Đồng lương mồ côi chia năm xẻ bảy, chúng tôi sẽ sống sao đây?

05/06/2020 06:26
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu bây giờ, nhà giáo bị cắt thâm niên khi chưa được xếp lương theo vị trí việc làm thì đời sống hàng trăm ngàn giáo viên chắc chắn sẽ khá lao đao.

“Người ta thì có đồng ra đồng vào, mình chỉ mỗi đồng lương mồ côi mà cái gì cũng bấu víu vào, sống sao cho nỗi?” Lời than thở của không ít giáo viên mỗi khi đến tháng nhận lương chưa kịp cầm nóng tay đã phải mất đi vài ba khoản.

Công việc nhiều, áp lực nhưng chế độ đãi ngộ nhà giáo chưa xứng đáng (Ảnh minh họa: http://moet.gov.vn)

Công việc nhiều, áp lực nhưng chế độ đãi ngộ nhà giáo chưa xứng đáng (Ảnh minh họa: http://moet.gov.vn)

Có thể kể đến những khoản tiền bị trừ được coi là nhẹ hơn như tiền đóng quỹ chữ thập đỏ, nuôi gia đình chính sách, quỹ khuyến học, vì trẻ thơ, phụ nữ nghèo, phí công đoàn, đảng phí (với Đảng viên)...

Những khoản tiền trừ khá nặng đô (trừ 1 ngày lương) như quỹ tiếp bước cho em đến trường, nạn nhân chất độc da cam, quỹ vì người nghèo, ủng hộ thiên tai, quỹ "ngân hàng bò' cho hộ nghèo…

Những khoản phí đã đóng ở trường tiếp tục về thôn xã bị vận động đóng tiếp. Nào là quỹ quốc phòng, quỹ ủng hộ thiên tai, người nghèo, khuyến học, trung thu cho trẻ, xây nhà tình thương, quỹ giao thông nông thôn, thắp sáng vùng quê…

Ai không đóng, nói mình đã nộp ở trường thì hãy liệu thần hồn, bản nhận xét đánh giá cuối năm sẽ bị nhận xét là không tham gia phong trào nơi thôn xóm có mà “tiêu tảng đường”.

Vậy là một lần nữa, thầy cô giáo chúng tôi đành móc hầu bao để ủng hộ tự nguyện trong tâm thế không thể không đóng góp.

Ngoài những khoản phải đóng cho xã hội, vì mọi người, còn không ít khoản chúng tôi phải đóng cho bản thân mình. Đó là tiền tham quan từ 100 đến 200 ngàn tùy giáo viên thống nhất.

Khoản tiền này để đến cuối năm nhà trường tổ chức cho giáo viên đi dã ngoại đâu đó một ngày cho vui với thiên hạ. Hoặc là tổ chức chuyến du lịch xa vài ba ngày (đi xa, giáo viên phải đóng góp thêm vào số quỹ đã góp trước đó mới đủ).

Các ngành nghề khác, sau một năm làm việc vất vả thường được đơn vị thưởng cho chuyến du lịch để thư giãn. Nhưng giáo viên lại phải trích tiền túi cóp nhặt từng tháng một để dành mới có được.

Rồi một số ngày lễ tết hoặc họp mặt cuối năm, đầu năm, người ta cũng tổ chức bữa ăn uống nhẹ cho xôm tụ, khí thế.

Thế là kiểu “chung hợp tác xã” (tất cả cùng góp vào) hay “Nhà nước và dân cùng làm” (nhà trường chịu nửa chi phí, nửa còn lại thuộc về giáo viên) được vận dụng đều đặn.

Nhưng mấy triệu tiền lương hàng tháng đâu phải chỉ để chi tiêu như thế? Ai chẳng muốn có một mảnh đất, rồi cất lên căn nhà, mua sắm thêm trang thiết bị…nếu cứ trông lương để dành cũng khó mà có được.

Vậy nên, thầy cô giáo nào chẳng phải cậy nhờ ngân hàng cho vay vốn trước. Thế là hàng tháng, ai chẳng phải cõng thêm khoản tiền vay nợ đôi khi chiếm hết nửa suất lương.

Hàng trăm khoản phải chi như thế nên lương về, giáo viên phải tính chi ly từng đồng một. Chỉ cần trong tháng ấy có biến động như có vài cái đám cưới hay người trong nhà đau vặt cũng làm cho khoản chi tiêu dự tính bị thâm thụt đáng kể.

Tiền lương đã ổn định như thế cũng xem như đủ sống qua ngày. Nếu bây giờ, nhà giáo bị cắt thâm niên khi chưa được xếp lương theo vị trí việc làm thì đời sống hàng trăm ngàn giáo viên chắc chắn sẽ khá lao đao.

Những khoản trừ cứ trừ, những khoản phải đóng góp cũng buộc phải góp đủ. Lương chưa tăng nhưng thâm niên sẽ bị cắt. Ai sẽ thấu hiểu nỗi buồn này của những nhà giáo chúng tôi?

Thiếu hụt vài trăm ngàn còn có thể bù qua xớt lại, thắt chặt chi tiêu hơn một tí cũng đủ. Nhưng thiếu hụt vài ba triệu đồng một tháng (do 2 vợ chồng là nhà giáo lâu năm) thì khó khăn sẽ là chồng chất khó khăn.

Phan Tuyết