẫn đang đứng trước áp lực vì thiếu giáo viên.

Nghỉ việc vì đồng lương thấp nhưng vẫn đầy tiếc nuối

Chia sẻ câu chuyện của bản thân với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Chinh (Lạng Giang, Bắc Giang) cho biết, cô tốt nghiệp ngành Giáo dục mầm non năm 2011 và bắt đầu đi dạy với vai trò là một giáo viên hợp đồng.

Đến năm 2013, cô Chinh được chính thức vào biên chế ngành giáo dục, sau 11 năm công tác tại Trường Mầm non Tân Hưng (Bắc Giang), cô viết đơn xin nghỉ việc vì áp lực công việc, sức khỏe sa sút và đồng lương không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.

Cô Lê Thị Chinh khi quyết định nghỉ việc sau 11 năm gắn bó với nghề. Ảnh: NVCC

Cô Lê Thị Chinh khi quyết định nghỉ việc sau 11 năm gắn bó với nghề. Ảnh: NVCC

“Thực ra được làm việc mình thích và được công tác trong ngành giáo dục là một vinh dự với tôi, nhà trường, đồng nghiệp luôn quan tâm, hỗ trợ tôi trong công việc.

11 năm gắn bó với nghề giáo cũng là khoảng thời gian có nhiều kỷ niệm đẹp.

Dẫu vậy, nỗi vất vả của giáo viên mầm non khó mà kể hết, thời gian các cô ở trường còn nhiều hơn ở nhà, chăm sóc cho các bé từ ăn uống đến giấc ngủ. Những khi các con quấy khóc hay chơi đùa nghịch ngợm, các cô cũng vất vả hơn, lo lắng từng chút một.

Bên cạnh việc đứng lớp chăm sóc trẻ, chúng tôi còn phải chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ học tập, làm đồ chơi và muôn vàn công việc không tên khác.

Chăm sóc trẻ cần tình thương, trách nhiệm và đó cũng là một công việc nhiều lo lắng, áp lực nặng nề. Sau thời gian dài làm việc, tôi luôn cảm thấy mệt mỏi, bị mất ngủ, suy giảm trí nhớ do căng thẳng kéo dài”, cô Chinh tâm sự

Công việc áp lực cộng với mức lương còn thấp khiến cô Chinh suy nghĩ đến việc xin nghỉ việc.

Cô Chinh tâm sự, để vào được biên chế và gắn bó với nghề suốt thời gian dài như vậy là cả một quá trình học tập, bồi dưỡng, nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Trong mắt nhiều người, làm giáo viên cũng là một công việc rất ổn định. Vì vậy, nói nghỉ việc không phải là trong phút chốc quyết định được ngay.

“Làm giáo viên mà quyết định bỏ nghề nhiều người nói là dại, nhưng thực sự trong nghề mới thấm những vất vả, cực nhọc mình trải qua.

Chia sẻ với chồng những mệt nhọc, căng thẳng của nghề, tôi được anh ủng hộ, sau thời gian dài suy nghĩ, tháng 8/2022, tôi viết đơn xin nghỉ việc để làm công việc kinh doanh tự do”, cô Chinh chia sẻ.

Thời điểm nghỉ việc, mức lương của cô Chinh gần 6 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, khi yêu cầu mức sống xã hội ngày một cao hơn, giá cả leo thang, đồng lương đó cũng không thể “níu giữ” cô ở lại với nghề.

Lựa chọn xin ra khỏi ngành giáo dục với cô cũng là một niềm nuối tiếc, khi ai nhắc đến nghề giáo cô vẫn có chút chạnh lòng. Thế nhưng công việc kinh doanh hiện tại đã giúp cô có thu nhập cao hơn, ổn định cuộc sống, chủ động thời gian lo cho gia đình, điều đó khiến cô yên tâm và hài lòng hơn.

Cô T.T (Sơn Tây, Hà Nội) từng là giáo viên dạy môn Sinh học, bước vào nghề từ năm 2010, nhưng sau 4 năm, cô T cũng xin nghỉ việc vì đồng lương thấp không đảm bảo được nhu cầu cuộc sống.

Thời điểm đó, sau 1 năm bước vào nghề, cô T vừa đi dạy, vừa học liên thông lên đại học. Sau đó, cô dạy ở một trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc thị xã Sơn Tây.

Nhưng vì lương thấp, không đủ chi trả sinh hoạt hằng ngày và áp lực công việc nên cô T đã quyết định tìm kiếm công việc khác.

“Là giáo viên, công việc rất nhiều, bên cạnh đứng lớp giảng dạy, phải tham gia nhiều hoạt động chung của trường, soạn bài, dự giờ hay ôn thi cho học sinh, áp lực với nghề giáo cũng rất lớn

Sau khi nghỉ việc, tôi đã chuyển sang kinh doanh, bán quần áo. Và nếu chọn lại, tôi vẫn chọn công việc hiện tại, bởi nó giúp tôi có nguồn thu nhập tốt hơn, giúp tôi lo được cho cuộc sống.

Làm công việc kinh doanh buôn bán nhỏ cũng thoải mái về thời gian để tôi chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình.

Tôi nghĩ bây giờ muốn theo nghề giáo cũng phải làm thêm công việc khác, còn nếu chỉ phụ thuộc vào đồng lương giáo viên thì rất khó để trang trải cuộc sống”, cô T chia sẻ.

Làm thêm đủ việc để “nuôi” nghề giáo

Đồng lương thấp nhưng cô Ngô Thị Hường (sinh năm 1987, Hà Nội) vẫn cố gắng theo đuổi công việc của mình, nhưng cô phải làm thêm đủ việc để trang trải cuộc sống.

Dù vào biên chế từ năm 2009 và có thâm niên trong nghề nhưng là một giáo viên dạy thể dục nên thu nhập từ đồng lương của cô cũng hạn chế.

Chia sẻ với phóng viên, cô Hường cho biết, ngoài dạy học ở trường, cô còn làm đủ nghề để tăng thêm thu nhập, lo toan cho gia đình.

Cô giáo Hường nhận ship hàng khi có thời gian rỗi. Ảnh: NVCC

Cô giáo Hường nhận ship hàng khi có thời gian rỗi. Ảnh: NVCC

“Chồng tôi thường xuyên công tác xa nhà nên tôi cũng bận rộn, chăm sóc cho con cái, gia đình nhiều hơn. Đến nay, gia đình tôi vẫn đang sống trong căn nhà nhỏ trong mảnh vườn của bà ngoại.

Sau khi có chính sách tăng lương, đến nay tổng thu nhập của tôi cũng được hơn 8 triệu đồng. Nhưng trong bối cảnh vật giá leo thang, nếu chỉ dựa vào lương thì cũng không đủ để trang trải cuộc sống, nhất là khi con nhỏ đau ốm.

Vì vậy, tôi làm thêm nhiều việc, không nề hà bất cứ công việc gì, dù có khó khăn, vất vả”, cô Hường chia sẻ.

Ngoài giờ lên lớp, có thời gian là cô Hường nhận bóc tỏi, cuốc cỏ thuê, làm giúp việc theo giờ hoặc nhận ship hàng để gia tăng thêm thu nhập. Cứ bóc được 1kg tỏi cô có thêm 5 - 10.000 đồng. Còn nếu một ngày cô nhận cuốc cỏ thuê, cô sẽ trả khoảng 200.000 đồng.

Hiện, cô giáo còn kiêm thêm công việc bán hàng online.

Cô giáo chấp nhận làm thêm nhiều nghề để theo nghề dạy học. Ảnh: NVCC

Cô giáo chấp nhận làm thêm nhiều nghề để theo nghề dạy học. Ảnh: NVCC

“Hôm nào có thời gian rỗi là tôi đi gần 30 cây số đến chợ đầu mối để lấy hoa quả về bán. Làm nhiều việc nên rất tất bật, bận rộn, có ngày tôi chỉ được ngủ 2 - 3 tiếng.

Dù vậy, tôi không ngại khó, không ngại khổ. Tình yêu nghề cho tôi động lực cố gắng và nỗ lực nhiều hơn. Mỗi ngày được đến trường, được gặp học trò cũng cho tôi nhiều niềm vui.

Tôi cũng mong rằng thời gian tới sẽ có chính sách cho nhà giáo tốt hơn, để các thầy cô giảm bớt áp lực, đồng lương đủ sống để yên tâm cống hiến với nghề, cống hiến cho ngành giáo dục”, cô Hường bày tỏ.

Linh Trang